Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Những chuyện chưa biên chép về Anh hùng Ngô Mây

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tại hội thảo khoa học về Di tích lịch sử Chiến thắng Suối Vối-Rộc Dứa do UBND thị xã An Khê vừa tổ chức, tôi gặp lại ông Ngô Đức Bích (SN 1955, trú tại thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ông Bích là con trai của cụ Ngô Diện, em kế Anh hùng Ngô Mây. Chúng tôi cùng ôn lại câu chuyện về người chiến sĩ ôm bom cảm tử năm 1947, trong đó có cả những chi tiết chưa từng được biên chép.

Còn nhớ, trong lần gặp nhau dịp Tết vừa rồi, ông Bích đã thực sự làm tôi ngạc nhiên khi nhìn ra cửa sổ và nói: Trước kia, mộ của ông Bảy (tên gọi theo thứ trong gia đình của Anh hùng Ngô Mây) ở đây. Nghĩa là, mộ ở ngay trong sân nhà mình, tôi hỏi lại và được ông Bích xác nhận. Tôi đã đọc hồi ký “Lên đàng-Hành trình vạn dặm” (Nhà xuất bản Văn học, 2012) của Đại tá Quách Tử Hấp và “Một đời quân ngũ” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2010) của Thiếu tướng Đoàn Y Thanh, 2 người chỉ huy trận Rộc Dứa, Suối Vối (An Khê) năm 1947, nơi Ngô Mây đã ôm bom cảm tử, tiêu diệt một trung đội lính Pháp cùng nhiều phương tiện chiến tranh. Theo các tài liệu, sau tiếng nổ long trời lở đất khiến cháy cả xe bọc thép, thân thể Ngô Mây đã hòa vào đất trời, chỉ còn sót lại mảnh khăn quàng đỏ vướng trên một cành cây cao. Vậy sao lại có nấm mồ này?

 Ông Ngô Đức Bích thắp hương trước bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây tại phường Ngô Mây, thị xã An Khê. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông Ngô Đức Bích thắp hương trước bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây tại phường Ngô Mây, thị xã An Khê. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ


Ông Bích thuật lại chuyện xưa theo lời kể của cha mình (ông Ngô Đông) lúc sinh thời: Năm 1947, sau ngày diễn ra trận chiến Rộc Dứa, Suối Vối một thời gian, 2 người anh em ruột của liệt sĩ Ngô Mây là ông Ngô Vân và ông Ngô Diện đã cùng mẹ là bà Phạm Thị Quỳ theo chân một số cán bộ, chiến sĩ thuộc Đại đội Quyết tử 51A bí mật trở lại An Khê. Lúc này, ông Ngô Đông đang dưỡng bệnh nên không thể lên mạn ngược đi tìm con trai. Sau nhiều ngày đi bộ, ở một địa điểm thuộc khu vực chiến địa, các thân nhân liệt sĩ đã làm một hình nộm rơm, mặc quần áo giấy cho hình hài ấy, cúng bái rồi lặng lẽ rước linh hồn người đã mất trở về quê hương. Tại khuôn viên nhà mình ở làng Vân Triêm, nay là thôn Chánh Hội, cùng với chính quyền xã, gia đình đã tổ chức chôn cất hình nộm mang về từ An Khê và đắp cho liệt sĩ Ngô Mây một nấm mộ gió, bao quanh bằng đá ong. Cũng từ đó đến nay, gia đình thường xuyên làm giỗ ông Bảy vào ngày 29 tháng 9 âm lịch hàng năm.

Ngôi mộ gió đơn sơ, gần gũi với tất thảy mọi người trong đại gia đình Ngô Mây và làng xóm. Năm 1992, được sự đồng ý của những người thân trong gia đình, chính quyền xã Cát Chánh đã chuyển phần mộ này ra nghĩa trang liệt sĩ xã, nay là Nghĩa trang Liệt sĩ Chánh-Tiến (nghĩa trang chung của xã Cát Chánh và thị trấn Cát Tiến). Người viết bài này đã đến Nghĩa trang Liệt sĩ Chánh-Tiến, tận mắt thấy ngôi mộ Anh hùng Ngô Mây trang trọng tọa lạc ở vị trí trung tâm, hai bên có 602 phần mộ liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến của dân tộc.

Gặp nhau tại An Khê, tôi hỏi ông Bích một chi tiết tế nhị mà khi ở Phù Cát đã không tiện nêu: Vì sao cả gia đình và Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây tại thôn Chánh Hội không thấy hình thờ liệt sĩ Ngô Mây? Ông Bích cho hay, bác Ngô Mây tham gia quân đội không lâu thì hy sinh nên không có di ảnh. Tấm hình đen trắng lưu truyền trên mạng, thậm chí được in trong trong một số bài báo, cuốn sách hoàn toàn không phải là chân dung của Anh hùng Ngô Mây. Khi còn sống, so với anh em trong gia đình, ông Ngô Diện có gương mặt giống liệt sĩ Ngô Mây nhất nên thường được mời chụp ảnh, làm mẫu để đúc tượng cho anh trai mình. Tại Bình Định, tượng Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây từ khá sớm đã được dựng ở Công viên Ngô Mây (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát). Trước đó, khoảng năm 2000, bên cạnh cột cờ, Trường THCS Ngô Mây ở thị trấn này cũng đặt tượng bán thân của người anh hùng ôm bom cảm tử.

Lần đầu tiên đến thị xã An Khê, được tận mắt thấy mảnh đất mà người bác ruột của mình đã hy sinh vì Tổ quốc khi xưa, ông Bích không giấu được xúc động. 25 năm trước, cha ông đã được mời lên đây dự buổi lễ khánh thành công trình Nhà bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây. Bây giờ, hầu hết những người cùng thời với Anh hùng Ngô Mây đều đã mất. Tuy thế, từng là người lính, hiện đang được chính quyền địa phương giao trông coi, hương khói ở Khu tưởng niệm người bác của mình ở ngay quê hương, ông Bích thấy vui và tự hào. Theo ông, như vậy là nhiều nơi trên đất nước ta, đặc biệt là tại Bình Định và An Khê, Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây vẫn luôn được các thế hệ sau nhớ đến, thờ phụng.

Khi về thăm Phù Cát, tôi đã có nhiều trải nghiệm ở Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây. Được xây dựng tại thôn Chánh Hội, năm 2017, có thể nói đây là một địa điểm rất xứng đáng dành cho việc tri ân một anh hùng liệt sĩ đặc biệt và giáo dục thế hệ trẻ lý tưởng cách mạng. Trên diện tích đất hơn 2 ha, hạng mục nhà tưởng niệm có diện tích 135 m2, chiều cao 7,5 m. Tổng mức kinh phí đầu tư trên 5 tỷ đồng, Khu tưởng niệm khang trang với khoảng sân rộng, nhiều hoa, cây xanh, có tường rào bao quanh, cửa ngõ, trụ cờ, bia đá; công trình có điện nước đầy đủ, phía sau có vườn cây, nhà vệ sinh, bồn rửa tay khá hiện đại. Khi tôi đang viết những dòng này, ngay trong khuôn viên Khu tưởng niệm, một ngôi nhà mới rộng hơn 80 m2 dành cho khách đến tham quan dừng chân nghỉ ngơi, sinh hoạt đang được hoàn thiện.

75 năm đã trôi qua nhưng tiếng bom cảm tử của Anh hùng Ngô Mây như vẫn còn vang vọng. Được sự đồng ý của UBND tỉnh, trong một nỗ lực tri ân những người đã không tiếc máu xương vì nền độc lập của đất nước, thị xã An Khê đang gấp rút hoàn thành hồ sơ di tích cấp tỉnh Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây, tại khu vực chiến địa Rộc Dứa, Suối Vối năm xưa. Hy vọng hồ sơ sẽ sớm được công nhận và sự kết nối về du lịch giữa An Khê và Phù Cát ngày càng thêm bền chặt, hiệu quả.   

 

 NGUYỄN QUANG TUỆ
 

 

Có thể bạn quan tâm