Xã hội

Những con đường làm từ sức dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Những con đường được làm từ sức dân cho thấy ý thức cộng đồng trách nhiệm cùng san sẻ khó khăn với chính quyền để hạ tầng đô thị thêm khang trang, sạch đẹp”-ông Đinh Như Hải-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê-khẳng định.
Mùa thu hoạch cà phê năm nay, bà con xóm Thanh Bình (làng Tốt Biớch, thị trấn Chư Sê) rất phấn khởi bởi con đường bê tông thẳng tắp nối từ đường Hồ Chí Minh chạy thẳng đến cuối xóm vừa được hoàn thiện. “Tuyến đường này được Nhà nước đầu tư thảm nhựa từ năm 2006. Sau nhiều năm sử dụng, mặt đường đã hư hỏng nhiều. Lo ngại mất an toàn giao thông, bà con trong xóm đã họp bàn và thống nhất đề xuất UBND thị trấn Chư Sê cho phép nhân dân tự đóng góp để cải tạo tuyến đường”-Phó Trưởng thôn Mai Trung Trường cho biết. 
Xóm Thanh Bình có 225 hộ với 1.100 khẩu. Cuộc sống của bà con tuy chưa khá giả nhưng tấm lòng luôn hào hiệp. “Bà con thống nhất hộ nào nằm ở mặt đường đóng góp 3 triệu đồng, hộ nào có đất hoặc vườn rẫy ở gần đó đóng góp 1 triệu đồng. Sau khi kêu gọi đóng góp, việc cải tạo toàn bộ tuyến đường được hoàn thành trong  25 ngày”-ông Trường phấn khởi thông tin. Với sự đóng góp này, tuyến đường chính của xóm Thanh Bình dài 462 m, nền đường rộng 3 m và có đầy đủ hệ thống cống thoát nước với tổng chi phí 178 triệu đồng. 
Chị Trần Thị Ngọc đi trên con đường do chị đứng ra kêu gọi, huy động thảm nhựa. Ảnh: Lê Hòa
Chị Trần Thị Ngọc đi trên con đường do chị đứng ra kêu gọi, huy động thảm nhựa. Ảnh: Lê Hòa
Tương tự, từ đầu năm đến nay, tại tổ dân phố 12 đã có 3 tuyến đường nhánh tổng chiều dài 1,3 km được thảm bê tông nhựa từ sự đóng góp của người dân. Ông Nguyễn Ánh Dương-Tổ trưởng tổ dân phố 12-cho hay: “Trước nhu cầu bức thiết, bà con sẵn lòng đóng góp và kêu gọi mọi người chung tay góp sức để làm đường”.
Theo ông Mai Trung Trường: “Thực tế khi triển khai, không phải ai cũng đồng lòng ngay. Vấn đề đặt ra là làm sao quy tụ được mọi người, làm sao thống nhất vì mục tiêu chung của cộng đồngg”. Ông Trường chia sẻ, trong suốt quá trình làm, xóm đã lập ra ban kiến thiết gồm cán bộ thôn, người có uy tín trong cộng đồng, người am hiểu về xây dựng để cùng bàn bạc, thống nhất. Ngoài ra, từng đồng tiền bà con đóng góp, từ loại vật liệu gì, chi phí bao nhiêu đều được công khai, minh bạch. 
Chị Trần Thị Ngọc chia sẻ một câu chuyện khác: “Nhà tôi ở mặt đường chính nên thực tế rất ít khi đi về hẻm bên hông. Tuy nhiên, vào mùa mưa, các cháu học sinh trong xóm đi học vượt đoạn đường đất bị lấm lem bùn đất thường ghé nhà tôi xin nước rửa chân tay rồi mới tiếp tục đến trường. Điều này khiến tôi suy nghĩ. Nhân lúc Tập đoàn Đức Long Gia Lai sửa chữa mặt đường đoạn trước nhà, thấy lớp bê tông mặt bị bóc ra thay thế còn dùng tốt, tôi liền nảy ra ý định mua về để thảm lại vào con đường hẻm”. 
Một mình nhà chị Ngọc lo không xuể cho tuyến đường hẻm dài 250 m. Vậy nên chị đến từng nhà vận động bà con cùng làm. “Ban đầu, nhiều người nghĩ tôi có mục đích cá nhân nhưng mặc kệ. Tôi nghĩ: Chỉ có lúc này mới tận dụng được nguồn vật liệu vừa rẻ, vừa phù hợp mới có thể “đổi số” cho con đường được, chứ đợi đầu tư làm mới sẽ rất lâu. Vậy nên tôi bỏ tiền túi ra mua vật liệu cho xong đã rồi tính sau. Ngày xe đổ vật liệu dọc đường hẻm, tôi huy động người nhà ra làm. Thấy vậy, mọi người hiểu ra, chẳng ai bảo ai gọi nhau tập trung mang cuốc, xẻng ra cùng làm. Không khí từ đấy khác hẳn. Sau này, mọi người cũng tự nguyện san sẻ phần kinh phí ấy với tôi”-chị Ngọc cho biết.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm