Điểm đến Gia Lai

Nhớ lần tham gia đón quân tình nguyện về nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là năm 1985. Lúc này, những cơn mưa đầu mùa đã tan biến vào đâu trong lòng đất, vòm trời vẫn thăm thẳm không một gợn mây. 

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Đức Thụy

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Đức Thụy

Không gian khoáng đạt khi ấy như được điểm tô thêm một sự kiện đầy ý nghĩa: Đón quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia về nước qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ).

Bối cảnh bấy giờ là sau chiến dịch mùa khô 1984 của quân tình nguyện Việt Nam, toàn bộ căn cứ dọc biên giới Thái Lan-Campuchia của Khmer Đỏ bị triệt hạ khiến chúng không còn đủ sức đe dọa Chính phủ và Nhân dân Campuchia. Để thể hiện hành động chính nghĩa của mình trước dư luận thế giới, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam bắt đầu rút về nước. Phản ánh sự kiện chính trị quan trọng này, đương nhiên là nhiệm vụ của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Gia Lai-Kon Tum lúc bấy giờ gồm: Thường trú Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai-Kon Tum và Báo Gia Lai-Kon Tum.

Để kịp với sự kiện diễn ra, chúng tôi phải lên đường trước 1 ngày. “Con ngựa già Iter” do anh B’Le lái chở quân của Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai-Kon Tum gồm tôi, anh Văn Long và anh Quốc Chính. Nhiệm vụ cụ thể như sau: Tôi sẽ quan sát sự kiện để viết bài tường thuật. Anh Văn Long làm nhiệm vụ thu thanh. Anh Quốc Chính chụp ảnh để phát truyền hình.

Có lẽ cũng phải kể những “đồ nghề” của phóng viên nhà đài lúc ấy. Trước hết là chiếc ô tô 5 chỗ chẳng biết đời nào nhưng mỗi khi lăn bánh, dù là quãng đường êm nhất, nó vẫn cứ như một người bị hen suyễn buộc phải chạy hết sức. Một lần đi Đăk Glei, đang xồng xộc xuống dốc, chúng tôi chợt nghe anh B’Le kêu to: “Ô, cái bánh xe của ai rớt ra đằng trước mình kìa, “trúng mánh” rồi”. Hôm đó, chúng tôi được một trận cười no nê vì khi tới nơi mới hay hóa ra là bánh xe mình. Ấy thế mà phải những sự kiện quan trọng như hôm nay thì phóng viên mới được đi, bởi cả cơ quan chỉ có mỗi nó…

Phương tiện đi lại đã vậy, còn thiết bị làm việc thì Phòng Văn nghệ và Phòng Thời sự chỉ có 3 chiếc radio cassette. Chiếc nhãn hiệu 777 thì to bằng chiếc đàn piano nên dĩ nhiên là chẳng ai mang đi đâu được. Chiếc hiệu GF6060 nhỏ hơn nhưng nó cũng bằng… chiếc va li con. Chiếc còn lại hiệu Sanyo nhỏ gọn nhất, chỉ bằng… chiếc gối con thì ông Lê Xuân Phát-Trưởng ban Biên tập giữ để kiểm thính chương trình. Thường khi tác nghiệp, phóng viên chỉ dùng chiếc GF6060 nhưng đây là sự kiện đặc biệt nên được sử dụng chiếc Sanyo. Anh Văn Long phấn khởi lắm.

Quốc lộ 19 đoạn từ núi Hàm Rồng đến biên giới ngày ấy chỉ mới được trải nhựa một vài đoạn. Nhiều quãng còn là đường đất. Xe lăn bánh gần hết một buổi, chúng tôi mới tới được biên giới. Cứ tưởng lễ tổ chức bên đất ta hóa ra bên đất bạn. Một khoảng đất rộng được dọn sạch cây rừng là nơi diễn ra nghi lễ. Đã thấy các anh Hoàng Tiến, Sĩ Huynh bên Thông tấn xã, Quang Hoàn thường trú Báo Nhân Dân đến trước từ khi nào. Thì ra các bố đi nhờ được xe xịn. Tối hôm đó, chúng tôi không những được bộ đội mời cơm mà còn dựng lều bạt cho nghỉ ngơi để sáng mai tác nghiệp.

Mặt trời nhô lên khỏi ngọn cây rừng, bộ đội đã hàng ngũ chỉnh tề để chuẩn bị hành lễ. Trong ban mai yên ả, cánh rừng bỗng rạn vỡ bởi tiếng trực thăng. Một chiếc Mi đáp xuống bãi đất trống. Cánh quạt vừa ngừng quay, cánh nhà báo đã ùa tới. Họ là phóng viên của Tân Hoa xã, TASS, AP, Thái Lan, Nhật Bản. Giữa vòng vây của những chiếc máy ảnh, máy ghi âm đắt tiền, cái Sanyo của anh Văn Long trông thật... thảm hại. Thấy không thể len vào gần để ghi âm cho rõ được, anh bèn… cột chiếc máy vào một khúc cây câu qua đầu các phóng viên. Quả là một kiểu tác nghiệp “không tiền khoáng hậu”.

Buổi lễ diễn ra ngắn gọn, đâu chỉ khoảng trong vòng 1 giờ đồng hồ. Thấy quay về bằng “con ngựa già hen suyễn” không thể làm kịp chương trình phát thanh buổi chiều, chúng tôi quyết định xin đi nhờ xe chỉ huy quân đội để được quyền vượt lên trước. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới được trông thấy một đoàn quân hùng hậu đến thế: Những chiếc xe tải, xe bọc thép chở quân, xe kéo pháo ngất nghểu nối nhau dằng dặc. Chiếc đi trước đã tới dốc Hàm Rồng, chiếc sau vẫn chưa ra khỏi Cửa khẩu. Một cơn lốc bụi cuồn cuộn kéo dài theo quốc lộ 19. Chúng tôi từ đầu đến chân như có ai hắt lên một lớp sơn bụi đỏ; hai cánh mũi khô khốc, cổ họng rát bỏng.

Về tới nhà, cứ tưởng xong việc là được “giải thoát”, nào ngờ lại có lệnh làm tiếp tường thuật “Nhân dân Pleiku hân hoan đón chào quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về”. Góc giao nhau giữa đường Lê Duẩn và Trường Chinh bây giờ, ngày ấy còn là một bãi đất trống rất lớn. Lễ đón được tổ chức tại đó. Các thiếu nữ Pleiku ôm những bó hoa tươi thắm đến tặng các chiến sĩ. Gương mặt phong trần của những người lính đã qua bao mùa chinh chiến chợt thắm lại trong tiếng trêu đùa, tiếng cười trong trẻo lan xa không ngớt.

Giữa không khí hòa bình ấm áp, bất chợt tiếng loa phóng thanh vang lên: “Mời các đồng chí và các bạn nghe chương trình thời sự đặc biệt”. Không gian như chợt lắng lại. Ông Thái Hiền Minh-Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai-Kon Tum-khẽ bấm vào tay tôi: “Trông kìa, bộ đội đang chăm chú lắng nghe đài ta đấy”. Một niềm xúc động chợt trào dâng trong tôi. Sau 2 năm tuổi nghề, lần đầu tiên tôi mới có một sản phẩm được đón nhận giữa một quang cảnh thiêng liêng như thế.

Có thể bạn quan tâm