Kinh tế

Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp gỗ phải rao bán nhà máy vì Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều doanh nghiệp gỗ đã đóng cửa vì không nhận được đơn hàng nào trong tháng 4, thậm chí một số phải bán nhà máy vì lỗ lã.
Do nhiều doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4 chỉ đạt 323 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đã giảm 33,35% so với cùng kỳ), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự đoán trong tháng 5 và 6, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ còn tiếp tục ảm đạm, mức sụt giảm có thể lên tới trên 50% so với cùng kỳ năm 2019 do tác động của dịch Covid-19.
Cụ thể, xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 4 chỉ còn khoảng 50%, đến tháng 5 còn 30% và sang tháng 6, tháng 7 sẽ giảm hơn nữa do không có đơn hàng.
Nhiều DN đóng cửa vì không nhận được đơn hàng nào trong tháng 4. Một số công ty như Kim Sen, BHL Tân Sơn… đã thông báo bán nhà máy.
Trước đó, trong quý I/2020, xuất khẩu các mặt hàng này đạt 2,576 tỉ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu thực hiện các đơn hàng đã ký trong năm 2019.
 
Một nhà máy sản xuất sàn gỗ công nghiệp tại VIệt Nam
Theo hiệp hội này, nhiều DN không dám ký đơn hàng mới do lo ngại dịch bệnh. Điển hình như công ty Tavico đã giảm nhập gỗ 70% so với trước. Các DN nhập khẩu gỗ từ châu Phi cho biết lượng gỗ tồn kho đủ cung cấp cho thị trường tới 6 tháng tiếp theo mà không cần nhập thêm.
Trước viễn cảnh đầy khó khăn của ngành trong thời gian tới, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho rằng dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, trong đó có DN ngành gỗ và chế biến gỗ, phục hồi sản xuất sau dịch nhưng để chính sách đến được với DN, trước mắt, đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có biện pháp tháo gỡ vướng mắc thủ tục, tài liệu chứng minh thiệt hại, giảm thu nhập… của các DN chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với các ngân hàng thương mại theo quy định của Thông tư 01.
Trong trung và dài hạn, cần có chính sách thúc đẩy liên kết chuỗi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đồ gỗ và trang trí nội thất trong nước; tập trung phát triển cơ chế nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả các DN xưởng xẻ, nhằm kết nối người dân với DN tốt hơn, kết hợp với quảng bá, ưu tiên các sản phẩm của làng nghề, đặc biệt là các sản phẩm từ rừng trồng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.
Các DN gỗ và chế biến gỗ cũng đề nghị Bộ Công Thương có các dự án thúc đẩy thương mại điện tử, xúc tiến quảng bá bán hàng online cho ngành gỗ.
Một giải pháp khác như: cơ cấu lại dòng sản phẩm theo hướng cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương xem xét khi phê duyệt các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, để tránh tình trạng DN có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư quá nhiều vào các dòng sản phẩm gỗ dành cho phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm (chiếm 60% tổng cầu của tất cả các sản phẩm đồ gỗ của thế giới) , làm mất thị phần của DN gỗ trong nước.
Thanh Nhân (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm