Xã hội

Những "bóng hồng" chống dịch Covid-19 ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Gia Lai, dù ở hậu phương hay xung phong lên tuyến đầu, sự tận tâm, tận lực của những “bóng hồng” đã góp phần khống chế dịch bệnh thành công.

Nữ cán bộ, nhân viên Khoa Xét nghiệm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) luôn lạc quan trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Như Nguyện
Nữ cán bộ, nhân viên Khoa Xét nghiệm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) luôn lạc quan trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Như Nguyện

“Khi nào hết dịch thì mẹ về”

Ngay khi Phú Thiện thành lập khu cách ly tập trung phòng-chống dịch Covid-19, chị Vũ Thị Tuyến-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 4 (thị trấn Phú Thiện) đã xung phong vào nấu ăn tại khu cách ly. Đó là những ngày giáp Tết cổ truyền với bộn bề công việc, nhưng chị đã gác lại việc nhà, việc buôn bán cao điểm dịp cuối năm để tình nguyện tham gia chống dịch.

Chị Tuyến kể: “Mỗi bữa ăn, chúng tôi chuẩn bị khoảng 230 suất cơm, có ngày lên 250 suất. Chúng tôi đổi món liên tục để mọi người trong khu cách ly đỡ nhàm chán. Những ngày Tết cổ truyền, ngoài những món thường ngày như cá kho, thịt xào đậu cô ve, canh rau các loại nấu thịt bằm, còn có thêm bánh chưng, thịt gà, giò, chả... để giống với cơm Tết ở nhà. Chúng tôi đặt hết tâm huyết vào từng bữa ăn để nấu những món ngon, đầy đủ dinh dưỡng giúp mọi người đảm bảo sức khỏe để chiến đấu với dịch bệnh”.

“Vậy còn bản thân các chị thì sao?”. Nghe chúng tôi hỏi, chị Tuyến cười xòa. Chị chia sẻ, phục vụ nấu ăn trong khu cách ly còn có một số chị em khác. Tâm trí mọi người hầu như chỉ nghĩ đến việc nấu từng bữa ăn ngon. Mỗi ngày trôi qua, có người được rời khu cách ly an toàn, khẩu phần ăn giảm xuống là cả tổ nấu ăn lại vui mừng. Mọi người hầu như quên mất ngoài kia Tết đang cận kề, con cái cần được sắm sửa những bộ quần áo mới, nhà cửa cần có bàn tay phụ nữ dọn dẹp, trang hoàng.

Chị cho hay: “Vợ chồng tôi có 3 đứa con, đứa nhỏ nhất mới hơn 4 tuổi. May mắn là ông xã rất đảm đang nên giúp từ việc nhà đến chăm sóc con cái. Tôi chỉ nói với các con là khi nào hết người trong khu cách ly thì mẹ sẽ về”.

Chị Tuyến phục vụ trong khu cách ly từ ngày 1-2 đến 21-2. Đó cũng là khoảng thời gian đáng nhớ trong đời. Chị trải lòng: “Lúc xung phong vào khu cách ly, tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ làm bằng cả tấm lòng vì chứng kiến nhiều bộ phận vất vả hơn mình gấp bội. Mỗi người đóng góp một chút, ý thức hơn một chút thì chúng ta mới nhanh chóng khống chế được dịch bệnh”.


Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, chị Thân Thị Đỗ Mai (thị xã Ayun Pa) đã kêu gọi ủng hộ trên 50 thùng hàng từ thiện khắp nơi gửi về. Những ngày thị xã Ayun Pa bị phong tỏa, nhiều nơi thiếu thốn thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế, chị Mai thường xuyên cập nhật trên trang Facebook cá nhân tình hình ở địa phương, những mặt hàng mọi người đang cần để bạn bè khắp nơi ủng hộ. Sau khi nhận hàng hóa, chị lại tiếp tục đăng lên trang cá nhân để nơi nào cần, chị sẽ mang đến tận nơi.

“Hàng cứu trợ gửi về tới tấp trong những ngày giáp Tết và cả sau Tết. Có nhiều hôm, tôi phải dậy từ 3-4 giờ sáng để nhận hàng, vất vả nhưng tôi rất vui, bởi trong những lúc khó khăn mới thấy lòng người xích lại gần nhau hơn. Các nhà xe không chỉ nhận chở hàng miễn phí mà còn đóng góp tiền nhờ tôi mua thực phẩm, vật dụng y tế hỗ trợ phòng-chống dịch”-chị Mai trải lòng.

Mặt bằng để buôn bán hàng ngày được chị Mai dọn dẹp để làm kho hàng cứu trợ. Trước nhà, chị hình thành điểm phát khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn miễn phí để ai cần thì đến lấy. Hàng cứu trợ được chị phân loại, sắp xếp, nơi nào gần và cần mặt hàng gì thì đưa tới trước.

“Có những ngày, vợ chồng tôi tự lái xe đi phát đồ ăn cho các chốt kiểm dịch, đội truy vết… Đồng thời, tôi tranh thủ nghe ngóng tình hình xem ở đâu còn thiếu gì, ghi chép lại và tiếp tục kêu gọi hỗ trợ. Cứ thế, tôi và cả gia đình quay như chong chóng. Có những đêm, trong giấc ngủ, tôi toàn mơ thấy khẩu trang với mì tôm”-chị Mai cười chia sẻ.

“Sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi dịch bệnh xảy ra”

Khoa Xét nghiệm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) có 19 nhân viên nhưng chỉ có 3 nam, còn lại là nữ. Từ tháng 4-2020 đến nay, hầu như tất cả cán bộ, nhân viên đều làm việc không lúc nào ngơi nghỉ. Công việc nhiều, áp lực lớn, phần đông lại là chị em phụ nữ nhưng mọi người động viên nhau cùng cố gắng.

Xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai. Ảnh Như Nguyện
Xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Trực tiếp làm việc ở labo xét nghiệm, chị Nguyễn Thị Hồng Tú chia sẻ: Lúc mới triển khai, 1 ngày chỉ có 30 đến 50 mẫu xét nghiệm. Đến đợt dịch thứ 2 thì số lượng mẫu xét nghiệm tăng cao. Từ ngày 29-1 đến nay, khi tỉnh ghi nhận ca dương tính đầu tiên với vi rút SARS-CoV-2 thì có ngày lên đến hàng trăm mẫu. Nhân viên làm việc không kể ngày đêm, không ai về nhà.

“Lúc đó, chúng tôi chỉ chú tâm vào công việc, quên cả ngày đêm, quên cả Tết. Lúc nào trên người cũng thường trực bộ đồ bảo hộ vô cùng bí bách. Khi đã khoác lên bộ đồ bảo hộ và vào phòng xét nghiệm thì không được phép ra ngoài, không dùng điện thoại… để đảm bảo an toàn phòng dịch. Mọi người làm việc với quyết tâm, nỗ lực cao nhất”-chị Tú tâm sự.

Trong 3 đợt dịch vừa rồi, chồng chị Tú cũng nhận nhiệm vụ đi chốt phòng-chống dịch. Hai con nhỏ phải nhờ ông bà nội ngoại và họ hàng chăm sóc. Chị Tú chính là người thực hiện mẫu xét nghiệm ghi nhận ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên tại tỉnh. “Sau khi có kết quả, tôi cũng chịu trách nhiệm chuyển mẫu sang Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để khẳng định lại và kết quả cũng chính xác như vậy”-chị Tú bồi hồi nói.

Từ ngày 29-1 trở đi, chị Tú cùng các đồng nghiệp trực chiến tại đơn vị. Đôi lúc nhớ nhà, nhớ người thân nhưng mọi người chỉ dám gọi điện thoại. “Kể cả khi bản thân có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2, tôi cũng không dám về nhà, một phần sợ rủi ro xảy ra lây nhiễm cho gia đình, phần khác sợ hàng xóm láng giềng e ngại khi biết mình làm trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với vi rút SARS-CoV-2”-chị Tú bày tỏ.

Đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, nhưng cuộc chiến chống dịch của chị Tú và các đồng nghiệp vẫn đang tiếp diễn. Mọi người vẫn luôn sát cánh, nỗ lực xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm với hy vọng sẽ đẩy lùi dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất.

Được tăng cường về Bệnh viện dã chiến tỉnh để điều trị bệnh nhân Covid-19 từ ngày 30 Tết, chị Lê Thị Kim Oanh (nhân viên Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh) lập tức sắp xếp hành lý lên đường nhận nhiệm vụ. “Lúc đó, tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ tự nhủ rằng đó là công việc và cũng là trách nhiệm. Đã là nhân viên y tế thì lúc nào cũng phải sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi dịch bệnh xảy ra”-chị Oanh bộc bạch.

Nữ cán bộ, nhân viên Khoa Xét nghiệm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) luôn lạc quan trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Như Nguyện
Nữ cán bộ, nhân viên Khoa Xét nghiệm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) luôn lạc quan trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Như Nguyện

Bệnh viện dã chiến có 61 nhân viên nhưng có đến 46 nữ. Mỗi người mỗi nhiệm vụ và đều có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 bất cứ lúc nào. Theo chị Oanh, công việc của hộ lý rất vất vả, phải lo từ việc dọn vệ sinh đến chăm lo từng bữa ăn cho bệnh nhân.

“Nhiều khi, bệnh nhân cáu gắt, mình cũng phải mềm mỏng, động viên vì hiểu tâm lý của họ rất lo lắng, hoang mang. Dần dần, mọi người hiểu nhau hơn và hợp tác tốt để cùng chiến thắng dịch bệnh”-chị Oanh nói.

Từ ngày 11-2 đến nay, chị Oanh cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện dã chiến tỉnh chưa được về nhà. Ai cũng xác định cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn. Chỉ khi nào tất cả bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh xuất viện, khi đó nhiệm vụ của họ mới hoàn thành.

MINH CHÂU-NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm