(GLO)- Vua Gió-tiếng Jrai là Pơtao Angin. Bởi làm “vua” của gió nên suốt đời “ngài” phải đi bộ nếu không sẽ bị… gió gọi đi. Và có lẽ vì quan niệm nước, lửa và gió không thể dung hòa nên dù cùng sống gần nhau, cùng làm một việc là cầu trời cho mưa thuận gió hòa, Vua Gió phải kiêng không được giáp mặt Vua Nước (Pơtao Ia) và Vua Lửa (Pơtao Apui).
Ngày mới lên Gia Lai, tôi đã nghe đồng bào Jrai ở huyện Chư Prông kể về Vua Gió. Theo họ, ngày xưa, tầm ảnh hưởng của vị “vua” này cũng không thua kém gì Vua Lửa và Vua Nước. Tuy nhiên, trong thư tịch triều Nguyễn lẫn ghi chép của các nhà truyền giáo người Pháp cũng không thấy tài liệu nào nói đến Vua Gió. Điều này đã khiến tôi nghĩ rằng Vua Gió có lẽ chỉ là một truyền thuyết chứ không phải hiện hữu bằng xương bằng thịt như các vị Vua Lửa, Vua Nước… Cho đến khi được tiếp xúc với bà H’Nhriu (làng Plei Măng, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) là con gái của Siu Bam-vị Vua Gió cuối cùng, tôi mới biết đây là một hiện tượng tín ngưỡng có thật. Theo bà thì Siu Bam, cha bà là vị Vua Gió thứ 5 và cũng là đời “vua” cuối cùng, mất năm 1988. Trước Siu Bam đã có 4 đời Vua Gió kế tục nhau. Nếu đúng như vậy thì hiện tượng Vua Gió đã có cách nay chí ít cũng đã mấy trăm năm, song hành với sự tồn tại của các vị Vua Lửa, Vua Nước.
Vua Gió-tiếng Jrai là Pơtao Angin. “Pơ tao” có nghĩa là người đứng đầu. “Vua” là cách nói theo nghĩa tiếng Việt. Cũng như Pơtao Apuih và Pơtao Ia, “vua” ở đây chỉ thuần túy mang tính thần quyền, có vai trò như một vị phù thủy. Người Tây Nguyên quan niệm ngoài 2 yếu tố quyết định sự sống của con người là nước và lửa thì gió cũng có vai trò chi phối rất lớn. Đất cao nguyên bốn mùa lộng gió. Không có gió mang mây đến thì cũng không thể có mưa và như vậy cũng có nghĩa là không có… nước. Là người đứng đầu một yếu tố chi phối cuộc sống của con người, công việc trọn đời của “vua” là trời nắng hạn thì cầu gió gọi mưa. Gió to, mưa lớn quá thì cúng cầu cho tạnh. Suốt đời “vua” không dính dáng gì đến chuyện cai trị mang tính hành chính thế tục…
Nghe bà H’Nhriu kể, tôi nhận ra, Vua Gió cũng tuân thủ mọi nguyên tắc hành xử theo quy ước của cộng đồng tương tự các vị Vua Lửa và Vua Nước. Chẳng hạn các Vua Gió kế vị không theo chế độ cha truyền con nối. Người nào trong họ cũng có thể làm “vua” miễn là thuộc dòng họ Siu. Người làm “vua” phải được cả dòng họ và cộng đồng thừa nhận với những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt: không được uống rượu say, ăn uống tạp; không được làm điều ác, không trai gái bậy bạ… Nói tóm lại là nhân cách đạo đức phải hơn hẳn mọi người. Tuy nhiên, có điều khác biệt là: Bởi làm “vua” của gió nên suốt đời “vua” phải đi bộ nếu không sẽ bị… gió gọi đi. Và có lẽ bởi quan niệm nước, lửa và gió không thể dung hòa nên dù cùng sống gần nhau, cùng làm một việc là cầu trời cho mưa thuận gió hòa, Vua Gió phải kiêng không được giáp mặt Vua Nước và Vua Lửa.
Các già làng kể rằng, dạo năm 1980, Vua Gió Siu Bam được mời đi dự lễ bỏ mả ở làng Tơ Nul. Vừa vào cuộc, chợt thấy Vua Lửa Siu A Luyn (Pơtao Apuih đời thứ 14, nay đã mất) đi ngang qua liền mời vào cùng uống rượu… Việc “bước qua lời nguyền” này đã dẫn đến một kết cục tai hại: Khi hai “vua” vừa giáp mặt nhau, một cơn gió lốc bỗng đâu kéo đến khiến trời đất tối tăm, bụi cát mịt mù. Mái nhà họ đang ngồi bằng tôn vững chãi là thế mà bị gió cuốn tung. Hai vị “vua” và những ai ngồi quanh bị gió hất mỗi người một phương khiến dân làng một phen khiếp đảm (!).
Trong ký ức các già làng, lễ gọi gió cầu mưa của Pơtao Angin xưa được tiến hành khá trọng thể. Trước hôm diễn ra nghi lễ ở làng nào, dân làng đó phải nghỉ việc để tắm rửa, dọn vệ sinh nhà cửa cho sạch sẽ. Gò đất cao nhất làng thường là nơi được chọn để làm lễ. Tuy nhiên, lễ vật chỉ giản dị là một con gà, ít thịt heo, rượu cần được đựng trong các vật dụng dùng để hành lễ của “vua”… Vào lễ, “vua” trong bộ trang phục màu trắng cùng 2 người phụ việc, 5 người già nhất làng sẽ bước lên đàn. Sau lời khấn, “vua” đưa thanh kiếm thiêng chỉ lên trời niệm chú. Cùng lúc chiêng trống khắp làng nổi lên dồn dập, trợ oai cho “vua” gọi gió đẩy mưa về.
Tuy chiếm được sự tín nhiệm tín ngưỡng của đồng bào Jrai một vùng khá rộng, bao gồm thị xã Ayun Pa, các huyện Phú Thiện, Ia Pa, lan đến cả Chư Sê, Chư Prông và Krông Pa ngày nay, nhưng nhìn chung Vua Gió gần như không có một sự ngăn cách đáng kể nào đối với những người dân bình thường. Khác với những lệ tục mang tính quy ước của Vua Lửa và Vua Nước như: Nhà ở phải nằm riêng một góc làng, phải dựng đúng con số 5 hoặc 7 gian. “Vua” phải ở riêng một gian, ăn uống riêng, đồ dùng riêng; cũng phải đi làm rẫy để kiếm sống như người thường nhưng phải một khu vực riêng, giọt nước tắm cũng riêng.
Đặc biệt với Vua Nước, không một người nào được phép đến gặp “vua” tại nhà, ngay cả con cái đã đi lấy vợ, lấy chồng cũng vậy. Trừ những lúc đi làm rẫy, “vua” chỉ ra ngoài lúc làng nào có dịch bệnh hay nắng hạn phải cúng. Mỗi chuyến “xuất cung”, “vua” thường cưỡi voi và đem tất cả người phụ việc cùng với đồ dùng riêng theo. Đến làng nào “vua” cũng được đón tiếp cực kỳ long trọng nhưng chỉ người già mới được giáp mặt. Tất cả những người dưới 50 tuổi phải ngồi im trong nhà. Người ta tin rằng ai thấy mặt “vua” mà không có lễ cúng thì sẽ bị ốm đau, thậm chí có thể chết. Không những thế, tất cả những gì mà “vua” đã chạm đến đều là linh thiêng, không ai được quyền đụng đến!
Phải chăng vì thiếu những quy ước mang tính thần quyền khắt khe như Vua Lửa, Vua Nước mà các đời Vua Gió chỉ đóng vai trò là những thầy cúng đơn thuần, không được sử sách hay các nhà truyền giáo Pháp để tâm ghi chép?
NGỌC TẤN