Khoa học - Công nghệ

Xe 360

Nhiều tín hiệu cho thị trường ô tô Việt Nam khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với dân số hơn 90 triệu người trong đó 67% đang ở trong độ tuổi lao động, Việt Nam có thị trường tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Triển lãm Ô tô Việt Nam 2018 quy tụ 120 mẫu xe đến từ 15 thương hiệu lớn.
Triển lãm Ô tô Việt Nam 2018 quy tụ 120 mẫu xe đến từ 15 thương hiệu lớn.



Chính thức khép lại sau 5 ngày tổ chức (từ ngày 24 - 28/10/2018), Triển lãm Ô tô Việt Nam 2018 - Vietnam Motor  Show 2018 (VMS 2018) đã cho thấy nhiều tín hiệu khả quan về một thị trường ô tô khởi sắc, thể hiện nhu cầu mua sắm xe ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nước.

Nhiều mẫu xe mới

Tại triển lãm năm nay, các hãng xe đã mang đến nhiều mẫu xe mới, trang bị công nghệ hiện đại, đặc biệt có những mẫu xe vừa được ra mắt trên thế giới chưa bao lâu. Điều đó cho thấy sự tiệm cận về sản phẩm, công nghệ trong thời đại toàn cầu hóa và sự bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn về sản phẩm của thị trường ô tô Việt Nam.

Bên cạnh đó, các hãng cũng đưa đến những trải nghiệm thú vị giúp khách thăm quan có thể khám phá các tính năng hay công nghệ hiện đại được trang bị trên nhiều mẫu xe cao cấp...

Sau 2 năm được tổ chức riêng, năm 2018 đánh dấu sự bắt tay trở lại của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) khi cùng tổ chức một triển lãm xe có quy mô lớn nhất trong năm.

Với 15 thương hiệu là các thành viên của VAMA và VIVA cùng gần 120 mẫu xe trưng bày trải đều các phân khúc, Triển lãm Ô tô Việt Nam 2018 cho thấy nhiều thương hiệu ô tô lớn trên thế giới ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong 5 ngày diễn ra triển lãm, đã có 880 xe được bán và được đặt hàng.

Đây là một tín hiệu vui khi tình hình kinh doanh xe hơi trên thị trường trong những tháng đầu năm 2018 chưa thực sự mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, qua đây, có thể thấy được sự quan tâm của người tiêu dùng đối với xe hơi nói riêng và đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung, mở ra triển vọng về một mùa mua sắm nhộn nhịp cuối năm.


 

 Trong 5 ngày diễn ra Triển lãm ô tô Việt Nam 2018 đã hơn có 185.000 lượt khách tham quan.
Trong 5 ngày diễn ra Triển lãm ô tô Việt Nam 2018 đã hơn có 185.000 lượt khách tham quan.



Anh Nguyễn Văn Hậu, quận 1 (TP HCM) đến thăm quan Triển lãm cho biết, so với năm ngoái, Triển lãm năm nay có nhiều mẫu xe hơn. Tuy nhiên lại chủ yếu là xe nhập khẩu và có mức giá khá cao. Những mẫu xe “hot” của các hãng đều được trưng bày, đáng chú ý là có sự xuất hiện của những mẫu xe vừa ra mắt thế giới như: Audi Q8 hay A7 Sportback 2019... Nhưng những mẫu này chỉ phù hợp với những người khá giả, có điều kiện.

“Triển lãm năm nay tuy có quy mô lớn, nhiều xe mới nhưng lại thiếu các không gian giới thiệu về các xu hướng công nghệ ô tô của thế giới. Các gian hàng chủ yếu trưng bày và đẩy mạnh tiếp thị cho thị trường xe cuối năm” – anh Hậu chia sẻ.

Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng

Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Việt Nam sẽ sớm bước vào giai đoạn xã hội hóa xe hơi với sự tăng trưởng nhanh chóng của phân khúc khách hàng cá nhân. Vì vậy, ngay từ bây giờ, tất cả các nhà sản xuất ô tô cần chuẩn bị và sẵn sàng bằng việc nỗ lực đa dạng hóa dòng sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.


 

Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.



Theo báo cáo bán hàng của VAMA, tính đến cuối tháng 9/2018, trong khi doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước (CKD) vượt quá 157.000 xe, tăng 9%, số lượng xe nhập khẩu (CBU) bán ra đạt 45.000 xe, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến thời điểm này, tổng doanh số xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc đã tăng 20%, đạt 140.000 xe.

Trong khi đó, ông Laurent Genet – đại diện Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) nhận định, với dân số hơn 90 triệu người trong đó 67% đang ở trong độ tuổi lao động, Việt Nam có thị trường tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù hiện nay cứ 1.000 người mới có 23 người sở hữu ô tô, song nhu cầu đi lại tại Việt Nam đang tăng trưởng 10%/năm, ô tô cá nhân sẽ ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu cơ bản của người dân để thay thế dần cho xe gắn máy.

Gia Linh/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm