(GLO)- Gia Lai là 1 trong 9 địa phương được chọn thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP). Qua một năm thực hiện, bên cạnh kết quả mang lại, công tác này vẫn gặp không ít khó khăn.
Việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP được triển khai tại 1 đơn vị cấp huyện là TP. Pleiku và 1 đơn vị cấp xã là phường Hội Thương (TP. Pleiku). Thời gian thí điểm từ ngày 10-7-2019 đến 10-7-2020.
Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh-cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế nên việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn tỉnh có sự chủ động và triển khai đúng tiến độ.
Với sự hỗ trợ của Trường Cán bộ thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ, tỉnh đã tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cho công chức, viên chức tại các đơn vị thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP và công chức, viên chức làm công tác ATTP tại các huyện, thị xã. Công tác giám sát, hướng dẫn, đôn đốc được quan tâm thường xuyên. Hoạt động thanh tra góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.
Qua thanh tra, ý thức của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được nâng lên. Ảnh: Như Nguyện |
Sau các bước chuẩn bị, TP. Pleiku đã tổ chức 3 đoàn thanh tra theo kế hoạch. Kết quả, qua thanh tra tại 42 cơ sở có 10 cơ sở tạm ngừng/ngừng hoạt động, 30 cơ sở đảm bảo các quy định về ATTP và 2 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP. Trong quá trình thanh tra, các đoàn cũng đã thực hiện 18 test nhanh tại cơ sở, tất cả đều âm tính.
Về việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn phường Hội Thương, bà Võ Thị Hằng-Chủ tịch UBND phường-thông tin: Toàn phường có 137 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể do 3 ngành Y tế, Công thương và Nông nghiệp quản lý. Phường đã tổ chức 3 đoàn thanh tra đột xuất về ATTP. Qua thanh tra tại 23 cơ sở, đoàn đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 2 triệu đồng.
“Qua 1 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP của chính quyền địa phương nâng lên, ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân cũng được nâng cao”-bà Hằng nói.
Hội nghị tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP. Ảnh: Như Nguyện |
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo đó, thời gian triển khai thí điểm thanh tra cũng là lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản tạm dừng hoạt động thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, quá trình triển khai bị gián đoạn.
“Về nhân lực, do không có cán bộ chuyên trách về ATTP nên việc tập trung triển khai thí điểm thanh tra gặp nhiều khó khăn. Một số cán bộ, công chức, viên chức mới được giao nhiệm vụ nên kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế. Công tác tham mưu, triển khai nhiệm vụ còn chưa chủ động. Đặc biệt là tuyến xã, phường với tâm lý sợ sai nên việc xử lý vi phạm hành chính về ATTP còn thiếu kiên quyết. Chưa kể, nhằm đối phó, trốn tránh trách nhiệm nên một số cơ sở đã đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh”-Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh nhìn nhận.
Trước những khó khăn nảy sinh từ thực tế, theo Giám đốc Sở Y tế Mai Xuân Hải, Chính phủ cần xem xét lại việc nhân rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn tỉnh. Lý do là vì nguồn nhân lực hạn chế và đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo ông Hải, nên dừng triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP ở cấp xã vì không có cán bộ chuyên trách về ATTP, lại thiếu kiến thức và kinh nghiệm thanh tra. Đồng thời, cần sớm ban hành quy trình, thủ tục tiến hành công tác thanh tra chuyên ngành ATTP và các biểu mẫu để áp dụng khi thực hiện.
NHƯ NGUYỆN