Điểm đến Gia Lai

Nhiều huyện khó hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giai đoạn 2021-2025, Gia Lai phấn đấu có thêm 7 địa phương cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, qua rà soát, mục tiêu này rất khó hoàn thành do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự chung sức của người dân và sự hỗ trợ của các đơn vị lực lượng vũ trang, đến nay, toàn tỉnh đã có 96 xã đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, TP. Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 7 địa phương cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Song, các địa phương hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức nên khó hoàn thành mục tiêu này.

Theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 468/QĐ-UBND ngày 20-7-2022 của UBND tỉnh thì huyện NTM phải đạt chuẩn 9 tiêu chí. Trong đó, 100% số xã của huyện phải được công nhận đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025; phải có ít nhất 10% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 100% số thị trấn phải đạt chuẩn đô thị văn minh; tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng NTM của huyện đạt 90% trở lên… Đây là những tiêu chí rất khó thực hiện bởi trên địa bàn tỉnh đến nay chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nông dân thị trấn Đak Pơ( huyện Đak Pơ) thu hoạch mía. Ảnh: N.D

Nông dân thị trấn Đak Pơ( huyện Đak Pơ) thu hoạch mía. Ảnh: N.D

Ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho hay: “Đến nay, huyện có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; còn lại 3 xã An Thành, Yang Bắc và Ya Hội đang tiếp tục thực hiện các tiêu chí chưa đạt cũng như tiêu chí chưa thực sự bền vững theo lộ trình đề ra.

Hiện nay, ngân sách huyện còn hạn chế và khó huy động các nguồn lực ngoài chương trình. Đặc biệt, các tiêu chí trong Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025 cao hơn so với giai đoạn trước”.

Còn ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang thì cho biết: Những năm qua, huyện được trung ương, tỉnh cùng các đơn vị lực lượng vũ trang quan tâm hỗ trợ thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ rệt. Dù vậy, một số tiêu chí như: thu nhập, hộ nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất… khó thực hiện. Đặc biệt, huyện mới chỉ có 7/13 xã đạt chuẩn NTM, chưa có xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Một góc trung tâm xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh. Ảnh: N.D

Một góc trung tâm xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh. Ảnh: N.D

Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Văn-Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh-thông tin: Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II và khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, nếu được công nhận xã đạt chuẩn NTM sẽ xác định khu vực I không còn hưởng các chính sách về y tế, giáo dục…

Bên cạnh đó, các địa phương thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, vận hành các công trình đã đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong khi đó, Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT không có quy định và hướng dẫn nội dung về kinh phí duy tu, bảo dưỡng, vận hành các công trình này.

“Trong thời gian tới, TP. Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa cần tiếp tục củng cố, duy trì, nâng cao các tiêu chí NTM. Cùng với đó, các sở, ngành phụ trách cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương để thực hiện các tiêu chí NTM”-ông Văn cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm