Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Nhà làng - Di sản văn hóa độc đáo của người Cơ Tu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có 10 xã, trong đó 8 xã có chung đường biên giới với các huyện Đăk Chưng và Kạ Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào). Tây Giang là vùng phân bố chủ yếu của hơn 14 thành phần dân tộc, trong đó người Cơtu chiếm hơn 95% dân số.

Đây là vùng căn cứ cách mạng, giàu truyền thống văn hóa, tiêu biểu như Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia đặc biệt. Cộng đồng người Cơ Tu bảo tồn khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc, nhất là nhà làng (Gươl), biểu tượng mang tính đoàn kết cộng đồng bền chặt.

Kiên trì truyền đạt kỹ năng tạc tượng, nghệ thuật nói lý, hát lý cho nhóm trẻ trong những tháng nghỉ hè, già làng, nghệ nhân Bhling Khai ở xã Ga Ry chia sẻ: Các giá trị văn hóa, nghệ thuật, làng nghề truyền thống, kỹ năng tạc tượng gỗ, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghệ thuật nói lý - hát lý và các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia gồm: Nghệ thuật dệt thổ cẩm, nói lý - hát lý, múa "Tâng tung Da dá" được lưu truyền hết đời này sang đời khác là mạch nguồn làm nên cốt cách và tâm hồn người Cơ Tu.

Nhà Gươl của người Cơ Tu (Ảnh: vovworld.vn)

Nhà Gươl của người Cơ Tu (Ảnh: vovworld.vn)

Nhà làng (Gươl) được ví như bảo tàng sống, là nơi hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, truyền dạy các nghề truyền thống, các làn điệu dân ca, nói lý, hát lý, các trò chơi dân gian truyền thống cho con em. Khi du lịch cộng đồng phát triển, nhà làng trở thành điểm tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa Cơ Tu như dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác và trình diễn nhạc cụ, trình diễn nghệ thuật đánh trống, đánh chiêng, múa "Tâng tung Da dá" và làm nơi lưu trú cho du khách.

Những hoạt động này đã góp phần quảng bá các giá trị văn hóa Cơ Tu và tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Nhà làng còn là nơi để những gia đình ở khu vực có nguy cơ bị lũ quét, nguy cơ sạt lở núi cao nhưng chưa có điều kiện tái định cư đến ở tạm trong mùa mưa lũ, già làng Bhling Khai chia sẻ thêm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Arất Blúi cho biết: huyện có 60/63 thôn có Gươl truyền thống. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và khai thác du lịch tại các nhà làng luôn được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương thực hiện một cách có hệ thống, thông qua các văn bản chương trình, nghị quyết của huyện ủy, các đề án, phương án, kế hoạch về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn huyện theo từng giai đoạn, vùng miền, có trọng tâm, trọng điểm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Tiêu biểu như nhà làng truyền thống Cơ Tu huyện Tây Giang với một Gươl lớn, một nhà Dài, 10 nhà sàn truyền thống của 10 xã, một nhà Mồ đã được chứng nhận Bằng Bảo trợ Di tích lịch sử văn hóa do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam công nhận tại Quyết định số 42/QĐ-LD, ngày 04/05 2016. Làng Văn hóa, Du lịch cộng đồng Ta lung, xã Bhalee được Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam bình chọn là Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019.

Theo ông Arất Blúi, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Cơ Tu. Tuy nhiên, trước sự tác động của nhiều yếu tố, văn hóa làng, văn hóa Gươl đã có dấu hiệu mai một. Vì vậy, trong giai đoạn 2021-2025, cùng với ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã/năm, huyện đã lồng ghép các nguồn lực khác từng bước hoàn thiện hạ tầng, hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở.

Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhling Mia cho biết, đối với việc trùng tu, xây mới nhà làng, nguyên tắc xuyên suốt là đảm bảo kiến trúc truyền thống của người Cơ Tu, lấy vai trò của nhà làng làm hạt nhân trong quá trình sửa chữa, phục dựng. Nhà làng sau khi được xây mới hay phục dựng phải được cả cộng đồng hồ hởi đón nhận. Nguyên tắc cơ bản này không những góp phần bảo tồn và phát huy các nhà làng truyền thống mà còn tạo ra sự đồng thuận cao của già làng, người có uy tín và sự đoàn kết của cả cộng đồng.

Với cách làm trên, ngoài việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện sinh hoạt, công trình nước sạch tại 115 điểm dân cư ở 63 thôn để làm nơi ở ổn định lâu dài cho trên 5000 hộ đồng bào, huyện Tây Giang còn lồng ghép các nguồn vốn để đến năm 2025 sẽ làm mới và sửa chữa theo hướng kiên cố hóa nhà làng cho toàn bộ 63 thôn trong toàn huyện.

Ngoài nhà làng truyền thống (Gươl), người Cơ Tu còn có Đông Achuôr (nhà dài truyền thống). Hiện nay, các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Cơ Tu chỉ còn duy nhất một nhà dài tại làng truyền thống Cơ Tu huyện Tây Giang.

Nhà dài là công trình kiến trúc văn hóa độc đáo, mang tính đoàn kết cộng đồng, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn cần được khôi phục, bảo tồn, sửa chữa theo kiến trúc truyền thống tại các làng của người Cơ Tu song song với việc sửa chữa, xây dựng nhà làng truyền thống (Gươl). Đặc biệt, ở những nơi có nguy cơ sạt lở núi cao, thiên tai, bão, lũ thường xuyên, việc kiên cố hóa nhà làng truyền thống (Gươl), nhà dài (Đông Achuôr) làm nơi tránh trú ẩn an toàn cho đồng bào là nhu cầu cấp bách và thiết thực.

Có thể bạn quan tâm