TN - Đất & Người

Những buôn làng trên vùng đất nam Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Lâm Ðồng hiện không còn nơi nào thật sự để gọi là vùng sâu, vùng xa nữa”, câu nói ấn tượng tôi được nghe từ già làng, người có uy tín ở các thôn, buôn trên miền đất nam Tây Nguyên.

Quả thật, có đi, có đến mới thấy hình ảnh “những con đường đất đỏ/lượn vòng trên cao nguyên” dần lùi vào ký vãng. Hôm nay, những con đường thênh thang trải nhựa đã nối dài những buôn xa.

nhung-buon-lang.jpg
Thành viên Tổ hợp tác cà-phê hữu cơ Oh mi Koho coffee đóng gói sản phẩm.

Lâu rồi, chúng tôi mới được trở về với bà con người Mạ, S’Tiêng phía thượng nguồn sông Ðồng Nai, miền đất “gian lao mà anh dũng” Ðồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Ðồng.

Hôm nay, Ðiểu Thị Trang ở thôn Bù Gia Rá chuẩn bị xuất chuồng lứa heo bản địa. Khuôn mặt chị rạng ngời, khi từ sáu con heo giống được xã hỗ trợ, giờ tổng đàn lên đến 30 con; cùng hơn 2 ha điều, sầu riêng được mua bằng tiền tích góp, mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Chị Trang nói vui: “Mình thuộc “lứa” thoát nghèo nhanh của xã. Nhờ nghị lực của gia đình và sự hỗ trợ của Nhà nước, mình đã xây được nhà và có chút của để dành”. Trong danh sách 34 hộ đăng ký thoát nghèo từ năm 2022, nào K’Rơ, Ka Quyết, Ðiểu K’Cơ, Ðiểu K’Ren... giờ cuộc sống đã cơ bản no đủ, nhờ chương trình hỗ trợ sinh kế của xã.

Dọc theo dòng Ðồng Nai, tôi đến xã Phước Lộc, huyện Ðạ Huoai để được nghe người có uy tín, “thủ lĩnh” Ka Hiên kể chuyện giúp nhau làm giàu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bà mở lời: “Xứ này trước đây nghèo lắm. Mình nghĩ mãi, với khí hậu ôn hòa, đất đai tốt tươi mà sao cứ nghèo chồng nghèo? Mình phải tiên phong thay đổi, thành công thì hướng dẫn bà con cùng làm. Buôn làng đổi mới, phát triển thì con người mới hạnh phúc”.

Bà Ka Hiên từng là Phó Chủ tịch UBND xã, Bí thư Chi bộ thôn, chồng bà cũng từng làm Trưởng thôn Phước Dũng, vùng đất được ví là “vựa cây ăn trái bên dòng Ðồng Nai”. Với quyết tâm “vươn tới hạnh phúc”, Ka Hiên cùng chồng bắt tay làm mẫu các mô hình phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2000, gia đình bà tiên phong chuyển đổi cây trồng phù hợp vùng đất, sau đó mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đã thành hộ giàu ở vùng có đông người Mạ sinh sống. Ngôi nhà mới xây được ví “biệt thự” giữa buôn làng đầy đủ tiện nghi, cùng ô-tô hơn 800 triệu đồng, thu nhập bình quân mỗi năm từ 700 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng… và gia đình Ka Hiên trở thành hình mẫu. “Có quyết tâm, có trí lực và khát vọng thì đất sẽ không phụ lòng người. Mình làm thành công rồi phải hướng dẫn cho bà con để cùng phát triển”, Ka Hiên nói.

Ðể “vui cái bụng”, bà đã trích một phần thu nhập của gia đình để cho bà con vay vốn không lãi suất. Nhiều gia đình như Ka Phượng, Ka Siệp, K’Rẹ, K’Ghẹm, K’Ven… giờ đã có của ăn, của để và họ không bao giờ quên “cái bụng tốt” của Ka Hiên. Cùng bà Ka Hiên dạo quanh buôn làng, lách dưới những vườn cây trái mới thấu sự đổi thay diệu kỳ ở vùng đất khó.

Xã Phước Lộc có hơn 3.060 người, đồng bào dân tộc thiểu số hơn 86%. Toàn xã có 159 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất giỏi. “Cuộc sống của bà con người Mạ và Cơ Ho, Tày, Nùng… nơi đây đã no ấm hơn nhiều rồi, trong đó có công của Ka Hiên”, già làng K’Giui nói.

Vùng đất cao nguyên Lâm Ðồng đổi thay thấy rõ. Giờ đây, những đôi chân của bà con người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, M’Nông bản địa và người dân tộc thiểu số từ nhiều vùng, miền Tổ quốc chọn cao nguyên này làm quê hương, giờ thoải mái đi về trên những cung đường như dải lụa vắt ngang những triền núi. “Giờ về buôn làng thường được nghe kể chuyện thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, chuyện chung tay xây dựng buôn làng; rồi chuyện gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống… sinh động lắm”, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Ðồng Bon Yô Soan chia sẻ.

Ở Tây Nguyên, sau những hạt lúa rẫy, lúa nương, cây cà-phê cũng đã gắn bó lâu đời với cư dân đại ngàn, góp phần tạo sinh kế và giúp nhiều buôn làng trở nên khá giả. Cùng với phát triển kinh tế, với mong muốn mang những hạt cà-phê ngon nhất do người Cơ Ho làm ra gửi tới mọi người, năm 2022, nhóm phụ nữ Cơ Ho ở xã Ðinh Trang Hòa, huyện Di Linh đã thành lập tổ hợp tác Oh mi Koho coffee. “Tên gọi này đơn giản là cà-phê của những người anh em Cơ Ho. Mình phải làm ra hạt cà-phê thơm ngon, chất lượng để khẳng định “thương hiệu” đó”, chị Ka Jan Lum, tổ trưởng Oh mi Koho coffee chia sẻ.

Hơn 5 năm trước, thành viên trong tám hộ của tổ hợp tác hiện nay là những người nông dân đầu tiên được “rời” buôn làng đi học mô hình canh tác hữu cơ. Với những gì đã học, họ trở về buôn làng và triển khai lối canh tác thuận tự nhiên. “Chúng tôi mong muốn hạt cà-phê Oh mi Koho coffee “tình anh em” trở thành biểu tượng của đoàn kết, đổi mới và cùng nhau phát triển”, chị Lum chia sẻ.

Hiện sản phẩm của Oh mi Koho coffee được chứng nhận OCOP 3 sao và điều quan trọng là nguồn thu nhập đã mang lại nụ cười cho những thành viên tổ hợp tác. Thời gian qua, Oh mi Koho coffee đón hàng chục đoàn là người dân tộc thiểu số khắp nơi trong tỉnh đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm. “Cách làm của Oh mi Koho coffee đã làm thay đổi cách nghĩ của chúng tôi”, anh K’Brèn ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Ðồng thổ lộ.

“Chuyện người Cơ Ho làm cà-phê sạch ở Lâm Ðồng còn nhiều, khó mà kể hết”, chị Lum tự hào. Quả thật, nào K’Chăm sang tận nước ngoài học cách làm để về nâng tầm thương hiệu cà-phê “Yũ M’nàng” của công ty mình; hay “K’Ho Coffee” của Rolan, “92 farm” của Uck Bondong… đang tỏa hương trên thị trường quốc tế.

Nắng lên. Ðường về xứ “mây ấp núi” Ðam Rông như dải lụa mềm “quấn” những triền thung. Bao đời nay, người M’Nông, Cơ Ho Cil ở vùng đất Ðạ M’rông của huyện “30a” một thuở đều thân thuộc với cây lúa nước, lúa nương. Bỗng điều “lạ lẫm” xuất hiện, khi năm 2016, Ma Rương, cô gái người Cơ Ho T’ring nảy ra ý tưởng “đưa” nương dâu, con tằm về xứ này.

Và mô hình kinh tế “rất mới” với cư dân bản địa bên dòng Krông Nô đã bước qua nếp nghĩ, trở thành sinh kế quan trọng của nhiều gia đình nơi đây. “Cây dâu, con tằm về với Ðạ M’rông như truyện cổ tích. Bởi lẽ, đây là thứ xa lạ với người dân tộc thiểu số bản địa quê mình. Giờ thì quen rồi”, chị K’Jiêng, một trong những thành viên đầu tiên của tổ hợp tác “cung ứng tằm con” do Ma Rương làm tổ trưởng, gợi chuyện. Theo K’Jiêng, từ ngày chuyển từ trồng lúa, trồng bắp một vụ sang trồng dâu, nuôi tằm, cuộc sống khá lên nhiều.

Ðạ M’rông đã xanh ngát nương dâu. Ðiều khó tin với nhiều người, kể cả lãnh đạo huyện. Bởi hình ảnh “nương dâu, con tằm” hầu như không có trong ký ức của cư dân bản địa nơi đây. “Trước đây, đồng bào dân tộc tại chỗ sợ con tằm bởi giống con sâu, mà ít ai biết chuyện. Khi huyện triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển cây lúa, cây bắp một vụ sang trồng dâu, nuôi tằm thấy bà con rụt rè. Tìm hiểu mới vỡ lẽ… Giờ điều đó đã hết “chuyện lạ”, trở thành sinh kế mới”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðam Rông Liêng Hót Ha Hai kể.

Giờ đây, nghề tằm tang đã lan tỏa đến nhiều hộ dân trong vùng, toàn xã có hơn 300 hộ theo nghề. Tổ hợp tác của Ma Rương đã thành Hợp tác xã dâu tằm Ðạ M’rông và cô vẫn đảm nhiệm “đầu tàu”.

Cùng với chuyện thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, trên hành trình về những buôn làng trên vùng đất nam Tây Nguyên, tôi được nghe già Ya Loan ở huyện Ðơn Dương kể chuyện “sắp xếp” lại bản ngữ của dân tộc Chu Ru, hợp tác hoàn thiện cuốn từ điển Chu Ru-Việt hơn 10 nghìn mục từ; rồi chuyện đứng lớp dạy tiếng Chu Ru cho cán bộ, công chức địa phương và cho cả lớp trẻ đồng tộc đang vơi dần vốn ngôn ngữ mẹ đẻ. Cũng ở vùng này, nhiều người rành chuyện Nghệ nhân Ưu tú Ma Bio “hồi sinh” những vũ điệu tamya yểu điệu của người Chu Ru, chuyện bà dạy cồng chiêng, dân vũ cho lũ trẻ.

Ở huyện Ðam Rông, chuyện người uy tín Ða Cát Tư làm sách được nhiều người truyền tụng. Từ trách nhiệm và tình yêu văn hóa dân tộc mình, ông đã sưu tầm, biên soạn thành sách “Tác phẩm văn hóa dân gian dân tộc M’Nông”, với những bài ca dao, tục ngữ, hát khan… và truyện cổ tích để truyền lại cho thế hệ mai sau.

Dưới chân núi mẹ Lang Biang, huyện Lạc Dương, bao năm qua, già Păng Ting Uốk luôn miệt mài gìn giữ văn hóa dân tộc, giữ “cái chữ, cái tiếng” của người Cơ Ho. Ông ngày đêm miệt mài truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cho thế hệ trẻ và cán bộ, công chức; đồng thời, sưu tầm một số phong tục, tập quán, bài ca cổ, ca dao, tục ngữ… để truyền tải văn hóa người Cơ Ho đến học viên. Trên vùng đất đại ngàn này, còn rất nhiều câu chuyện sinh động khó để kể hết!

Lâm Ðồng có dân số hơn 1,54 triệu người, với 47 dân tộc anh em; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số hơn 24,5%, sinh sống hầu khắp 142 đơn vị hành chính cấp xã, nhưng tập trung ở 78 xã vùng dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh. Ngày nay, đi trên những cung đường nối những thôn, buôn từ cao nguyên Lang Biang đến miền cây trái bên dòng Ðồng Nai, được ngắm nhìn bức tranh mới của sự đổi thay.

5 năm qua, cùng với nguồn lực đầu tư chung để phát triển kinh tế-xã hội toàn tỉnh, tổng nguồn lực đầu tư dành riêng vùng dân tộc thiểu số tại địa phương hơn 1.264 tỷ đồng. Nhờ đó, kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số đã chuyển biến rõ nét, thu nhập bình quân đầu người gần 45 triệu đồng, có 76/78 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ðiều đáng chú ý, toàn tỉnh có 353 doanh nghiệp do người dân tộc thiểu số làm chủ; 10 chủ thể là người đồng bào dân tộc thiểu số, với 13 sản phẩm OCOP hạng 3 sao; hơn 50 hợp tác xã, tổ hợp tác do người dân tộc thiểu số đứng đầu. “Những kết quả này là minh chứng rõ nét cho sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Ðồng trong hành trình xây dựng và phát triển quê hương”, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Ðồng Nguyễn Thái Học bày tỏ.

Theo Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO (NDO)

Có thể bạn quan tâm