Đại diện Bộ Xây dựng cho biết bão số 3 và hoàn lưu sau bão xảy ra vào đầu tháng Chín vừa qua, đã khiến rất nhiều nhà dân sụp đổ, ngập lụt, bị tàn phá hoàn toàn, người dân bị thiệt hại nặng nề về tài sản, đặc biệt là nhà ở.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định này theo trình tự, thủ tục rút gọn, với mục tiêu: “Đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở chắc chắn, an toàn, kể cả với các loại hình thiên tai thường xuyên.”
Khoảng 315.000 hộ dân cần hỗ trợ về nhà ở
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết từ năm 2011 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở; qua đó đã hỗ trợ cho hơn 1 triệu hộ gia đình người có công với cách mạng, hộ nghèo ở nông thôn và khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão, lụt có nhà ở an toàn, ổn định.
Đơn cử như về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn, triển khai thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, theo báo cáo của 58 tỉnh, thành phố tham gia chương trình và Ngân hàng chính sách xã hội; tính đến tháng 12/2020, các địa phương này đã thực hiện hỗ trợ được 117.427/236.324 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở đạt tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).
Kết quả trên đạt tỷ lệ khoảng 50% so với số lượng hộ phải hỗ trợ thực tế (giai đoạn 1 thực hiện theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, cả nước đã hỗ trợ được 531.000 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở đạt tiêu chuẩn “3 cứng”).
Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực bị bão, lụt, theo báo cáo của 13 địa phương thuộc diện tham gia thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung-toàn chương trình đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 23.040/23.797 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt, đạt tỷ lệ 96,82%.
Để góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát còn rất lớn hiện nay, ông Sinh cho biết trong giai đoạn 2021-2025 có 2 chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn. Tuy nhiên, phạm vi triển khai thực hiện của 2 chương trình mục tiêu này không bao phủ khắp cả nước mà chỉ thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra do nguồn kinh phí được phê duyệt còn hạn chế, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở lớn nên độ bao phủ của các chương trình mục tiêu quốc gia đối với các đối tượng thụ hưởng của chương trình vẫn chưa được bao phủ hết. Thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở, trong đó tổng số hộ nghèo và cận nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở cần hỗ trợ khoảng 315.000 hộ.
Đáng chú ý, gần đây - bão số 3 và hoàn lưu của bão với sức tàn phá kinh hoàng đã khiến rất nhiều nhà dân (chủ yếu ở các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang) sụp đổ, ngập lụt, bị tàn phá hoàn toàn, người dân bị thiệt hại nặng nề về tài sản, đặc biệt là nhà ở.
Do vậy việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở ngày một tốt hơn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết qua tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở trước đây, Bộ Xây dựng đã rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất các nội dung cơ bản của chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát để thực hiện trong giai đoạn mới.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định này theo trình tự, thủ tục rút gọn; có hiệu lực thi hành kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
“Mục tiêu về hỗ trợ nhà ở là đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở chắc chắn, an toàn, kể cả với các loại hình thiên tai thường xuyên của vùng, miền; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát để không ai bị bỏ lại phía sau,” ông Sinh nhấn mạnh.
Về điều kiện được hỗ trợ nhà ở, ông Sinh cho hay hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở phải đảm bảo các điều kiện sau: Chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà ở là nhà tạm, nhà dột nát hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người nhỏ hơn 8m2; nhà ở phải được xây dựng hoặc sửa chữa trên đất ở hợp pháp, phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở bị hư hỏng do các nguyên nhân bất khả kháng như bão, lũ, lụt, sạt lở đất, hỏa hoạn hoặc các loại hình thiên tai khác.
Dự kiến vốn hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng nhà ở sẽ trích từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Quyết định số 656/QĐ-TTg ngày 16/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh nguồn vốn thực hiện chính từ quỹ trên, nguồn vốn thực hiện chính sách còn bao gồm: Vốn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động từ cộng đồng xã hội và từ các doanh nghiệp; vốn của hộ gia đình, dòng họ; vốn huy động hợp pháp khác.
Ông Sinh lưu ý tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo trên cả nước theo Quyết định số 134/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, là 1.586.336 hộ; trong đó hộ nghèo và cận nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở khoảng 315.000 hộ. Theo đó, dự kiến nguồn vốn cần thiết để hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo làm nhà ở từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát là 14.791,3 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ xây mới nhà ở là 60 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà ở là 30 triệu đồng/hộ.
Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp từ quỹ trên, tùy điều kiện cụ thể, các tỉnh, thành phố có thể bố trí thêm kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động thêm sự tham gia của cộng đồng, các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo như trong giai đoạn vừa qua.
Bên cạnh đó, các hộ cũng tự bỏ thêm kinh phí hoặc huy động thêm nguồn hỗ trợ bằng tiền, vật liệu, nhân công,... từ người thân, họ hàng, cộng đồng để nâng cao chất lượng nhà ở. Đây cũng là các nguồn vốn bổ sung mang lại hiệu quả, giúp các hộ nghèo, cận nghèo xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Theo Hùng Võ (Vietnam+)