Khi bị công an phát hiện, những người trồng cần sa cho rằng họ không biết gì về loại cây mà họ chăm sóc.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng ở Đắk Lắk phát hiện nhiều vụ việc những người ở địa phương khác đến thuê đất của bà con người đồng bào dân tộc ở khu vực rẫy hẻo lánh để chăn nuôi, trồng trọt nhưng thực chất là trồng cây cần sa.
Nhờ hàng xóm mới phát hiện là cần sa
Năm 2012, ông Phùng Văn Q. ở xã Ea Tir đi cùng hàng xóm vào khu rẫy cho thuê. Tại đây, người hàng xóm nghi hơn 2.500 cây trồng trong khu đất là cần sa. Không tin, ông nhổ một cây mang về UBND xã nhờ xem giúp. Từ đây cơ quan chức năng mới phát hiện người thuê đất trồng cần sa.
Người thuê khai nhận đã mua hạt giống từ Campuchia về gieo trồng để sử dụng. Sau đó công an đã khởi tố người thuê đất.
Tháng 7-2018, Công an huyện Cư M’gar phát hiện Nguyễn Đắc Dương (42 tuổi, trú xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột) trồng cây cần sa trái phép.
Theo lời khai của Dương, giữa năm 2008, Dương đến buôn A-Ring, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar thuê 5.000 m2 đất trống của một hộ dân để trồng cà phê và chăn nuôi gà.
Khi gà bị bệnh, Dương đi mua thuốc thì gặp một người lạ mặt giới thiệu mua hạt giống cây lạ về trồng cho gà ăn sẽ hết bệnh dịch. Nghe giới thiệu, Dương đã mua một bịch 300 hạt về gieo trồng và chỉ khi bị lực lượng chức năng phát hiện mới biết đó là cây cần sa.
“Khi Công an huyện Cư M’gar nói thì tôi mới biết đó là cây cần sa. Giờ tôi biết là cây cần sa thì thôi sẽ không trồng loại cây này nữa” - Dương trình bày. Hiện công an đang tiếp tục điều tra để có hướng xử lý.
Cần sa được trồng xen kẽ trong rẫy cà phê ở buôn A-Ring, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar. Ảnh: T.ANH |
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con
Theo Đại úy Nguyễn Văn Anh, Phó Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an huyện Cư M’gar, gần đây tình trạng trồng cây cần sa trái phép trên địa bàn diễn biến phức tạp. “Khi bị phát hiện, nhiều người thường cho là không biết cây cần sa, còn nếu có biết thì chỉ khai nhận là trồng vào mục đích chăn nuôi. Chỉ đến khi qua công tác đấu tranh họ mới chịu thừa nhận” - Đại úy Nguyễn Văn Anh nói.
Cũng theo Đại úy Anh, thời gian tới lực lượng phòng, chống ma túy sẽ thường xuyên phối hợp với công an xã rà soát trong các khu vực rẫy xa để phát hiện cây cần sa. Cùng với đó là việc tuyên truyền, giáo dục người dân nhận biết cây cần sa.
Còn theo Thượng tá Hoàng Tùng Diễn, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk, để ngăn chặn nạn trồng trái phép cây cần sa thì ngoài các biện pháp nghiệp vụ, công an đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể nâng cao công tác tuyên truyền. “Điều này nhằm nâng cao nhận thức, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số biết rõ phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy” - vị thượng tá nhấn mạnh.
Ông Y Wen Niê, Trưởng buôn A-Ring, xã Cuôr Đăng, cho rằng bà con cho thuê đất phải thường xuyên kiểm tra hiện trạng đất để tránh gặp rắc rối vì người thuê sử dụng đất sai mục đích.
Năm năm qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý 21 vụ trồng cây cần sa trái phép trong nương rẫy. Trong đó đã khởi tố 10 bị can, tuyên phạt nhiều năm tù giam vì cố ý trồng cần sa và tàng trữ trái phép ma túy; tịch thu và tiêu hủy hơn 15.000 cây cần sa. . |
Tiến Anh (PL)