Khoa học - Công nghệ

Xác thực sinh trắc học: Tăng mức độ bảo mật, bảo vệ khách hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kể từ hôm nay (1-7), khách hàng cá nhân giao dịch trực tuyến với số tiền hơn 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực sinh trắc học.

Ngày 18-12-2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

Theo đó, kể từ ngày 1-7-2024, tất cả các ngân hàng, trung gian thanh toán phải áp dụng một chính sách chung đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch hơn 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giao dịch hơn 20 triệu đồng/ngày là phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt) của người thực hiện giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong căn cước công dân gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp.

Về quy định bắt buộc xác thực sinh trắc học, bà Nguyễn Thị Khuyên-Giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) cho biết: “Thời gian qua, tình trạng tội phạm lừa đảo, đánh cắp thông tin để hack tài khoản ngân hàng gia tăng. Tôi rất lo lắng, không dám để tiền nhiều trong tài khoản. Khi biết quy định của Ngân hàng Nhà nước về xác thực sinh trắc học, tôi đã nhờ nhân viên Agribank hỗ trợ thu thập dữ liệu, cài đặt xác thực sinh trắc học cho bản thân và gia đình. Đồng thời, tôi vận động đồng nghiệp, hàng xóm cài đặt để tăng lớp bảo mật tài khoản”.

Nhân viên Agribank Gia Lai hỗ trợ khách hàng cài đặt xác thực sinh trắc học để tăng cường bảo mật khi giao dịch thanh toán trực tuyến. Ảnh: S.C

Nhân viên Agribank Gia Lai hỗ trợ khách hàng cài đặt xác thực sinh trắc học để tăng cường bảo mật khi giao dịch thanh toán trực tuyến. Ảnh: S.C

Triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử và thu nhận trên 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản, bảo đảm dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống. Đây cũng là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng giúp các ngân hàng triển khai định danh, xác minh chính xác khách hàng, sàng lọc tài khoản không chính chủ, không hợp pháp.

Chị Nguyễn Thị Nhân Hòa (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) chia sẻ: “Do đặc thù công việc kinh doanh nên tôi để một khoản tiền trong tài khoản. Tâm lý chung của người buôn bán là không dám để tiền trong tài khoản vì sợ rủi ro lừa đảo nên khi tiền hàng về là phải rút ra mới an tâm.

Mới đây, tôi được nhân viên ngân hàng đến tận nhà để hỗ trợ cài đặt xác thực sinh trắc học, hướng dẫn các bước bảo mật khi giao dịch thanh toán trên 10 triệu đồng/lần. Việc này giúp tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều khi giao dịch thanh toán trực tuyến”.

Nhằm đảm bảo khách hàng cá nhân không bị gián đoạn giao dịch chuyển tiền sau ngày 1-7, Agribank Gia Lai đã mở cửa giao dịch ngày thứ bảy, chủ nhật (29 và 30-6) tại hội sở, các chi nhánh huyện, phòng giao dịch trực thuộc để hỗ trợ khách hàng thu thập sinh trắc học, cài đặt xác thực sinh trắc học trên ứng dụng Agribank Plus.

Sau khi được hỗ trợ cài đặt xong, bà Trương Thị Bích Liễu (tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) vui vẻ cho biết: “Tôi nhận được thông báo nên tới ngân hàng để được hỗ trợ cài đặt xác thực sinh trắc học. Tôi thấy giải pháp này tốt, giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng trong bối cảnh thanh toán trực tuyến gia tăng mạnh như hiện nay”.

Trong hai ngày (29 và 30-6), một số ngân hàng thương mại vẫn mở cửa hỗ trợ khách hàng cá nhân cài đặt xác thực sinh trắc học. Ảnh: S.C

Trong hai ngày (29 và 30-6), một số ngân hàng thương mại vẫn mở cửa hỗ trợ khách hàng cá nhân cài đặt xác thực sinh trắc học. Ảnh: S.C

Song song với việc hỗ trợ khách hàng cá nhân cài đặt xác thực sinh trắc học, các ngân hàng thương mại đã thông báo, hướng dẫn khách hàng chủ động thực hiện các bước đăng ký dữ liệu, thu thập sinh trắc học trên điện thoại.

Đối với những trường hợp khách hàng có căn cước công dân hết hạn hoặc chưa đổi sang căn cước công dân gắn chip nên chưa thể thực hiện thu thập sinh trắc học trước ngày 1-7, khi có nhu cầu giao dịch thanh toán trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giao dịch trong ngày hơn 20 triệu đồng cần đến quầy giao dịch của ngân hàng thương mại để thực hiện.

Có thể bạn quan tâm