Kinh tế

Doanh nghiệp

Nhiều sai phạm ở các dự án điện gió Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Doanh nghiệp tham gia vào việc lập quy hoạch các dự án điện gió, điện mặt trời đã để lại nhiều hậu quả

Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai vừa tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai năm 2024. Trong đó, việc tham mưu quy hoạch điện gió, điện mặt trời và việc triển khai các dự án trên đất rừng được các đại biểu yêu cầu làm rõ trách nhiệm.

Doanh nghiệp quy hoạch điện gió

Tại phiên giải trình này, đại biểu Rơ Lah Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, tiếp tục yêu cầu làm rõ việc lập quy hoạch, thẩm định điện gió và cơ sở pháp lý thực hiện dự án điện gió của Công ty CP Phong điện Tây Nguyên.

"Căn cứ quy định nào để tham mưu, UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định để Công ty CP Phong điện Tây Nguyên thực hiện đề cương nhiệm vụ dự án quy hoạch điện gió tại Gia Lai trong giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh. Quy hoạch này đã được thông qua Tỉnh ủy, HĐND tỉnh phê duyệt hay không? Hiện nay thực hiện dự án này như thế nào?" - đại biểu Rơ Lah Lâm đặt vấn đề. Đây là lần thứ 2 đại biểu Rơ Lah Lâm yêu cầu làm rõ nội dung này.

Giải trình vấn đề này, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho rằng trước năm 2015, tỉnh Gia Lai không có quy hoạch điện gió. Năm 2016, Sở Công Thương đã ký hợp đồng với một đơn vị triển khai quy hoạch. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực thi hành nên việc thực hiện quy hoạch này phải dừng lại. Qua đó, Bộ Công Thương có chủ trương xã hội hóa, nên kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn để lập từng dự án, bổ sung vào quy hoạch. Sau đó, tỉnh Gia Lai giới thiệu vị trí, tiềm năng để Bộ Công Thương thực hiện bổ sung theo từng đề án riêng lẻ.

Điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai được doanh nghiệp tham gia lập quy hoạch.

Điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai được doanh nghiệp tham gia lập quy hoạch.

Để lại nhiều hệ lụy

Trước đó, trả lời bằng văn bản, ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho rằng Luật Quy hoạch năm 2017 đã bãi bỏ hoàn toàn các quy định liên quan đến lập quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời và quy hoạch phát triển điện lực thuộc thẩm quyền của tỉnh.

Để triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời, Bộ Công Thương đã có những hướng dẫn liên quan đến bổ sung quy hoạch điện gió, điện mặt trời. Trong đó, ưu tiên chủ trương xã hội hóa mọi nguồn lực của các doanh nghiệp để tham gia cùng nhà nước lập, hoàn thành hồ sơ quy hoạch trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt để bổ sung các dự án điện gió, điện mặt trời không theo chu kỳ vào quy hoạch phát triển điện lực.

Tuy nhiên, ông Trương Hải Long cũng thừa nhận quá trình thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh trong cả nước đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, việc thực hiện theo phương thức bổ sung quy hoạch từng dự án điện gió, điện mặt trời riêng lẻ là chưa mang tính tổng thể, đồng bộ. Việc để các doanh nghiệp tham gia công tác quy hoạch là chưa đúng, chưa xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về vấn đề này, UBND tỉnh, Sở Công Thương và các sở, ngành địa phương có những khó khăn do quy định thẩm quyền, trách nhiệm của UBND tỉnh phải triển khai thực hiện theo các hướng dẫn và văn bản pháp luật của trung ương và Bộ Công Thương.

Theo ông Phạm Văn Binh, việc thực hiện không theo quy hoạch mà theo từng đề án riêng lẻ này đã được Thanh tra Chính phủ kết luận là không thực hiện quy hoạch, không có tính đồng bộ và một số dự án không giải tỏa công suất. "Vấn đề này đã để lại hệ lụy cho đến ngày hôm nay"-ông Binh nói.

Cũng theo ông Binh, năm 2020, Quy hoạch điện VII điều chỉnh hết giai đoạn quy hoạch. Do vậy, Sở Công Thương đã tiếp thu các vấn đề hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai quy hoạch này để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Gia Lai dừng chủ trương lập quy hoạch theo từng dự án riêng lẻ.

Có thể bạn quan tâm