Kinh tế

Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp thua lỗ phát hành trái phiếu lãi suất cao: Đừng ham lợi mà mất vốn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu “tăng nóng”, nhiều doanh nghiệp phát hành ở mức rất cao với lãi suất hấp dẫn, gấp 30-47 lần vốn tự có hoặc trong tình trạng kinh doanh “èo uột”, thua lỗ.
Nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, vận tải biển đang đua nhau phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để tăng vốn.
Phát hành trái phiếu khi lợi nhuận âm
Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong tháng 4/2020 đạt hơn 30.120 tỷ đồng. Con số này chiếm tới 64% tổng lượng trái phiếu phát hành trong cả quý I/2020 (47.000 tỷ đồng).
Điều đáng nói, tháng 4 là thời điểm cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, để chống dịch Covid-19, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh tạm ngừng hoạt động nhưng trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất sôi động, Tại báo cáo mới đây của SSI cũng cho biết, dù còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng trưởng khoảng 39% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu ở mức rất cao, gấp 30-47 lần vốn tự có, hoặc kinh doanh thua lỗ
Trên thực tế, có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu ở mức rất cao, gấp 30 - 47 lần vốn tự có. Thậm chí, nhiều công ty đang gom tiền từ bán trái phiếu trong lúc kinh doanh thua lỗ.
Công ty cổ phần chứng khoán IB là một ví dụ. Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2020 của Công ty cổ phần chứng khoán IB, lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 24,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty phát hành riêng lẻ 2.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị tương đương 200 tỷ đồng nhằm huy động vốn để đầu tư kinh doanh chứng khoán, cho vay giao dịch ký quỹ, tăng quy mô vốn cho các hoạt động khác. Lãi suất được công bố lên tới 9,5%/năm.
Tương tự, quý I vừa qua Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt lỗ hơn 88,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đáng lưu ý, ở phần vay và nợ ngắn hạn tại ngân hàng giảm thì mức phát hành trái phiếu lại tăng lên 933,6 tỷ đồng.
Giới phân tích nhìn nhận, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu "tăng nóng". Nhiều doanh nghiệp đua phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, nhưng không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp đã khá lạm dụng trái phiếu để gọi vốn.
Ham lãi suất cao, nhà đầu tư đối mặt rủi ro mất vốn
Bên cạnh dư nợ trái phiếu cao, một điểm đáng chú ý khác là lãi suất huy động bình quân của các doanh nghiệp qua kênh huy động này cũng tăng cao. Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 4/2020, lãi suất trái phiếu DN cao nhất, thuộc về Công ty cổ phần Ðầu tư IDJ Việt Nam là 13%/năm, còn lại dao động từ 10,5%-12,5%/năm.
Dễ dàng nhận ra mức lãi này khá hấp dẫn và cao hơn lãi suất gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Thống kê cho thấy lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng trong tháng 4/2020 ở kỳ hạn 13 tháng, dao động từ 5,2-8,5%/năm. Cá biệt có ngân hàng đưa mức lãi lên tới 9,2%/năm nhưng chỉ áp dụng với số tiền gửi trên 500 tỷ đồng.
Ngoài lãi cao, nhiều doanh nghiệp còn hút người mua trái phiếu bằng tặng vàng, tặng quà sinh nhật, đi du lịch, chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện tốt, được giảm giá khi sử dụng dịch vụ tại công ty đang kinh doanh...
Ông Phan Dũng Khánh (giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng), nhận định năm nay do dịch Covid-19, nhìn chung lãi suất của các ngân hàng đang hạ, trong khi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vẫn khá cao thì có phần bất thường. Điều này không loại trừ trường hợp doanh nghiệp đang khó khăn về vốn, song khó tiếp cận với nguồn vay ngân hàng, nên để lãi suất cao nhằm hút khách.
Do đó, các nhà đầu tư cá nhân, không chuyên nên gửi ngân hàng, muốn lãi nhiều và chấp nhận được rủi ro cao hãy mua trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng cần xem quy mô vốn chủ sở hữu, tài sản của doanh nghiệp, mục đích phát hành trái phiếu.
Có trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu để hoạt động dự án, nhưng rồi dự án gặp khó khăn, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán. Rủi ro mất tiền sẽ rất cao với trái phiếu không đảm bảo, không chứng quyền.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận, mặt bằng chung lãi suất trái phiếu DN tăng là một trong những lý do hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân. Trong khi lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng giảm, mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu DN và lãi suất tiền gửi ngân hàng ngày càng lớn sẽ kích thích nhu cầu đầu tư vào kênh này, mặc dù lãi suất trái phiếu tăng cao đồng nghĩa với việc mức độ rủi ro cũng đang ngày càng lớn.
Nhìn từ góc độ khác, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, cho rằng việc nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu ở mức lãi suất rất cao, đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản, cũng cần xem xét từ nhiều khía cạnh.
"Nhiều trường hợp, trái phiếu doanh nghiệp được đổi thành hợp đồng quyền mua bất động sản. Trong đó, có những điều khoản được in chữ nhỏ li ti với quá nhiều nội dung, quá nhiều điểm, nhiều phụ lục và không dễ xác định rõ quyền lợi ràng buộc với nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do đó, cần cẩn trọng để tránh tình trạng lừa đảo trên thị trường", ông Hòe nói.
Cũng có nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, phát hành trái phiếu chưa hẳn là huy động vốn để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của DN, có khi chỉ để cơ cấu lại các khoản nợ.
Đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần trả lời được 4 câu hỏi: Doanh nghiệp nào phát hành, với mục đích gì? Trái phiếu được hay không được đảm bảo bằng tài sản, cam kết của doanh nghiệp với trái phiếu ra sao? Kỳ hạn trái phiếu phát hành và phương thức trả lãi trái phiếu của doanh nghiệp? Tình hình tài chính của doanh nghiệp như thế nào?
Theo quy luật thị trường, lợi nhuận cao đi liền với rủi ro lớn. Việc nhà đầu tư cá nhân nếu không nắm bắt thông tin về doanh nghiệp mà đẩy mạnh rót vốn vì mục tiêu kiếm lợi nhuận cao, thì cũng cần chuẩn bị trước tâm lý "lời ăn, lỗ chịu", thậm chí đối mặt với rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
Trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tăng mua trái phiếu DN, Bộ Tài chính mới đây có văn bản khuyến nghị việc đầu tư cần được cân nhắc kỹ và thận trọng.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, đặc thù của trái phiếu DN là công cụ nợ do DN phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn. Trong khi khả năng trả nợ của DN phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh. Vì vậy, nhà đầu tư cần phải cân nhắc trước khi mua.
Một số rủi ro đó, theo Bộ Tài chính là: DN không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu, do mất khả năng thanh toán; không thanh toán được đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn...
Nhật Minh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm