Điểm đến Gia Lai

Nhớ thời cán bộ tăng cường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có lẽ, chỉ các tỉnh Tây Nguyên mới có thuật ngữ này. “Tăng cường” hiểu đơn giản là điều động cán bộ cấp trên xuống để củng cố lực lượng cho cơ sở. Công việc này kéo dài từ sau năm 1975 cho mãi đến năm 2002. Để hiểu vì sao, hãy quay lại bối cảnh Tây Nguyên ngày ấy…
Có thể nói, những năm sau giải phóng, Tây Nguyên là vùng thiếu cán bộ nhất nước, đặc biệt là cán bộ có trình độ đại học. Bấy giờ, cả nước có chưa tới 40 trường đại học chuyên ngành mà học sinh chỉ được quyền thi vào 1 trường với 1 nguyện vọng duy nhất. Mỗi trường THPT ngày ấy có mươi học sinh đỗ đại học đã được coi là nhiều.
Hàng năm, sinh viên ra trường đã ít, các tỉnh Tây Nguyên lại bị coi là nơi “rừng thiêng nước độc”, dân cư thưa thớt nên thực tình đây chỉ là sự lựa chọn cuối cùng khi không còn nơi nào khác ở đồng bằng. Đơn cử như Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai-Kon Tum, mãi đến năm 1984, cán bộ có trình độ đại học cả già lẫn trẻ chỉ có 6 người. Ở cấp huyện, như huyện Chư Prông, kể cả các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, chỉ có 3 người tốt nghiệp đại học. Tình hình cán bộ tỉnh, huyện còn thế đủ hình dung cán bộ cấp xã. Và như thế mới có chủ trương điều động cán bộ tăng cường.
Trong các đợt tăng cường cán bộ cho cơ sở của tỉnh Gia Lai-Kon Tum lúc bấy giờ, năm 1985 có lẽ là đợt có quy mô nhất: hơn 700 người. Tiêu chí là cấp sở và tương đương, cứ 1 cấp phó thì đi 1; còn lại là những ai ở mức lương 70 đồng trở lên. Nằm trong diện này là cấp trưởng, phó phòng hoặc tốt nghiệp đại học sau 2 năm công tác.
Mục đích của đợt tăng cường này là đưa cán bộ xuống xã, huyện nhưng thời hạn lại được đưa ra bằng lời hứa “Bao giờ cơ sở vững mạnh thì về”. Thế nên, nếu cán bộ tăng cường các đợt trước thường “đi tay không” thì đợt này, mỗi người được nhận 4 m vải lính để may võng và 1 chiếc đài VEF của Liên Xô.
 Ảnh: Vĩnh Hoàng
Đường về xã Ia Lang, huyện Đức Cơ. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Nhóm cán bộ của tỉnh tăng cường về xã Ia Lang, huyện Chư Prông (nay thuộc huyện Đức Cơ) gồm tôi, Trung úy Ninh Đức Cảnh-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh và anh Nguyễn Tấn Đức-cán bộ Công đoàn tỉnh. Sau cuộc gặp mặt tại UBND huyện, chiếc xe Jep chở chúng tôi và 1 bao gạo 50 kg nhằm hướng Ia Lang thẳng tiến.
Vì xã chưa có trụ sở nên chúng tôi phải vào ở nhà Chủ tịch UBND xã Rơ Lan Bá. Suốt hơn 1 giờ vật vã xuyên rừng trên lối mòn nước xoáy sâu hoắm, chúng tôi mới đến tận nơi. Ông Bá lết ra cửa đón. Ông bị chông xóc vào chân mưng mủ sưng vù mà không có thuốc. Nghe chúng tôi tự giới thiệu, ông gật đầu ra ý “biết rồi” và lấy cuốn vở học sinh làm sổ công tác ra ghi tên từng người.
Mấy hôm sau, chúng tôi được bổ sung 3 đồng đội mới là cán bộ huyện Chư Prông, gồm ông Vũ Đình Hồng-Phó Bí thư Huyện ủy, anh Chiến-cán bộ Mặt trận và anh Danh-cán bộ Văn phòng UBND huyện. “Vì Ia Lang là xã yếu nên phải tăng cường một lực lượng cán bộ như vậy”-ông Hồng nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi chúng tôi phải làm gì thì ông cũng chỉ nói chung chung rằng: “Xuống làng nắm tình hình rồi tham mưu ý kiến cho UBND xã”. Nắm tình hình thế nào khi tiếng Jrai không biết, đồng bào thì hỏi gì cũng chỉ “bi thâu ô” (không biết đâu). Còn “tham mưu” thì lại hết sức hạn chế. Có lẽ cũng nhận ra thực trạng này mà 1 năm sau, nhiều cán bộ tăng cường của tỉnh lần lượt được rút về huyện.
Tăng cường cán bộ cho cơ sở là chủ trương đúng đắn và cấp thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế-xã hội bấy giờ, cán bộ tăng cường phải lựa chọn người phù hợp; phải có chức trách rõ ràng, thời gian cụ thể chứ không phải theo kiểu phong trào như điều động dân công. Cũng may là các đợt tăng cường cán bộ sau này, những bài học trước đó đã được rút ra.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm