Xã hội

Nhiều chính sách hỗ trợ sẽ 'tiếp sức' phục hồi thị trường lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động đã được ban hành, cả người lao động và doanh nghiệp đều đang mong ngóng tiến độ thực hiện chính sách sẽ được đẩy nhanh nhất có thể.

 Chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)
Chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)


Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, hàng loạt các chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn ưu đãi dành cho người lao động sẽ được triển khai ngay trong 6 tháng đầu năm.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, ngày 30/1, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra là đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự kiến gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động nhằm nhanh chóng ổn định thị trường lao động sẽ trị giá khoảng 6.600 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp được thực hiện lần này là hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm và người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Có 2 mức hỗ trợ, đối với người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm là 500.000 đồng/tháng; đối với người lao động về quê quay trở lại làm việc được hỗ trợ 1 triệu đồng, tối đa trong 3 tháng.

Ngoài chính sách hỗ trợ tiền mặt, Chính phủ còn có chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho công nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tổng nguồn vốn cho vay với các chính sách này tối đa là 25.000 tỷ đồng.

Để tạo việc làm ổn định cho người lao động, Chính phủ cũng ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp. Chính phủ tiếp tục cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.


 

Tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)


Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho hay: “Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đầu tư tăng cường kết nối cung-cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Bên cạnh đó, xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trường cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.”

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ

Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá việc ban hành chính sách hỗ trợ trong năm 2022 của Chính phủ rất kịp thời, phù hợp với mong muốn của công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.

Theo ông Vũ Quang Thọ đời sống của công nhân sau đại dịch rất khó khăn, mặc dù số tiền hỗ trợ chỉ từ 500.000-1.000.000 đồng/tháng nhưng vô cùng đáng quý, có thể ví như món quà tiếp sức cho người lao động. Đối với một nước chưa giàu như Việt Nam thì việc dành ra hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ người lao động là một nỗ lực, cố gắng lớn của Chính phủ trong bối cảnh khó khăn.

Cũng đánh giá cao gói hỗ trợ của Chính phủ, tuy nhiên ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cũng bày tỏ lo ngại gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động sẽ có những rào cản về thời gian, thủ tục hành chính.

“Chúng ta cần thúc đẩy nhanh, kịp thời và sớm để người lao động được thụ hưởng sớm. Không chỉ sau đại dịch, thông thường nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sau Tết Âm lịch để cho năm mới. Nếu chính sách không kịp thời sẽ qua mất mùa tuyển dụng, làm lỡ hết kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp,” ông Thân Đức Việt kiến nghị.

Đồng quan điểm cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ, ông Vũ Quang Thọ nhìn nhận sau Tết là thời điểm người lao động rất cần khoản hỗ trợ, các cơ quan Nhà nước thúc đẩy nhanh hoạt động để tiền đến sớm hơn với người lao động. Cần biến chính sách thành hành động cụ thể, đó là rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh tốc độ giải ngân tiền hỗ trợ người lao động chỉ cần xuất trình giấy tờ thì có thể nhận được tiền.

Liên quan tiến độ triển khai gói hỗ trợ, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho hay: “Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã bắt tay xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 15/2 tới đây chúng tôi sẽ trình Chính phủ thông qua hướng dẫn thực hiện hỗ trợ. Về cơ bản gói hỗ trợ sẽ triển khai trong tháng 2, thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022”.

Theo Hồng Kiều (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm