Xã hội

Những chính sách pháp luật có hiệu lực từ đầu tháng 12/2018

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bắt đầu từ ngày 01/12, nhiều chính chính sách pháp luật có hiệu lực thi hành. Trong đó có các chính sách về: Quy định hình sự về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm; Bảo hiểm y tế; Xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi; Kinh doanh dịch vụ cơ sở đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe có hiệu lực pháp luật.
 

 

Hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã

Kể từ ngày 01/12, Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự và Điều 106 về xử lý vật chứng trong giai đoạn xét xử của Bộ luật Tố tụng hình sự bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm của người khác nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt tương ứng quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự.

Người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm sau đó lại thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã hoặc tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.


 

Hành vi chiếm đoạt cá thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nguồn Internet.
Hành vi chiếm đoạt cá thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nguồn Internet.



Trong khi đó, trường hợp trong cùng một vụ việc, nếu thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự, thì người có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Học sinh, sinh viên được nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế

Nội dung này được ghi nhậnNghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Nghị định này có hiệu lực từ 01/12.

Theo đó, có 4 đối tượng được nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều; Học sinh, sinh viên; Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, nhóm đối tượng gồm: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;   Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ; Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành; Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế.

Nhóm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức; Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật sẽ do người lao động và người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế.

Tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe


 

Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở. Nguồn Internet.
Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở. Nguồn Internet.



Theo quy định tại Nghị định số 138/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ cơ sở đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe: Giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên, giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên.

Giáo viên dạy thực hành lái xe đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2; Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 03 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 05 năm trở lên kể từ ngày trúng tuyển; Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe cho giáo viên thuộc các cơ sở đào tạo thuộc cơ quan trung ương do Bộ Giao thông vận tải giao; Sở Giao thông vận tải cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe cho giáo viên thuộc các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý.

Nghị định số 138/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12.

Phúc Khang (baotainguyen)

Có thể bạn quan tâm