Kinh tế

Nhà đầu tư mong sớm được thỏa thuận giá bán điện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau khi khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp có hiệu lực, các nhà đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai mong sớm được thỏa thuận giá với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đưa vào vận hành thương mại 629 MW điện gió phải “nằm chờ” suốt hơn 1 năm qua.

Ngày 7-1-2023, Bộ Công thương có Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo đó, giá trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp như sau: Đối với loại hình nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh, nhà máy điện mặt trời nổi 1.508,27 đồng/kWh, nhà máy điện gió trong đất liền 1.587,12 đồng/kWh, nhà máy điện gió trên biển 1.815,95 đồng/kWh. Căn cứ khung giá phát điện quy định tại quyết định này, EVN và đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận giá phát điện theo quy định.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Sau khi chủ trương hưởng cơ chế giá ưu đãi theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho điện gió hết hiệu lực từ ngày 31-10-2021, trong số 17 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh chỉ có 7 dự án được công nhận vận hành thương mại (COD) toàn nhà máy với tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án được COD một phần với tổng công suất 117,2 MW và chưa được COD phần còn lại với tổng công suất 287,8 MW; 5 dự án chưa được COD với tổng công suất 341,2 MW; 1 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng với công suất 50 MW. Tổng công suất các dự án điện gió chưa được COD còn 629 MW. Việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp là cơ sở để tính giá cho 629 MW điện gió trên địa bàn tỉnh, từ đó giúp các nhà máy đi vào vận hành ổn định. Nếu sớm được thỏa thuận giá với EVN để vận hành thương mại thì các dự án sẽ giải quyết được nhiều tồn tại, khó khăn.

Các dự án điện gió đưa vào vận hành góp phần tăng sản lượng điện cho quốc gia, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước. Ảnh: Vũ Thảo

Các dự án điện gió đưa vào vận hành góp phần tăng sản lượng điện cho quốc gia, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước. Ảnh: Vũ Thảo

Cũng theo ông Binh, năm 2021, các dự án thi công gặp nhiều yếu tố bất lợi như bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, phải “chạy đua” để được hưởng cơ chế giá FIT. Vì vậy, các doanh nghiệp đã đặt hàng thiết bị ở nước ngoài với giá cao, công tác vận chuyển thiết bị, thi công gặp rất nhiều khó khăn… Việc áp dụng khung giá mới thấp hơn giá FIT trước đó sẽ giảm bớt lợi nhuận của doanh nghiệp và kéo dài thời gian hoàn vốn so với dự kiến ban đầu. “So với các loại hình năng lượng tái tạo khác thì mức giá này vẫn chưa phải là thấp. Nếu xét về yếu tố điều hành giá chung thì đây là điều kiện để có thể hạ giá điện. Vì khi giá điện giảm thấp sẽ kéo giảm yếu tố đầu vào của tất cả các ngành sản xuất. Theo lộ trình giảm giá điện, khi EVN mua vào thấp sẽ có điều kiện giảm giá bán. Đây là yếu tố tác động có lợi cho cả nền kinh tế”-ông Binh phân tích thêm.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp điện gió trên địa bàn đã hoàn chỉnh hồ sơ và chờ thương thảo giá với EVN dựa trên khung giá mới. Đại diện một doanh nghiệp điện gió cho hay: Nếu EVN mua thấp hơn giá trần sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì lợi nhuận sẽ giảm, thời gian hoàn vốn kéo dài thêm. Vì dự án không kịp hưởng giá FIT nên chúng tôi rất mong muốn việc thương thảo sẽ được nhanh chóng để đưa dự án vào phát điện trong thời gian sớm nhất, tránh tình trạng “đắp chiếu” như lâu nay, gây lãng phí nguồn điện cũng như tạo áp lực lớn về tài chính cho các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho rằng: Hơn 1 năm qua, các dự án điện gió dù xây dựng xong nhưng chưa được đấu nối phát điện đã gây lãng phí nguồn lực đầu tư, lãng phí nguồn điện rất lớn và gây nhiều khó khăn về tài chính cho các chủ đầu tư. Vì vậy, khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp chính thức có hiệu lực từ ngày 7-1 là tin vui cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, qua nắm bắt tâm tư của các doanh nghiệp thì đây là mức giá chưa như kỳ vọng, bởi giá trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, nếu so sánh với giá ưu đãi là 1.928 đồng/kWh thì thấp hơn 340,88 đồng/kWh. Đây cũng điều khiến doanh nghiệp lo lắng về thời gian thu hồi vốn của dự án sẽ kéo dài hơn dự kiến. Do vậy, khi áp dụng giá thấp hơn đòi hỏi năng lực vận hành của doanh nghiệp phải ở mức tối ưu hơn qua việc cắt giảm chi phí hoạt động để tăng hiệu quả sinh lời cho dự án.

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm