Kinh tế

Tài chính

Nhiều người 'méo mặt' với xác thực sinh trắc học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không ít người ta thán khá khó khăn trong việc xác thực sinh trắc học.

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1.7, mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền.

Chính vì thế, trong ngày 1.7, đông đảo người sử dụng dịch vụ internet banking của các ngân hàng đã cập nhật sinh trắc học nhằm dễ dàng giao dịch. Mặc dù vậy, không ít người ta thán khá khó khăn trong việc xác thực sinh trắc học.

Anh Đặng Tuấn Minh (32 tuổi), làm việc tại Công ty công nghệ thông tin Tin học Việt, Q.6 (TP.HCM), cho biết đã cố gắng cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng dịch vụ ngân hàng số của một ngân hàng thương mại cổ phần nhưng "lực bất tòng tâm".

"Ban đầu, khi quét chip của thẻ căn cước công dân thì bị báo lỗi. Loay hoay một thời gian mới hoàn thành. Nhưng đến bước cập nhật thông tin cá nhân thì được thông báo "quý khách vui lòng sử dụng giấy tờ tùy thân mới nhất để đăng ký thông tin cá nhân. Dù rằng tôi đã cập nhật thông tin mới nhất trên căn cước công dân. Mò mẫm mãi mà không được, tôi tạm ngưng việc cập nhật sinh trắc học", anh Minh cho hay.

Ngày 1.7, nhiều người đã cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng dịch vụ ngân hàng số
Ngày 1.7, nhiều người đã cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng dịch vụ ngân hàng số

Tương tự, chị Nguyễn Thị Huỳnh Hoa (34 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH giấy Phú Thịnh, Q.12 (TP.HCM), cũng báo chưa thể chuyển tiền cho người thân vì chưa thể xác thực khuôn mặt.

"Không hiểu là ứng dụng ngân hàng bị lỗi hay điện thoại có vấn đề mà thông báo "thiết bị của quý khách không hỗ trợ NFC (công nghệ không dây cho phép giao tiếp và truyền dữ liệu giữa các thiết bị ở khoảng cách gần - PV). Quả thật là tôi "bó tay". Để mai tranh thủ trực tiếp lên ngân hàng", chị Hoa nói.

Nhiều người trẻ đang sử dụng dịch vụ internet banking ở các ngân hàng thương mại cổ phần khác nhau, cũng ta thán việc "méo mặt" khi quá trình xác thực khuôn mặt bị báo lỗi. Trên mạng xã hội Facebook, đông đảo thành viên cũng kêu ca vì gặp nhiều vấn đề khi cập nhật sinh trắc học.

Không ít người gặp khó khăn trong quá trình cập nhật sinh trắc học. Ảnh THANH NAM

Không ít người gặp khó khăn trong quá trình cập nhật sinh trắc học. Ảnh THANH NAM

Chính vì thế, trong sáng 1.7, nhiều người không thể thực hiện việc chuyển tiền cho người khác với các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên vì chưa bổ sung phương thức xác thực bằng khuôn mặt.

Chị Trần Thị Diệu Hiền (35 tuổi), chủ một chi nhánh nước uống giải khát ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) kể không chưa thể chuyển khoản tiền lương tháng 6 cho nhân viên.

Tương tự, anh Nguyễn Đức Linh (31 tuổi), làm việc ở 174 Bùi Thị Xuân, Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết không thể chuyển tiền cho người thân ở quê.

Những người sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC. Ảnh THANH NAM
Những người sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC. Ảnh THANH NAM

Anh Lê Quang Thương, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần ở Q.1, TP.HCM, cho biết có nhận phản ánh của một số khách hàng về việc chưa thể xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt.

Theo anh Thương, để dễ dàng hơn, khách nên đến trực tiếp ngân hàng để được hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt. Qua đó có thể nhanh chóng thực hiện được các giao dịch vượt ngưỡng theo quy định của NHNN một cách an toàn, không gián đoạn.

Điều 2 của Quyết định 2345/QĐ-NHNN, khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.

Quy định này nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng trước tình trạng lừa đảo ngày một phức tạp, đồng thời ngăn ngừa các trường hợp cho mượn, cho thuê tài khoản.

Xác thực sinh trắc học giúp giao dịch an toàn và bảo mật hơn khi sử dụng chính dữ liệu sinh trắc học của khách hàng đã được xác thực với Bộ Công an để giao dịch, mã hóa và bảo vệ thông tin của khách hàng trước các rủi ro tội phạm mạng.

Có nhiều người ta thán không thể chuyển tiền trong sáng 1.7. Ảnh THANH NAM
Có nhiều người ta thán không thể chuyển tiền trong sáng 1.7. Ảnh THANH NAM

Tự cài đặt sinh trắc học như thế nào?

Trước hết, cần chuẩn bị thẻ CCCD gắn chip và truy cập tính năng "Cài đặt sinh trắc học" trên ứng dụng của ngân hàng phiên bản mới nhất để thực hiện cài đặt theo các bước hướng dẫn.

Bước 1: Chọn tính năng "Cài đặt sinh trắc học" trên ứng dụng di động (app) của ngân hàng.

Bước 2: Tích chọn các chức năng và nhập hạn mức tối thiểu cần xác thực bằng sinh trắc học. Thực tế khách hàng có thể tự chọn cho mình một hạn mức nhất định dưới 10 triệu đồng nếu muốn đảm bảo hơn về sự an toàn cho tài khoản.

Bước 3: Chụp hai mặt của CCCD gắn chip.

Bước 4: Đọc thông tin trên CCCD theo hướng dẫn.

Bước 5: Chụp ảnh khuôn mặt để hoàn tất cài đặt.

Sinh trắc học là gì?

Khoản 3 Điều 3 Luật Căn cước 2023 nêu rõ sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác như khuôn mặt, vân tay, mống mắt….

Do đó, dữ liệu sinh trắc học là đặc điểm nhận dạng duy nhất của một cá nhân, không có bất kỳ ai giống nhau, kể cả sinh đôi. Hiện nay, thông tin sinh trắc học của công dân đã được Bộ Công an thu thập và lưu trữ trong thẻ CCCD gắn chip của mỗi công dân.

Có thể bạn quan tâm