Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Nhà khói ở An Khê trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tồn tại cùng di tích An Khê trường (Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo) hàng trăm năm qua, gian bếp (người dân nơi đây thường gọi là nhà khói) là nơi chế biến thực phẩm phục vụ việc cúng tế mỗi dịp lễ, Tết, hội làng. Sau một thời gian ngừng hoạt động, đầu năm 2020, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã khôi phục việc nấu nướng và trưng bày nhiều hiện vật tại đây.
Khuôn viên An Khê trường rộng khoảng 9.000 m2. Tại đây, ngoài các thiết chế như chính điện, điện thờ Tây Sơn tam kiệt, nhà tiền nhơn còn có nhà khói. Công trình này nằm sau lưng An Khê trường, có diện tích hơn 50 m2. Nhà được xây theo kiến trúc truyền thống 1 gian 2 chái, mái lợp ngói vảy cá, nền lát gạch đất nung, phía trước có khoảnh sân rộng lát gạch.
Theo các tư liệu lịch sử, khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, vùng đất Tây Sơn Thượng đạo đã có sự hiện diện của người Việt. Gắn với tín ngưỡng dân gian của người Việt trên vùng đất này là hệ thống thiết chế như: đình, chùa, miếu… Trong khuôn viên các ngôi đình thường có nhà khói. 
Nhà khói hiện hữu cùng với An Khê trường (thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, thị xã An Khê) hàng trăm năm qua. Ảnh: Ngọc Minh
Nhà khói hiện hữu cùng với An Khê trường (thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, thị xã An Khê) hàng trăm năm qua. Ảnh: Ngọc Minh
Chứng kiến các cụ tổ chức lễ hội ở An Khê đình và An Khê trường từ khi còn nhỏ, ông Lê Minh Hiền-Phó Chủ tịch HĐND thị xã An Khê hiểu rất rõ chức năng của nhà khói. Ông Hiền cho biết: Nhà khói là nơi nấu nướng thức ăn phục vụ cho việc tế lễ, hội làng. Đây cũng là nơi thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, tấm lòng thành của nhân dân với các bậc tiền nhân.
Để có được mâm cơm cúng, ngoài góp lương thực, thực phẩm, người dân còn tự tay nấu nướng, mỗi người một việc. Họ trò chuyện, chia sẻ niềm vui trong cuộc sống, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Tình làng nghĩa xóm cũng từ đó mà bền chặt, thắm đượm hơn.
“Với tinh thần đoàn kết, thành tâm, họ chế biến ra mâm cơm cúng đặc trưng chỉ ở An Khê mới có như gà hầm, cá ám, heo toàn sắc (còn nguyên đuôi) để kính dâng lên đấng thần linh và các bậc tiền nhân, cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu, đời sống nhân dân ấm no, an lành”-ông Hiền nhấn mạnh.
Từ xưa, việc nấu nướng tại nhà khói đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người An Khê. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc nấu nướng, chế biến thức ăn tại nhà khói không còn diễn ra. Lâu lâu, các cụ trong Ban nghi lễ An Khê đình mới đun nước tại đây để pha trà mời khách.
“Để bảo tồn và gìn giữ không gian nhà khói, biến nơi đây thành điểm tham quan, thị xã quyết định khôi phục công trình này. Đồng thời, nhờ các cụ trong Ban nghi lễ An Khê đình sưu tầm, tìm mua những hiện vật liên quan đến bếp xưa”-ông Hiền thông tin.
Không gian bên trong nhà khói được trưng bày nhiều hiện vật bếp xưa. Ảnh: Ngọc Minh
Không gian bên trong nhà khói được trưng bày nhiều hiện vật bếp xưa. Ảnh: Ngọc Minh
Là thành viên Ban nghi lễ An Khê đình, ông Trần Ngọc Hỷ cùng các thành viên đã hiến tặng nhiều hiện vật để khôi phục nhà khói như: cối giã gạo, khuôn bánh in, khuôn bánh cuốn, cối xay, chum sành, ấm đất… Đồng thời, vận động nhân dân hiến tặng trên 30 hiện vật. Những hiện vật này sau đó được ghi tên, trưng bày tại nhà khói vào dịp lễ hội Cầu Huê, Tết Nguyên đán 2020, thu hút đông đảo người dân và du khách tới tham quan. 
Ngắm nghía từng hiện vật trưng bày tại nhà khói trong khuôn viên An Khê trường, ông Hồ Văn Phùng (tổ 15, phường An Phú) tấm tắc: “Tôi thấy đồ vật ở đây đa dạng, y như gian bếp ngày xưa. Nhìn những đồ vật này làm tôi nhớ lại tuổi ấu thơ”.
Với thế hệ trẻ như chị Võ Thị Kim Hoa (tổ 5, phường An Phú), nhà khói là nơi để hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống ông cha. “Qua cách thức chế biến các món cúng truyền thống và được các cụ trong Ban nghi lễ giới thiệu công dụng của từng hiện vật trong căn bếp xưa, tôi thấy tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”-chị Hoa nói.
An Khê trường (Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh
An Khê trường (Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh
Ông Trần Ngọc Hỷ cho biết: “Tại nhà khói, chúng tôi tiến hành nấu các món dâng cúng thần linh và các bậc tiền nhân. Các cụ ngày xưa làm sao thì bây giờ chúng tôi làm y như vậy. Chúng tôi cũng cắt cử thành viên trong Ban nghi lễ trực tại nhà khói để thuyết minh cho du khách về công dụng của từng hiện vật gắn với bếp xưa”.
 Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Thị ủy An Khê, việc tái hiện gian bếp xưa và xây dựng một số hạng mục công trình tại Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo nhằm hướng tới kỷ niệm 250 năm khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (1771-2021) và 30 năm quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia (1991-2021).
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm