Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 490 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 5.142 tỷ đồng. Cùng thời gian, 62 doanh nghiệp và 4 hợp tác xã đã giải thể, 125 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Theo ông Hoàng Văn Nam-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thiên Tân (phường Thống Nhất, TP. Pleiku): “Hiện tại, doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn và thị trường. Giải quyết được khó khăn này thì doanh nghiệp mới hoạt động ổn định”.
Năm 2023, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1340/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21-4-2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 và Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Việc tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm góp phần giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, có thêm đối tác mới. Ảnh: Hà Duy |
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án sản xuất kinh doanh triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt để sớm hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường; phối hợp với các sở, ngành, địa phương và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp tư nhân có vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, nhà cung cấp nguyên-nhiên-phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị, ứng dụng thương mại điện tử trong tiếp cận thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ thông tin, mở rộng thị trường trong nước; tái cơ cấu mặt hàng và thị trường, tránh tình trạng lệ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Về vấn đề này, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Sở đã tăng cường hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã qua kết nối giữa các nhà cung ứng và nhà phân phối, tăng cường các chương trình kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, góp phần tích cực giúp doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng đối tượng khách hàng, nâng cao năng lực sản xuất cũng như tăng giá trị thương hiệu, tiếp cận thị trường mới.
Các doanh nghiệp cần được tiếp cận nguồn vốn để phát triển ổn định. Ảnh: Hà Duy |
Đặc biệt, mới đây, Sở Ngoại vụ đã thông tin đến các doanh nghiệp về một số hội chợ quốc tế và quảng bá sản phẩm như cà phê, tiêu đen, hạt điều, các loại hoa quả sấy tại Thổ Nhĩ Kỳ; nông sản, thực phẩm, đồ uống tại Nigeria và Iran. Đây là những cơ hội để doanh nghiệp trong tỉnh có thể tiếp cận với thị trường mới.
Cũng với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 529/QĐ-UBND về việc giao nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn ngân sách trung ương trên địa bàn tỉnh năm 2023. Trong đó, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là 1 tỷ đồng; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ và tư vấn chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với kinh phí 600 triệu đồng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực 200 triệu đồng; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng với kinh phí 600 triệu đồng.
Làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động; thực hiện thanh tra, kiểm tra nhưng phải có sự phối hợp thống nhất giữa các ngành, địa phương, tránh chồng chéo và làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong đó, Sở KH-ĐT, Sở Công thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, thay đổi và bổ sung ngành nghề; tìm kiếm thị trường; quảng bá, giới thiệu sản phẩm; liên kết, liên doanh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm; xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm. Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế; tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và PTNT để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động giới thiệu, hỗ trợ nguồn lao động của địa phương cho các doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi, chủ động nắm bắt tình hình để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; đảm bảo ổn định và phát triển; chủ động tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; trong đó ưu tiên đầu tư, sử dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ mới để tiến tới tạo thương hiệu sản phẩm riêng của Gia Lai. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương để tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình hoạt động; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền”.