Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Nhà lao Pleiku: Những chuyện chưa kể hết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Nhà lao Pleiku là chứng tích đầy bi hùng của những năm tháng đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Những câu chuyện diễn ra bên trong Nhà lao đến nay vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những cựu tù.
Di tích Giếng nước sinh hoạt của các tù nhân bị giam giữ tại Nhà lao. Ảnh: P.L
Di tích Giếng nước sinh hoạt của các tù nhân bị giam giữ tại Nhà lao. Ảnh: P.L
VẼ CỜ ĐẢNG BẰNG KÝ NINH VÀ THUỐC ĐỎ
Cận kề kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh 17-3, chúng tôi thêm một lần ngược thời gian tìm hiểu về sự ra đời của Đảng bộ cơ sở Nhà lao Pleiku. Lịch sử Đảng bộ TP. Pleiku (1945-2005) ghi: “Tháng 7-1968, chi bộ Nhà lao Pleiku được thành lập. Đến tháng 10-1968, thành lập Đảng bộ cơ sở, có 3 chi bộ và 9 đảng viên. Đảng ủy gồm 3 đồng chí do đồng chí Nguyễn Kim Kỳ làm Bí thư, các đồng chí Trần Đắc là Phó Bí thư và Siu Weo là đảng ủy viên. Đảng bộ tuyên truyền phát triển Đảng, lãnh đạo tù nhân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi cơm ăn đủ no, áo mặc đủ ấm, có thuốc men chữa bệnh; đấu tranh chống chế độ cấm cố khắc nghiệt và đàn áp dã man của địch…”; “Số tù binh nam nữ qua trại này lên đến trên 4.000 (trong đó có 50 nữ). Từ chi bộ đầu tiên phát triển thành một Đảng bộ cơ sở gồm 20 chi bộ với gần 250 đảng viên, hơn 400 đoàn viên ở Trại giam tù binh Pleiku đã tạo thành chỗ dựa tinh thần, nơi rèn luyện thử thách bước đầu cho nam nữ tù binh trước khi phân hóa chuyển đi các trại tù binh lớn như: Phú Tài (trại giam nữ, tỉnh Bình Định) hay Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Cần Thơ, Hố Nai (tỉnh Đồng Nai)…”.  
Ông Trần Chín ghi chép lại những tư liệu từ khi còn trong Nhà lao Pleiku để kể lại cho khách đến tham quan. Ảnh: P.L
Ông Trần Chín ghi chép lại những tư liệu từ khi còn trong Nhà lao Pleiku để kể lại cho khách đến tham quan. Ảnh: P.L
Năm 1969, giặc đánh vào khu căn cứ cách mạng tại xã Gào, thu thập nhiều tài liệu bí mật. Chúng trở về vây bắt một loạt cán bộ, chiến sĩ cách mạng đang hoạt động tại nội thị Pleiku rồi tống giam vào Nhà lao Pleiku, trong đó có ông Võ Ngọc Bửu (SN 1946, hiện trú tại 02 Tân Tiến, TP. Pleiku). Trong tù, ông Bửu là Bí thư chi đoàn Thanh niên Cộng sản, tích cực đấu tranh đòi quyền dân sinh cho anh em trong tù. Nhờ tinh thần kiên trung, ông Bửu được Đảng bộ Nhà lao kết nạp vào hàng ngũ của Đảng ngày 10-3-1970. “Tại lễ kết nạp, khi đồng chí Trần Đắc giơ cánh tay phải lên, một nỗi xúc động trào dâng khi tôi thấy trong lòng bàn tay đồng chí Đắc là hình ảnh lá cờ Đảng, trong đó biểu tượng búa liềm được vẽ bằng màu vàng của thuốc ký ninh, nền tô bằng thuốc đỏ. Các nghi thức chào cờ, tưởng niệm và lời tuyên thệ của tôi diễn ra đầy trang trọng trước lá cờ đặc biệt ấy. Dù lễ kết nạp diễn ra chỉ trong vòng 15 phút do lo sợ bị giám thị trại giam phát hiện nhưng đó là những giây phút mà tôi mãi mãi không quên”-ông Bửu tâm sự.
Lễ tang Bác Hồ trong Nhà lao Pleiku cũng là một trong những kỷ niệm đặc biệt đối với những cựu tù. Trong ký ức của ông Trần Chín-Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh vẫn còn hiển hiện tiếng loa phát thanh ngày 3-9 lọt vào phòng giam: “Ông Hồ-Bắc Việt đã từ trần”. Ông Trần Chín nhớ lại: “Khi ấy, vì ở trong Nhà lao nên anh em bán tín bán nghi, cho đến khi có người thân vào thăm nuôi chúng tôi mới hay tin Bác mất là thật. Bàng hoàng, đau buồn nhưng tất cả mọi người đều dặn lòng phải cố gắng kìm nén. Đồng chí Nguyễn Kim Kỳ đã quyết định tổ chức lễ tang Bác ngay trong Nhà lao”. Tang lễ được tổ chức vào trưa 10-9-1969 tại phòng bếp sau khi đã cắt cử một chiến sĩ tù binh dẫn dụ tên giám thị đi đánh cờ tướng. Những miếng tang đen xé vội đeo trên tay những người tham dự. Cờ Đảng được vẽ lên mảnh giấy nhỏ để mọi người cùng tưởng niệm. “Sau đó, địch biết chúng tôi tổ chức lễ tang cho Bác nên đã bắt đồng chí Kỳ, đồng chí Bửu, tôi và một số đồng chí khác đưa đi tra khảo. Đánh đập nhưng không tra hỏi được gì, chúng giam tôi về xà lim”-ông Chín cho hay. Riêng Bí thư Đảng ủy và ông Bửu bị nhốt vào buồng chẹt, ngày cho ăn cơm với muối và 1 ly nước suốt 6 tháng ròng. Căn phòng chỉ rộng chừng 6 tấc, chia làm 2 tầng. Cả ngày ở trong cảnh tối om, chật hẹp, thiếu không khí nhưng không ai chịu khuất phục.
KỶ VẬT ĐÁNG NHỚ
Ngoài những lúc rắn rỏi đối mặt với đòn tra khảo hung bạo của địch, sâu thẳm trong lòng những người cựu tù là tình cảm hướng về gia đình. Cùng với niềm tin sắt son vào Đảng, Bác Hồ và cách mạng, hình ảnh vợ con là động lực giúp ông Bửu cũng như nhiều chiến sĩ vượt qua gian khổ ngục tù. Năm 1969, sau khi bị bắt, ông Bửu và 43 chiến sĩ khác bị giam tại Trung tâm thẩm vấn Pleiku để tra khảo trước khi chuyển qua Nhà lao Pleiku. Lúc này, vợ ông đang mang thai đứa con đầu lòng. Thương vợ, nhớ con, ông Bửu đã bí mật nhờ anh em vào thăm nuôi giấu cho một ít vải cùng kim, chỉ. Tối đến, ông lại cặm cụi thêu cho con gái đầu lòng một chiếc khăn tay. Trong nghịch cảnh nhưng chiếc khăn tay được ông Bửu thêu rất đẹp với phần viền chỉ màu tím xanh. Ở góc dưới bên phải, ông cẩn thận thêu dòng chữ: “Ba mến con Phương Linh”. Ngoài chiếc khăn tay thì chiếc mền may bằng vải dù của Mỹ mà vợ ông đem vào cho ông chống rét cũng là kỷ vật quý giá. Theo lời ông Bửu, chiếc mền theo chân ông đi khắp các nhà lao từ Pleiku đến Nha Trang, khám Chí Hòa (TP. Hồ Chí Minh), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)… Mỗi lần di chuyển, ông đều kiên quyết mang cái mền theo bên mình. “Chiếc khăn tay hay cái mền đều là những kỷ vật vô giá với tôi. Nó vừa gắn với sự nghiệp cách mạng vừa mang nặng tình cảm gia đình. Thế nên tôi gìn giữ suốt nhiều năm liền. Nhận thấy mai này mất đi, những kỷ vật đó cũng khó còn nguyên vẹn nên tôi đã tặng lại cho phòng trưng bày của Nhà lao Pleiku để làm hiện vật giới thiệu lịch sử một thời”-ông Bửu bày tỏ.
Chiếc khăn tay thêu do ông Võ Ngọc Bửu thêu tặng con gái những ngày bị giam giữ. Ảnh: P.L
Chiếc khăn tay thêu do ông Võ Ngọc Bửu thêu tặng con gái những ngày bị giam giữ. Ảnh: P.L
Giờ đây, sau khi về hưu, ông Bửu thường về Bình Định để chăm sóc mẹ già. Còn ông Chín trở thành “hướng dẫn viên” quen thuộc của Nhà lao Pleiku khi có đoàn khách đến tham quan. Người ta thích nghe ông thuyết minh bởi ông là nhân chứng, vừa tường tận kiến trúc của Nhà lao vừa có những câu chuyện sinh động mà ít sách vở nào ghi chép lại đầy đủ.
Ông Nguyễn Văn Hòa-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku: “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Nhà lao Pleiku là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Nhiều tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên đã chọn nơi này để tổ chức sinh hoạt, kết nạp đảng viên, đoàn viên và gặp gỡ, nghe các bác cựu tù kể chuyện. Đây cũng là điểm đến thu hút du khách với khoảng 3.000 lượt khách mỗi năm”.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm