Khi phát sinh trường hợp bên thuê chây ì, không trả nhà, cơ quan chức năng nếu thực thi đúng theo quy định pháp luật thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chiếm dụng nhà bất hợp pháp này.
Căn nhà trên đường Đề Thám (Q.1) bị người thuê chiếm dụng TRÁC RIN |
Xử phạt hành chính sử dụng trái phép tài sản
Trong khi đó, liên quan đến nhà 212 đường Đề Thám, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM, mà chủ nhà là bà Nguyễn Thị Thanh (72 tuổi) cho ông T.D (62 tuổi, ngụ Q.3) thuê để kinh doanh quán bar. Đến nay, dù hết hạn hợp đồng thuê tài sản nhưng ông D. vẫn không chịu bàn giao nhà.
Ngày 11/10, ông Huỳnh Mẫn, Phó chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão (Q.1), cho biết căn nhà 212 đường Đề Thám đúng là của bà Nguyễn Thị Thanh. Sau khi hết thời hạn cho thuê, ông D. không chịu trả lại nhà. "Nắm bắt sự việc, tối 20/8/2019, tổ công tác của UBND P.Phạm Ngũ Lão xuống địa chỉ kinh doanh nhà hàng số 212 Đề Thám để kiểm tra. Kết quả, UBND P.Phạm Ngũ Lão đã lập biên bản, xác định hành vi vi phạm hành chính sử dụng trái phép tài sản của người khác của chủ nhà hàng này. Thời điểm kiểm tra, hợp đồng thuê nhà của cơ sở đã hết hạn, chủ nhà đã có văn bản yêu cầu trả lại nhà, tuy nhiên chủ cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh", ông Huỳnh Mẫn cho hay.
Cũng theo ông Huỳnh Mẫn, ngày 26/8/2019, Chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão đã ra quyết định xử phạt hành chính cơ sở kinh doanh nhà hàng tại địa chỉ 212 Đề Thám, do ông D. đại diện theo pháp luật, với số tiền 3 triệu đồng về hành vi "sử dụng trái phép tài sản của người khác", theo điểm d khoản 1 điều 15, Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Cưỡng chế, buộc giao nhà
Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), luật không còn phù hợp với thực tiễn thì phải thay đổi. Hết thời hạn thuê, chủ nhà đương nhiên được quyền thu hồi ngay lập tức tài sản của mình, không cần bất cứ lý do nào. Bên thuê không trả, chủ sở hữu đến UBND, chứng minh quyền sở hữu hợp pháp, và UBND ra quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế trục xuất bên thuê. Còn bên thuê nếu cho rằng quyền lợi của họ bị ảnh hưởng, họ có quyền khởi kiện ra tòa để tránh các rủi ro, xảy ra tội phạm khác", luật sư Hà Hải nhấn mạnh.
Tương tự, ông Võ Văn Thêm (nguyên Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM) cũng nhận định thực tế hiện nay các hợp đồng thuê và cho thuê hay mua bán là giao dịch dân sự, các bên muốn lấy lại tài sản của mình thì phải kiện ra tòa, chính quyền địa phương không hoặc ngại can thiệp. Vì vậy, nếu có hướng dẫn hoặc sửa đổi luật theo hướng giao quyền cho UBND phối hợp cùng công an địa phương cưỡng chế bên sử dụng, chiếm hữu trái phép tài sản của người khác thì phần nào hạn chế nạn chây ì không bàn giao tài sản khi hết hợp đồng.
Về vấn đề này, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự TAND tối cao, cho rằng căn cứ vào hợp đồng và các giấy tờ chứng minh chủ sở hữu hợp pháp, nếu hết thời hạn hợp đồng, bên thuê vẫn sử dụng thì việc UBND xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác là không sai.
Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính đối với những trường hợp tương tự như trên ít xảy ra, mà chủ yếu chính quyền địa phương hướng dẫn các bên kiện ra tòa do nhận thức một phần ở cán bộ. Việc mạnh dạn xử phạt hành chính hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác sẽ tránh tình trạng chây ì hết hạn hợp đồng nhưng không trả nhà cho chủ sở hữu. Nếu đã bị xử phạt hành chính nhưng bên sử dụng trái phép không bàn giao tài sản, công an có thể căn cứ vào đó để xem xét, xử lý hình sự về tội "sử dụng trái phép tài sản của người khác" theo điều 177, bộ luật Hình sự năm 2015.
Thủ tục tố tụng dân sự rườm rà
Với trường hợp phát sinh tranh chấp về hợp đồng mua bán, thuê nhà buộc phải khởi kiện ra tòa án, nhưng làm thế nào để người dân thật sự tin vào con đường khởi kiện, thay vì tâm lý lo ngại vụ việc sẽ kéo dài, ông Quách Hữu Thái (Chánh án TAND Q.2, TP.HCM) cho biết theo quy định hiện nay, nhanh nhất thì cũng mất 4 tháng vụ án sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm, nếu đương sự hợp tác với tòa, song tỷ lệ giải quyết nhanh vụ kiện rất thấp. "Hiện nay thủ tục tố tụng dân sự của mình quy định quá rườm rà, không cần thiết, kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Chẳng hạn, về thủ tục tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho bị đơn, người liên quan, chỉ cần một người không lên tòa thì tòa phải đi xác minh nơi cư trú rồi tống đạt. Sau 5 lần tống đạt, mỗi lần cách nhau 15 ngày mà không tống đạt được đến đương sự thì phải niêm yết công khai tại nơi cư trú... Như vậy để xong kết quả tống đạt, niêm yết tòa cũng hết hơi, chưa kể đương sự cố tình thay đổi địa chỉ thì tòa phải thực hiện thủ tục tống đạt lại từ đầu. Thẩm phán dù muốn giải quyết nhanh cũng bắt buộc phải làm đúng thủ tục", ông Quách Hữu Thái chia sẻ.
Theo ông Thái, cần thiết phải rút gọn lại thủ tục tố tụng. Ông nói: "Chỉ cần quy định, cho phép tòa thực hiện thủ tục tống đạt văn bản, thông báo 2 lần nhưng không được thì niêm yết công khai. Sau 15 ngày niêm yết sẽ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Việc rút ngắn thủ tục cũng tạo cơ chế để thẩm phán không cố tình kéo dài (nếu có)".
Theo Phan Thương, Trác Rin (bizlive.vn/NLĐO)