Kinh tế

Doanh nghiệp

Nhà máy Đường Ayun Pa: Hỗ trợ nông dân trong niên vụ mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bước vào vụ ép 2018-2019, Nhà máy Đường Ayun Pa (Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai) đã có nhiều chính sách hỗ trợ để người trồng mía đạt lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/ha.
Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu
Niên vụ 2018-2019, vùng nguyên liệu của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đạt trên 10.000 ha. Trong đó, huyện Ia Pa (Gia Lai) khoảng 4.900 ha, huyện Phú Thiện gần 3.500 ha, thị xã Ayun Pa 730 ha, huyện Krông Pa 710 ha và huyện Chư Sê 450 ha. Diện tích này đảm bảo cho nhà máy đường công suất 6.000 tấn mía cây/ngày chạy ổn định trong vòng 5 tháng.
Ông Hoàng Trọng Tịnh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai-cho biết: Trước hết, để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy, Công ty ưu tiên ổn định diện tích, tăng năng suất và chất lượng mía nguyên liệu. Hiện nông dân đang sử dụng khoảng 25 giống mía; trong đó, giống được ưa chuộng và sử dụng phổ biến là: K84-200, K95-84, K88-92, LK92-11, KK3, R579… Năng suất toàn vùng trong vụ ép này dự kiến 69 tấn/ha. “Các chính sách đầu tư cho vùng nguyên liệu và hỗ trợ người trồng mía về giống, phân bón, chăm sóc, sửa chữa đường sá chuyên chở và giá thu mua mía nguyên liệu hợp lý đảm bảo cho nông dân có lãi bình quân 20 triệu đồng/ha là một bảo chứng chắc chắn cho bà con gắn kết lâu dài với cây mía và ký hợp đồng nhận đầu tư, bán mía nguyên liệu cho nhà máy”-ông Tịnh nói.
 Mía nhập về Nhà máy Đường Ayun Pa. Ảnh: Đ.P
Mía nhập về Nhà máy Đường Ayun Pa. Ảnh: Đ.P
Bước vào niên vụ 2018-2019, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu. Với định hướng phát triển vùng nguyên liệu bền vững để tồn tại và cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Công ty đã từng bước thay đổi tập quán, kỹ thuật trồng, chăm sóc mía kém hiệu quả trước đây của nông dân thông qua các chính sách đầu tư, tăng cường cơ giới hóa, trình diễn và hướng dẫn kỹ thuật canh tác để giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất. Ông Tịnh cho biết thêm, để cơ giới hóa sản xuất thì điều kiện cần là phải có các cánh đồng mía lớn. Vì vậy, ngoài các chính sách đầu tư vốn cơ bản như các năm trước, chính sách đầu tư trồng mới của Công ty là khi hợp thửa từ 1 ha đến 3 ha, nông dân sẽ được trợ giá 1,5 triệu đồng, trên 3 ha đến 5 ha sẽ được trợ giá 2 triệu đồng, còn trên 5 ha sẽ được trợ giá 3 triệu đồng.
Đặc biệt, việc thực hiện cày ngầm sẽ giúp bộ rễ mía cắm sâu hơn, hút được nhiều nước và chống đổ ngã. Được Công ty trợ giá 1,4 triệu đồng/ha, nông dân chỉ cần bỏ ra 400 ngàn đồng/ha để thực hiện cày ngầm. Ngoài ra, công ty còn có chính sách thực hiện cày ngầm bón phân cho mía gốc bằng máy, nông dân tham gia sẽ được trợ giá 800 ngàn đồng/ha. Đối với mía trồng theo khoảng cách phù hợp để chăm sóc bằng cơ giới thì khi thu hoạch bằng máy sẽ được trợ giá 1 triệu đồng/ha. Tổng mức hỗ trợ không hoàn lại cho mía trồng mới từ 4,8 triệu đồng đến 6,3 triệu đồng/ha tùy theo quy mô diện tích trồng mới; mía gốc là 2,3 triệu đồng/ha.
Nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong vụ ép mới
Ông Hoàng Trọng Tịnh cho biết: Vụ ép 2018-2019, Công ty đã ký hợp đồng thu mua mía trực tiếp với hơn 3.262 hộ trồng mía. Giá mua mía bao gồm giá cơ bản là 700 ngàn đồng/tấn 10 CCS (chữ đường) và trợ giá theo từng giai đoạn từ 10 ngàn đồng đến 40 ngàn đồng/tấn cho diện tích mía lưu gốc và trồng mới duy trì diện tích mía cho vụ tới. Giá mía được công khai rộng rãi đến bà con và chính quyền địa phương;  bảo hiểm giá với mía đạt 8 CCS và 9 CCS của  mô hình liên kết. “Chính sách thu mua áp dụng chung trong vùng nguyên liệu, riêng đối với mía không ký hợp đồng nhận vốn đầu tư sẽ không được bảo hiểm CCS”-ông Tịnh nhấn mạnh.
Cùng với đó, Công ty thực hiện đánh giá, phân tích chữ đường bằng phương pháp khoan mẫu ngẫu nhiên. Hệ thống phân tích chữ đường được cơ quan chức năng kiểm định, niêm phong; thực hiện tự động ra kết quả và dùng kết quả này thông tin công khai cho chủ mía, làm cơ sở thanh toán tiền mía cho khách hàng. Việc đánh giá tạp chất được thực hiện lấy mẫu từng xe và róc loại bỏ lá, rễ, ngọn non… theo quy định. công ty cũng gắn camera theo dõi quá trình này. Xe mía có tạp chất nhỏ hơn 3% sẽ không trừ vào khối lượng mía; xe có tạp chất lớn hơn 3% sẽ trừ vào khối lượng mía theo tạp chất thực tế.
Công ty vẫn mua mía với giá tại ruộng và chịu kinh phí vận chuyển, tổ chức đội xe vận chuyển mía; đồng thời chi trả tiền mua mía cho nông dân 2 tuần/lần. Ngoài ra, lịch chặt mía cũng được Công ty xây dựng một cách khoa học, hợp lý và có niêm yết công khai cho người dân tham gia, góp ý điều chỉnh trước thềm vụ ép mới.
Việc điều chỉnh kịp thời, thông tin minh bạch đến người trồng mía ngay từ đầu vụ ép sẽ góp phần củng cố niềm tin để nông dân yên tâm gắn bó lâu dài với cây mía và hợp tác làm ăn với nhà máy.
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm