Tỉnh Gia Lai với sự phối hợp giữa bộ phận Thông tin-Xúc tiến du lịch (Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San) và Hiệp hội Du lịch tỉnh tham gia hội chợ với các hoạt động như: thông tin, quảng bá du lịch Gia Lai thông qua các ấn phẩm: cẩm nang du lịch, ẩm thực, ảnh đẹp, bản đồ du lịch, những điểm đến hấp dẫn tại Gia Lai….
Phó tổng cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu (thứ 3 từ phải qua) tham quan gian hàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Bùi Hương Thảo |
Tham gia hội chợ có các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch, ẩm thực như: khách sạn Hoài Thương, Vĩnh Hội; cơ sở sản xuất bò một nắng Tuấn Hậu 2, cà phê Ba Ka, cơ sở sản xuất hạt điều Nguyễn Thiêm (huyện Ia Grai), cơ sở sản xuất tinh dầu An Thiên…Các đơn vị tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc bản địa đến với người dân và du khách; quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương; chào bán các chương trình tour, tuyến điểm…qua đó kết nối, gặp gỡ đối tác kinh doanh dịch vụ.
Khách tham gia hội chợ tìm hiểu về du lịch Gia Lai tại gian hàng của tỉnh. Ảnh: Bùi Hương Thảo |
Diễn ra từ ngày 11 đến 14-4, VITM Hà Nội 2024 có sự tham gia của 55 tỉnh, thành phố của Việt Nam, 16 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 450 gian hàng của trên 700 đơn vị, trong đó có 25% gian hàng quốc tế. Hội chợ dự kiến sẽ đón trên 3.500 doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế đến làm việc, với khoảng 80.000 khách Việt Nam và quốc tế đến tham quan, mua sắm.
Để kích cầu du lịch, các công ty du lịch, hãng lữ hành tung ra nhiều sản phẩm, gói kích cầu du lịch hấp dẫn với hàng nghìn vé máy bay, tour du lịch có giá khuyến mại tại hội chợ
Trong khuôn khổ hội chợ, có nhiều hoạt động chuyên ngành như: Diễn đàn “Du lịch Việt Nam-Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”; lễ vinh danh “Các doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu trong ngành du lịch Việt Nam năm 2023”. Ngoài ra, các địa phương như: Kiên Giang, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... dịp này cũng tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại Hà Nội.