(GLO)- Sau hàng chục năm, đến giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh những chiếc bánh tro màu hổ phách thật ngon mắt xếp trên đĩa, chính giữa là khoanh lá chuối cuộn tròn đựng đường cát trắng. Đó là loại bánh mà mẹ tôi thường làm những dịp giỗ, Tết.
Ngày xưa, mẹ tôi rất khéo tay làm các loại bánh như tai yến, tai vạc, bánh bò, bánh thuẫn, bánh rế…, đặc biệt là bánh tro mè. Để có một nồi bánh tro ngon, mẹ phải chuẩn bị từ khá lâu. Những bó cây mè đen sau khi thu hoạch được phơi khô, bó thành từng bó xếp gọn đầu hè. Nếp để dành làm bánh mẹ cũng đã tỉ mẩn sàng sảy loại bỏ hạt tẻ, hạt gãy để bánh được dẻo ngon hơn. Trước khi làm bánh, những bó cây mè được mẹ đem ra đốt trên nền đất sạch nơi lặng gió, chờ tro nguội mới cho vào lu đất, đổ nước gấp đôi lượng tro vào ngâm khoảng 3 ngày; thi thoảng mẹ quậy đều và để lắng nước trong rồi gạn đổ qua lu khác. Gạo nếp vo kỹ, để ráo, ngâm vào lu nước tro đã lắng trong, qua 1 đêm lấy nếp xả qua vài lần nước trong có pha muối loãng, để ráo rồi tiến hành gói bánh.
Bánh tro mè. Ảnh: internet |
Mẹ vừa làm vừa chỉ bảo: Muốn có bánh ngon thì phải dùng tro mè đen hoặc mè trắng, nhưng mè đen thơm hơn. Cũng có thể dùng các loại tro của cây chùm gửi bá cây dâu, cây bưởi. Ngoài tro mè ra, nếu muốn ngon hơn thì trộn thêm các loại tro rạ nếp (bỏ lá), tro tàu chuối khô mỗi thứ một ít. Trước khi ngâm nếp vào nước tro phải thử để định màu bằng cách nhúng một lát măng tre hoặc le còn tươi vào nước tro để một lúc. Nếu thấy măng chuyển sang màu vàng là được, nếu măng còn trắng thì thêm một ít tro bột vào quậy đều. Nguyên liệu gói bánh là lá dong, lá tre lớn hoặc lá chuối được nhúng sơ qua nước sôi cho mềm để khi gói khỏi rách. Dùng lá cuộn hình nón để ngửa rồi đổ nếp vào, gói lại như bánh ú. Cũng có thể trải lá lên mâm, rải nếp đều, lớn tầm cổ tay trẻ em rồi cuộn tròn lại, cột chặt vừa phải bằng tai chuối khô hoặc lạt giang. Có nơi người ta thêm nhân đậu xanh nhưng đó chỉ là cách làm “dị bản”. Gói xong, bánh được cho vào nồi luộc bằng chính nước tro ngâm gạo pha loãng.
Khi nồi bánh đã sục sịch sôi, tỏa khói loang ra khắp nhà, chúng tôi quây quần bên bếp, háo hức tiếp củi và chờ đợi. Qua chừng 4 giờ, mẹ vớt bánh chín ra xối nước lạnh vài lần và treo lên cho ráo nước. Mẹ bảo: “Bánh còn nóng ăn không ngon đâu, chờ nguội đã các con”. Khi bánh nguội, mẹ lột vỏ, xắn cho chúng tôi mỗi đứa một miếng. Lúc này, các hạt nếp đã nhuyễn, dính kết vào nhau tạo ra chiếc bánh có màu hổ phách (vàng mật). Khi chấm với đường cát trắng, miếng bánh dẻo thơm xông lên mũi một hương vị vừa lạ, vừa quen, như đã bắt gặp đâu đó trong những mùa đông giá rét khi cả nhà cùng ngồi quây quần nhau bên mâm cơm tối, hít mùi tro nóng trong bếp bốc lên tràn ngập một không gian. Mẹ nói thêm: “Món bánh này các nơi thường dùng vào Tết Đoan ngọ, ăn với mật mía nhưng không ngon bằng đường cát vì mùi mật lấn át mùi bánh tro”. Bánh này cũng là một vị thuốc tiêu thực nên mẹ tôi thường làm vào dịp Tết Nguyên đán, phòng khi các con ăn quá no.
Đã hơn mười mùa lá rụng kể từ ngày mẹ tôi về với tổ tiên. Cứ mỗi dịp giỗ, Tết, anh chị em chúng tôi lại trằn lòng da diết nhớ những ngày làm bánh tro bên mẹ thuở nào. Có lẽ trong lòng mỗi người ai cũng đều có một góc riêng gợi nhớ mẹ, nhớ quê hương như thế…
AN SINH