(GLO)- Hiện nay, ở Đak Pơ đã có khá nhiều hộ thành công với mô hình trồng nhãn nhưng để có nhãn chất lượng tốt, bán với giá cao và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài phải kể đến vườn nhãn lồng Hưng Yên của ông Nguyễn Quang Phúc ở làng Đê Chơ Gang, xã Phú An. Gần 20 năm gắn bó với loại nhãn nổi tiếng, đến nay, ông Phúc đã trồng được hơn 1 ha tại Đak Pơ, hàng năm cho năng suất và chất lượng cao.
Vườn nhãn 200 cây của ông Phúc mang lại thu nhập từ 700 triệu đồng đến 800 triệu đồng/năm. Ảnh: Hồng Thương |
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Hưng Yên-nơi nổi tiếng có đặc sản nhãn lồng ngon, ngọt, hơn ai hết, ông Phúc hiểu rất rõ những chủng loại cũng như đặc tính của cây nhãn. Cùng với đó, ông được thừa kế những kỹ thuật trồng nhãn lồng từ những người thân trong gia đình nên ông Phúc càng hiểu được cách thức trồng nhãn cho hiệu quả. Năm 1998, sau khi vào huyện Đak Pơ lập nghiệp, ông quyết tâm sẽ gắn bó và làm giàu từ chính loại cây này. Ông cho biết: “Loại nhãn này ở Hưng Yên nếu chăm sóc tốt sẽ cho năng suất rất cao; mỗi cây nhãn cho thu hoạch 80 kg đến 1 tạ trong 1 năm với giá bán 45-50 ngàn đồng/kg sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao”.
Sau khi đặt chân đến Đak Pơ, điều đầu tiên ông làm là đi tìm hiểu thổ nhưỡng của vùng đất. Nhận thấy đất ở đây không tốt để trồng loại nhãn này, ông và vợ đã gánh đất bùn dưới các ao hồ đổ vào hố để tạo độ màu mỡ cho đất và bắt đầu trồng những cây nhãn đầu tiên. 2 năm sau, những cây nhãn này phát triển tốt và bắt đầu cho trái khá nhiều với chất lượng nhãn khá thơm ngon. Trái nhãn to tròn, có màu vàng sậm của đất, cùi dày, màu trắng ngà, róc nước, hạt nhãn đen láy và hương vị của nó không khác gì nhãn được trồng ở Hưng Yên. Từ đó, ông mở rộng diện tích và đến nay vườn nhãn của ông đã rộng 1 ha với 200 cây. Cây nhãn phát triển tốt và cho năng suất cao, trung bình từ 15 tấn đến 17 tấn/ha/năm, được thương lái thu mua tận vườn với giá 40.000-45.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông thu khoảng 700-800 triệu đồng từ vườn nhãn này.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn nhãn của mình, ông Phúc chia sẻ: Muốn cho vườn nhãn xanh tốt và sai quả thì người trồng phải biết thâm canh một cách khoa học từ kỹ thuật bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh bằng kỹ thuật khoanh vỏ, ghép cành tạo tán đến tỉa nhánh và chống rụng hoa, rụng quả non. Trong đó, khâu bón phân khá quan trọng. Cứ bước vào thời điểm sắp cho quả (tầm tháng 8), ông Phúc bón khoảng 2 tấn phân vô cơ và sau khi thu hoạch, ông bón 1,5 tấn phân để lấy lộc lá cho vụ năm sau. Bên cạnh đó, khâu tỉa nhánh cũng không kém phần quan trọng vì nó quyết định số lượng trái trên cây. Thêm nữa, nhãn lồng là loại cây ưa ánh sáng, nên cần phải cắt bỏ các tán cây xung quanh để cành nhãn được hấp thụ ánh sáng và cho ra nhiều hoa, trái. Ông Phúc cũng cho biết thêm: Đặc tính của cây nhãn thường là “năm ăn quả, năm trả cành”. Song để năm nào nhãn cũng ra hoa, đậu quả, năng suất cao và chất lượng tốt, người trồng cần chăm theo dõi, dự đoán trước được tình hình thời tiết và sức khỏe của từng cây để có cách chăm bón phù hợp, kịp thời.
Nói về loại cây trồng này, anh Đoàn Minh Duy-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ cho biết: “Thực tế, trồng nhãn lồng Hưng Yên tại Đak Pơ không chỉ cho năng suất, chất lượng cao, mà giá bán còn cao hơn các loại nhãn khác. Bên cạnh đó, không cần hóa chất bảo quản, nhãn lồng Hưng Yên vẫn có thể tươi, ngon đến 12 ngày nên không sợ rủi ro. Mặt khác, không chỉ bán ở Việt Nam, nhãn lồng Hưng Yên còn được xuất đi Thái Lan nên đây cũng là một trong những ưu điểm để nhân rộng loại cây trồng này”. Cũng theo anh Duy, năm 2015, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tham mưu UBND huyện bố trí 80 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp năm 2015 để nhân rộng mô hình nhãn lồng Hưng Yên. Hiện tại, đã tiến hành chọn các hộ tham gia mô hình tại xã An Thành và làm việc với ông Phúc để qua đó, ông Phúc sẽ cung cấp giống và truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật cho các hộ tham gia. Hy vọng, mô hình này sẽ thành công và nhãn lồng Hưng Yên sẽ trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế của nông dân huyện Đak Pơ.
Hồng Thương-Nguyễn Hiền