Kinh tế

Doanh nghiệp

Những "bí ẩn" của ngành điện chưa có lời giải?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày qua thông tin về tăng giá điện khiến hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình tăng cao đột biến đã thu hút sự quan tâm và bức xúc của dư luận. Mặc dù EVN đã đưa ra giải thích nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải.
 
EVN sẽ thanh tra 100% các hoá đơn tiền điện tăng cao trong 24h
Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho hay, tính đến ngày 26.4.2019, xét riêng tại địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 thành phố lớn nhất cho thấy tại Hà Nội có trên 32% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4/2019 tăng trên 1,5 lần so với tháng 3/2019, tỷ lệ này tại TP Hồ Chí Minh là trên 22%.
Về tiền điện tại Hà Nội có trên 46% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4.2019 tăng trên 1,5 lần so với tháng 3/2019, tỷ lệ này tại TP Hồ Chí Minh là trên 37%.
Theo ông Võ Quang Lâm, trong khoảng thời gian từ ngày tăng giá điện (20.3.2019), Tập đoàn đã nhận được các các thắc mắc của khách hàng sử dụng điện chủ yếu qua Tổng đài chăm sóc khách hàng, ngoài ra là các phản ánh của khách hàng qua mạng xã hội, báo chí…. Các thắc mắc, kiến nghị đều được ngành Điện tổ chức kiểm tra, xác minh và giải quyết kịp thời. 
Theo ông Lâm, trong thời gian qua Tập đoàn đã chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tăng cường công tác công khai minh bạch trong hoạt động ghi chỉ số và phát hành hóa đơn tiền điện, kiểm tra, theo dõi và trả lời tất cả thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện.
Liên quan đến hoá đơn tiền điện tăng cao, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho hay, đã chỉ đạo thanh tra 100% các trường hợp hoá đơn tiền điện tăng cao bất thường và các điện lực phải giải quyết, phản hồi trong 24 giờ từ khi nhận được phản ánh.
Khoản 42.000 tỷ đồng của EVN ở ngân hàng là để trả nợ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tại ngày 30.6.2018, tập đoàn này có số dư tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn khoảng 42.000 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ so với cuối năm 2017.
Ông Nguyễn Xuân Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 42.000 tỷ đồng là khoản tiền gửi không kỳ hạn hợp nhất từ tất cả báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên, gồm sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ.
Theo ông, so với số dư nợ phải trả ngắn hạn - hơn 106.000 tỷ đồng - thì khoản này quá nhỏ, chưa đủ dùng trả nợ ngay cho các nhà cung cấp nhiên liệu khí, than, bán điện... cũng như ngân hàng.
"Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn, số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ", ông Nam nói.
Giải thích rõ hơn, ông Nam cho hay, hiện EVN có hàng chục đơn vị cấp 2 và hàng trăm đơn vị cấp 3, 4 hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, sản xuất kinh doanh điện. Mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ công việc thường xuyên và xử lý đột xuất. 
Các công ty nhiệt điện cần lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước. Công ty mẹ EVN cũng cần khoản lớn đủ để trả tiền mua điện hàng tháng. "Doanh thu tiền điện thường tập trung vào cuối tháng trong khi nhu cầu thanh toán tiền nhiên liệu và điện mua ngoài lại vào đầu tháng. Vì thế số dư tiền gửi vào cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn các ngày còn lại", Phó tổng giám đốc EVN lý giải. 
"Hiện EVN có số dư nợ vay rất lớn, vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn, để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai", Phó tổng giám đốc EVN thông tin.
 
Giá điện Việt Nam có thực sự thấp?
Xung quanh nhận định và phân tích về giá thành của điện tại VN được Facebook Trần Đình Thu đăng tải những ngày qua đã thu hút sự chú ý và comment của nhiều độc giả am hiểu về ngành điện.  
 
Thông tin từ FB ông Thu cho biết: Theo số liệu trang Vietstock.vn thì năm 2015 điện Việt Nam có giá bán là 7,58 cent/kWh, Mỹ có giá bán là 10,2 cent/kWh.
Và giá điện Trung quốc khi đó là từ 7,5 – 10,7 cent/kWh, Pháp 15,85/cent kWh, Na Uy 16,58/cent kWh…
Đây là so sánh tuyệt đối, nghĩa là không tính đến điều kiện sản xuất. Và Bộ công thương đã lấy sự so sánh giá này để làm cơ sở cho hoạch định việc tăng giá điện.
Việc dùng số liệu so sánh tuyệt đối để làm cơ sở hoạch định chính sách là một cách làm hồ đồ phản khoa học mà lẽ ra phải dùng phép so sánh chi phí để tạo ra một đơn vị điện năng của từng nước.
Như số liệu giá điện Việt Nam thấp hơn Mỹ khoảng 0,7 lần nhưng các chi phí để làm ra 1 kWh điện của Việt Nam thấp hơn của Mỹ hàng chục lần. Chẳng hạn mức lương của kỹ sư điện Việt Nam chỉ cỡ 800 USD/tháng nhưng kỹ sư điện Mỹ lên đến 7 ngàn USD/tháng, kỹ sư tin học lên đến 9.000 USD/tháng.
Chúng ta có thể dẫn chứng nhiều chi phí khác ở Mỹ và Việt Nam để thấy rằng nhìn chung để sản xuất ra cùng 1 kWh điện, các khoản chi ở Việt Nam đều thấp hơn Mỹ nhiều lần, trong khi giá thành điện chỉ thấp hơn 0,7 lần. Vậy thì giá điện Việt Nam cao hay thấp?
Tương tự như thế, giá điện của các nước Pháp hay Na Uy ở trên chỉ cao gấp đôi Việt Nam nhưng các chi phí khác của họ cũng sẽ cao hơn gấp hàng chục lần.
Thế thì giá điện ở Việt Nam phải nói là siêu cao chứ không phải là cao nữa, trong khi Bộ công thương nói là thấp để đòi tăng giá.
Ngoài việc các chi phí ở Việt Nam thấp, thì Việt Nam còn có các điều kiện để có thể kéo giá xuống thấp hơn nhiều nữa mới phải vì ngành điện Việt Nam được thừa hưởng những lợi thế nhiều mặt mà tôi xin phân tích dưới đây.
Thứ nhất là Việt Nam đang dùng nhiều điện từ thủy điện với giá thấp. Số liệu cho thấy vào năm 2015, lượng điện từ thủy điện của Việt Nam chiếm đến gần 35% tổng lượng điện tiêu thụ.
Các nhà máy thủy điện lớn ở Việt Nam đa phần được xây dựng từ khá lâu, đến nay có nhiều công trình có thể đã hoàn vốn. Mặt khác các công trình thủy điện Việt Nam thường có các đặc điểm là nguồn vốn được ưu đãi, chi phí bồi thường giải tỏa không cao vì một phần là đất công của nhà nước phần khác nhân dân chấp nhận hy sinh, nên theo tài liệu của Hiệp hội năng lượng Việt Nam, giá thành điện sản xuất từ thủy điện Việt Nam chỉ bằng 15-20% giá thành từ nhiệt điện.
Song song với nguồn điện thủy điện, thì những năm gần đây Việt Nam sử dụng khoảng 30- 35% nhiệt điện dùng khí đốt từ nguồn khí đốt khai thác tại chỗ của Việt Nam nên có lợi thế rất lớn để giảm giá thành điện.
Về mặt truyền tải điện thì EVN cũng được thừa hưởng hệ thống truyền tải có sẵn từ trước ở 2 miền với hệ thống các đường dây 220 kV, đặc biệt đường dây kết nối Bắc Nam 500 kV được đầu tư bằng sức người sức của của cả nước, không phải tính vào giá thành sản xuất như các nước tư bản.
Về cơ sở vật chất như đất đai nhà xưởng thì EVN cũng được cấp.
Như vậy thì EVN đã làm gì để giá điện Việt Nam cao lên gần bằng giá điện Mỹ mà còn đòi tăng thêm giá?
Theo P.V (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm