Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Nhớ lại những ngày tháng "nóng bỏng" sau chiến tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỹ cút, ngụy nhào, hòa bình lập lại, toàn lãnh thổ Việt Nam từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau sạch bóng quân xâm lược. Tuy nhiên, bọn phản động trong nước còn hy vọng về cái gọi là tổ chức “phục quốc”, “cứu nguy dân tộc”, rồi “Việt Nam phục quốc”... ra sức chống phá cách mạng nước ta.
Những người lính chủ lực chúng tôi sau chiến tranh vừa xây dựng kinh tế, vừa luyện tập sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới. Ngờ đâu tiếng súng, khói bom vừa dứt, bọn phản động FULRO đã bắt đầu hoạt động khắp nơi trên địa bàn Tây Nguyên. Chúng tôi được điều về lại chiến trường Tây Nguyên cùng với 600 anh em lính chiến ở mặt trận B3 cũ hoạt động chiến đấu tại các tỉnh Gia Lai-Kon Tum, Đak Lak trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Về thăm buôn làng xưa, thăm những người thân và đồng bào các dân tộc đã đùm bọc, giúp đỡ mình trong những năm tháng kháng chiến, chúng tôi tiếp tục xây dựng mạng lưới tổ chức chính trị ở các huyện, xã. 
 Ông Cao Bắc Soi. Ảnh: Đinh Yến
Ông Cao Bắc Soi. Ảnh: Đinh Yến
Tháng 4-1978, sau 4 tháng học lớp cán bộ quân đội tăng cường tại Pleiku, tôi được điều về huyện Đak Tô. 90% dân số của huyện Đak Tô là đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ có 2 xã người Kinh, chủ yếu là dân kinh tế mới ở Quảng Ngãi, Bình Định lên. Đa số cán bộ xã, thôn chưa thạo tiếng phổ thông. Bọn FULRO thường xuyên về làng đe dọa cán bộ, khống chế đồng bào, nhiều đêm chúng tôi phải ẩn nấp, khôn khéo lắm mới thoát mũi súng của chúng.
Một hôm, khoảng 9 giờ sáng, tôi và 2 đồng chí khác đều không có vũ khí công tác ở xã Đak Psi (huyện Đak Hà) và đang cùng đồng bào làm rẫy, bỗng có tốp FULRO nổ súng tập kích chúng tôi, may mà không có thương vong. Sáng hôm sau, tôi và đồng chí Sáu Lan cùng tổ dân quân 4 người mang theo dao quắm và 1 khẩu AK, 1 băng đạn 20 viên bí mật lùng sục toán FULRO. Thì ra chúng ẩn náu ở một khe suối sâu trong rừng, lẫn giữa đám lồ ô. Chúng đang ăn sáng. Tôi vẫy đồng chí Lan cầm AK ngắm tiêu diệt chúng, nổ súng điểm xạ mất 5 viên khiến bọn chúng chạy thục mạng lên rừng. Kết quả, 1 tên bỏ mạng, 2 tên khác bị thương nhưng đã dìu nhau chạy thoát.
Tháng 2-1979, khi có quyết định tách huyện Sa Thầy từ huyện Đak Tô, tôi được điều đi tham gia thành lập huyện mới. Chúng tôi kéo nhau đi bằng xe tải về nơi tập kết là một khu rừng le với đồi núi nhấp nhô, chưa người bước chân tới. Từ cán bộ chủ chốt của huyện đến số nhân viên ít ỏi của các ban, ngành đều tập trung nhau lại phát cỏ, cây, mắc võng nghỉ ngơi như thời chiến tranh; một số cán bộ quân đội tăng cường thì vẫn còn nguyên trang bị như người lính chiến với võng, tăng, ba lô... 
Sau 2 tháng làm lán ở tạm, chúng tôi ổn định tổ chức, bắt tay vào công tác. Tôi được Huyện ủy giao nhiệm vụ Phó ban Văn hóa, Trưởng đài Truyền thanh huyện Sa Thầy với 2 nhiệm vụ chính là tuyên truyền văn hóa, cổ động xây dựng nếp sống mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lúc này, Ban Văn hóa chỉ có đội chiếu bóng lưu động 3 người, đội tuyên truyền cổ động 2 người; Đài Truyền thanh chỉ có 2 người, kể cả tôi. Huyện mới thiếu thốn đủ thứ trong khi cán bộ phải đảm trách rất nhiều việc. Là Trưởng đài, tôi phải vừa biên tập, vừa làm phát thanh, điều hành máy. 2 anh em chúng tôi còn phải đi chặt cây rừng, kéo dây mắc loa về 7 xã, thôn xung quanh huyện. Sau 6 tháng củng cố xây dựng nhà ở và nhà làm việc, cơ sở vật chất từng bước được hoàn thiện, tạm thời ổn định. Dân cư trong huyện lúc này đông hẳn lên. 
Trước tình hình an ninh khu vực đồng bào dân tộc thiểu số không ổn định do bọn FULRO hoạt động mạnh, nhất là ở những xã xa trung tâm, chúng tôi lại được giao nhiệm vụ tạm gác công tác văn hóa, truyền thanh ở huyện để lên vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng nhân dân xây dựng cuộc sống, sản xuất. Đến tháng 10-1983, tôi phải nhập viện vì kiệt sức, chỉ còn 43 kg. Bác sĩ phê: “Sức khỏe đồng chí quá yếu, đề nghị cho đi điều dưỡng tiếp thêm 1 tháng nữa”. Nhưng đồng chí Mai Tân-Chủ tịch UBND huyện-nói: “Cậu đi viện, cơ quan khó khăn quá”. Vậy nên tôi không đi nữa mà về lại cơ quan tiếp tục công việc. Tháng 8-1985, tôi lại phải đi viện lần nữa. Sau 1 tháng điều trị, bác sĩ lại phê trong sổ sức khỏe: “Sức khỏe yếu, cần được nghỉ ngơi, bồi dưỡng”. Đến tháng 12-1985, tôi chính thức được nghỉ mất sức. Trước khi tôi rời khỏi Ban Văn hóa, đồng chí Nghiêm-Trưởng ban-mời lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện dự bữa liên hoan chia tay tôi. Đồng chí Tân-Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy-nói: “Cậu nằm trong danh sách cán bộ nguồn của huyện đấy. Thật tiếc!”.
Dù rời xa vùng đất này đã lâu nhưng  ký ức về những ngày tháng “nóng bỏng” sau chiến tranh ấy vẫn như còn mãi ngưng đọng. Vui vì những người lính như chúng tôi, trong chiến tranh hay hòa bình, cũng đã góp chút công sức bé mọn để bảo vệ và dựng xây đất nước. 
Cao Bắc Soi

Có thể bạn quan tâm