TN - Đất & Người

Nhóm người đãi vàng trái phép ở Kon Tum: Chính quyền thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lực lượng chức năng huyện Đắk Tô tháo dỡ tất cả dụng cụ liên quan đến việc xay, nghiền đá để tìm vàng và yêu cầu ông Xếp viết bản cam kết không tái phạm.

Video: Cận cảnh nơi xay đá tìm vàng trái phép ở Kon Tum.

Ngày 6/7, UBND huyện Đắk Tô (Kon Tum) thông tin kết quả xác minh vụ việc ông Lâm Văn Xếp (64 tuổi, ngụ tại khối 1, thị trấn Đắk Tô) và nhóm người sử dụng máy móc để đãi tìm vàng sa khoáng.

Theo đó, sáng 1/7, UBND thị trấn Đắk Tô cùng với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an thị trấn Đắk Tô tổ chức kiểm tra hiện trường và làm việc với ông Lâm Văn Xếp để làm rõ nội dung thông tin VTC News phản ánh

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng không phát hiện có hoạt động xay nghiền đá, các máy móc đều ngưng hoạt động. Hiện lực lượng chức năng huyện Đắk Tô đã cho tháo dỡ tất cả dụng cụ liên quan đến việc xay, nghiền đá.

Đồng thời, UBND huyện Đắk Tô buộc ông Lâm Văn Xếp viết bản cam kết không xay đá để đãi, tìm vàng sa khoáng nữa. Nếu còn vi phạm, ông Xếp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Lán nơi diễn ra hoạt động đãi vàng trái phép.

Lán nơi diễn ra hoạt động đãi vàng trái phép.

Ông A Hiệp (Bí thư kiêm Khối trưởng Khối 1) cho biết, hành vi xay, nghiền đá để đãi, tìm vàng sa khoáng của ông Xếp là trái quy định của pháp luật, nhưng đây là lần đầu thực hiện và do chưa hiểu pháp luật nên mới vi phạm.

Vì gia đình ông Xếp có hoàn cảnh khó khăn nên tôi đã đề nghị các ngành chức năng xem xét, tạo điều kiện cho gia đình ông Xếp không bị xử lý vi phạm hành chính”, ông Hiệp thông tin.

Hiện trường đãi vàng.

Hiện trường đãi vàng.

Cũng theo UBND huyện Đắk Tô , ông Lâm Văn Xếp cho biết, gia đình ông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân ông đã lớn tuổi nhưng phải nuôi 7 đứa cháu, trong đó có một cháu đang điều trị bệnh u mỡ tại Bệnh viện đa khoa Bình Dương.

Ngày 29/6, sau khi thu gom được 2 bao đá, ông Xếp cho vào xay. Việc xay đá được thực hiện một mình, hai người còn lại không làm cùng. Máy dầu Dizen, nhà tôn che là của người hàng xóm cho ông Xếp mượn để sử dụng, máy xay đá là do ông Xếp mua từ phế liệu về tận dụng.

Vì hàng ngày phải đi làm thuê để kiếm sống, nên khi trời mưa, không có việc làm, tôi đã lên khu vực bãi vàng Đăk Ri Peng (cũ) thuộc xã Tân Cảnh lượm các cục đá trên mặt đất và chở bằng xe máy về nhà”, ông Xếp cho hay.

Hiện lán trại nơi ông Lâm Văn Xếp nghiền đá đãi vàng đã được chính quyền huyện Đắk Tô tháo dỡ.

Hiện lán trại nơi ông Lâm Văn Xếp nghiền đá đãi vàng đã được chính quyền huyện Đắk Tô tháo dỡ.

Như VTC News đưa tin, vào sáng 29/6, tại đường dân sinh vào khu vực khối 1, thị trấn Đắk Tô, PV bắt gặp một nhóm người đang dùng máy nổ để xay xát đá và các loại máng, chảo đãi vàng. Khi thấy người lạ đi vào, những người trong các lán trại vẫn tiếp tục công việc, không tỏ ra sợ hãi.

Nhóm đãi vàng lúc này có 3 người, 1 người vận hành máy nổ, 1 người di chuyển những bao đất đá cho vào cối máy nổ để xay xát, người còn lại trực máng nước. Những bao đất đá dùng để đãi vàng được vận chuyển từ mỏ vàng Đắk Ri Peng (huyện Đắk Tô) về lán trại này.

Cách lán trại chừng 50m có một dòng sông chảy qua, những người này tận dụng kênh mương để đãi vàng và xả thải trực tiếp xuống dòng sông.

Qua phản ánh của Báo điện tử VTC News, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về khoáng sản trên địa bàn nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản hiểu các chính sách pháp luật về khoáng sản; quyền và nghĩa vụ của người dân nơi có khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản...

Chính quyền vận động người dân kịp thời thông tin, tố giác các trường hợp khai thác, sử dụng khoáng sản trái phép, đồng thời tăng cường bám nắm địa bàn, thường xuyên kiểm tra việc khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý.

Có thể bạn quan tâm