(GLO)- Hẳn những ai sinh ra và gắn bó với làng quê đều biết đến cái nồi đất bình dị nhưng thân thiết trong mỗi góc bếp. Ngày nay, dù đa số gia đình không còn sử dụng nhưng trong ký ức nhiều người vẫn còn lưu lại hình ảnh ấy. Với tôi, chiếc nồi đất đã gắn bó với hình dáng của bà, của mẹ, của những ngày đông giá rét.
Nồi đất được làm thủ công từ bàn tay khéo léo của con người. Đất sét dùng để nặn nồi phải sạch, nhuyễn, sau đó người ta nắn thành hình rồi xoay cho tròn, cắt, gọt cẩn trọng. Tục ngữ có câu “Nồi nào vung nấy” là đề cập đến phương diện kỹ thuật của việc tạo ra chiếc nồi như thế nào sau khi nung qua lửa. Bởi không phải khi thành phẩm chiếc nồi nào cũng tròn, đều, miệng nồi lúc nào cũng vành vạnh mà có khi thân nồi không đều, miệng nồi lại méo. Lúc đó thì phải tìm một chiếc vung tương xứng để thành đôi. Câu tục ngữ đầy ý nhị, gợi sự liên tưởng đến việc kết đôi của trai gái khi tìm hiểu nhau, xây dựng hạnh phúc lâu dài.
Minh họa: KIM HƯƠNG |
Nồi đất thường dùng để nấu khá nhiều món ăn của người dân quê. Tôi còn nhớ như in những ngày mùa đông, mưa gió sụt sùi, heo hút, cha thường đi thả trúm bắt lươn, bắt ếch. Những con lươn vàng hươm to bằng ngón chân cái được làm sạch, chặt khúc om với chuối xanh vặt vội ở góc vườn. Nhìn lửa cháy liu riu, nồi lươn om chuối sôi lăn tăn, mùi vị trộn lẫn của nghệ, sả, tiêu bốc lên thơm nồng trong tiết lạnh mà thấy thòm thèm. Hay món ếch nấu măng mà không có nồi đất thì dường như cũng không thể đúng vị.
Nồi đất hợp với củi tre. Đó là lời bà tôi hay nhắc nhở. Nồi đất mua về thường không dùng ngay mà ngâm nước gạo hay lá nếp mấy ngày để khi nấu khỏi hôi mùi đất. Gạo mùa tháng 8 nấu nồi đất vừa dẻo vừa thơm, lại thường có lớp cháy vàng rộm dưới đáy nồi. Đây là nguyên nhân của sự tranh giành đáng nhớ của mấy chị em tôi. Vì cơm cháy chan với mắm chưng trong nồi đất thì ngon không thể nào kể được.
Nồi đất còn để kho cá. Cá trê kho dưa cải, cá tràu kho tộ kiểu miền Nam hay độc đáo hơn, ở các nhà hàng sang trọng còn dùng nồi đất chưng kho quẹt hay nhiều nơi còn có món cơm niêu.
Ngày nay, không còn nhiều nhà nấu bằng bếp củi, bếp than nên việc sử dụng nồi đất cũng hiếm dần. Thỉnh thoảng về quê, ngang qua ngõ nhà ai nghe mùi cá kho bốc lên, tôi lại nhớ quay quắt chiếc nồi đất nằm trên chạn trong tư thế sẵn sàng kho món gì đó mỗi lần mẹ đi chợ về. Mấy năm lên phố, đôi lần mẹ gọi điện, giục về nhà lấy mớ cá đồng ngon mua được ở cái chợ đầu làng. Nhớ lắm món cá đồng kho dưa cải trong chiếc nồi đất. Nhưng dạo quanh khắp chợ thành phố vẫn không tìm được chiếc nồi đất ưng ý, đành nói dối với mẹ là nhà đã có nhiều thức ăn rồi.
Một mùa đông nữa lại về. Từng cơn gió lùa qua ô cửa gợi nhớ trong tôi những ngày ở quê lội đồng bắt cua, bắt ếch. Ngồi tiếp khách ở một nhà hàng trên phố, nhìn chiếc nồi đất người phục vụ mang ra, sạch sẽ màu nguyên thủy, không ám chút khói bếp đun mà lòng dâng trào cảm xúc. Món ăn ngon nhưng sao vẫn cảm thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Phải chăng nồi đất chỉ ở làng quê, nấu những món ăn dân dã nhưng đượm tình thì mới giữ được vị ngon?
SƠN TRẦN