Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Những con mèo trong thành phố - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bậc thềm phủ những mảng rêu trước ngôi nhà nhỏ trong con phố cũ kỹ là nơi Hoài đã quen mắt với cái dáng ngồi chải lông mèo của cô chủ nhà gầy gò.

Minh họa: Văn Nguyễn
Minh họa: Văn Nguyễn


Cô hay mặc một chiếc váy trắng, đôi khi là một chiếc sơ mi trắng giấu trong áo len chui cổ màu rêu. Đôi mắt cô gần như không gắn với gì khác ngoài bộ lông mèo. Con mèo hẳn rất lười. Đúng vậy, gần như nó chẳng cần phải làm sạch bộ lông bằng chiếc lưỡi như những con mèo khác. Việc làm sạch đã có cô chủ lo. Nó sướng đến mức Hoài nghĩ nó sẽ lăn đùng ra chết nếu cô chủ không chải lông cho nó, vào một ngày nào đó.

Hoài vẫn hay mượn cớ tạt vào cho con mèo ít chả cá béo ngậy chỉ để nghe được câu chào nhẹ như hơi thở của cô gái nhỏ. Con mèo lười đến mức chẳng thèm nhảy chồm lên vồ lấy thức ăn như bọn mèo quanh nhà Hoài. Nhưng chỉ một loáng sau thì mấy miếng chả cá cũng bốc hơi, lớp dầu bóng loáng còn dính quanh mép nó. Hoài luôn luôn quay trở lại để biết chắc rằng món quà mình tặng không vô ích. Cô gái nựng yêu cái chóp mũi màu hồng ướt rượt của nó. Mắt cô lúng liếng niềm vui. Lúc đó, Hoài chẳng cần ăn bất cứ thứ gì mà bụng vẫn thấy no nê.
 

Minh họa: Văn Nguyễn
Minh họa: Văn Nguyễn



Từ khi đến thuê trọ trong căn nhà nhỏ, Hoài chỉ có cô gái làm bạn, dù họa hoằn lắm cô bạn ấy mới hỏi anh vài điều tưởng chẳng liên quan gì. Cô cũng chẳng cần biết Hoài từ đâu đến, đang làm gì. Cô bình thản đến mức Hoài tưởng chừng cô chẳng nhận ra bao nhiêu khuôn mặt đã lướt ngang qua mình mỗi ngày. Mỗi sớm mỗi chiều cô đều ngồi ở bậc thềm chải lông mèo. Hình như cô chẳng có việc gì để làm ngoài việc làm ô sin cho con mèo cưng của mình. Cô chăm bẵm cưng nựng nó còn hơn một người mẹ cưng nựng con mình.

Những cô gái yêu mèo, họ sẽ không thể yêu ai khác hơn những con mèo!

Đó là chân lý Hoài lượm được từ bà cụ sống cùng cô ấy. Bà bảo:

- Nó không yêu thương ai được đâu! Tôi nói thật đấy. Cậu đừng phí thời gian với nó.

- Bà ơi, cháu… cháu chỉ muốn được làm bạn với cô ấy! Cháu cũng yêu mèo.

Bà già mỉm cười, khoe những cái răng nhuộm đen bóng như hạt na lưa thưa còn sót lại:

- Ai cũng nói như vậy hết. Nhưng rốt cuộc cũng chỉ còn lại bà già này chịu đời với nó thôi!

- Cháu sẽ không như vậy đâu bà! Bà yên tâm!

- Bà cũng mong vậy! Chứ nhỡ mai bà đi chơi xa một chuyến không về, không biết nó sẽ ra sao!

Trong những đêm mộng mị ma quái giữa căn nhà nhỏ bé, bà nhìn thấy những chiếc vòi to lớn đầy gai như vòi con quái vật gớm ghiếc luôn thắng bà trong việc giành lấy cô cháu gái. Bà bị hút vào những luồng tối thâm u với âm thanh rền rĩ từ một nơi nào đó xa thẳm vọng về. Năng lượng trong người bà đang dần cạn kiệt và không bao giờ có thể rót đầy được nữa. Tim bà thắt nghẹn khi tưởng tượng cô khóc rạc người thương bà và thương mình bơ vơ cõi tạm. Hơn ai hết, bà thấu tận tâm can cái cảm giác chới với giữa cuộc đời rộng lớn này mà không có bàn tay nào chìa ra kịp lúc để mình nắm níu, không có một ai để mình nương náu yêu thương.

Bà phải làm cái gì đó, trước khi những giọt nước mắt của cô rơi xuống.

***

Bà mang cho Hoài một xấp tranh. Những bức vẽ bằng bút chì đen trên mặt trống của tờ giấy lịch khổ lớn. Bà già rồi, bà làm gì có tiền để cho con bé đi học vẽ như người ta. Vả lại, nó là đứa kiệm lời, học hành với thầy cô mà cứ im ỉm suốt thì thầy cô nào có thể dạy nổi.

- Nhưng cô ấy vẽ đẹp lắm bà ạ!

- Thật không? Mắt bà mờ lắm. Cậu xem thử nó vẽ gì thế?

Mèo, đương nhiên rồi. Con mèo hiện ra trong nét vẽ thật hiền lành.
Nhưng đôi mắt nó dường như lúc nào cũng rười rượi. Là một con mèo buồn bà ạ!

- Còn gì nữa không?

Hoài không thể đoán được những bức còn lại cô vẽ gì. Có bức chỉ là một chấm nhỏ giữa một vòng móp méo, đứt gãy và rời rạc. Vài chiếc lá, vài đường cong cong và hơi rối như là… tóc. Hoặc những sợi chỉ, hoặc dây diều cũng nên. Có lần Hoài cũng bắt gặp cô đi xem người ta thả diều, trên tầng thượng một căn nhà cũ nơi đầu phố. Cô không biết chơi diều, chỉ ngồi thụp trên sàn, ngóng theo cánh diều chỉ còn là một vệt màu nhỏ xíu, có khi ngang bằng một chiếc máy bay lướt qua, khi lại chấp chới như muốn rơi vào thinh không. Những lúc cánh diều đã hun hút tận chân mây, Hoài thấy mắt cô mọng nước. Đôi tay lại quơ quào lấy cổ con mèo, ôm siết khiến con mèo hoảng hồn trừng mắt nhìn cô kinh hãi. Hoài chẳng lạ gì cảm giác chới với đó. Cô còn có cái cổ mèo để bám víu. Hoài thì không.

Năm tháng đó, những mảng tường vôi vữa tróc lở rơi vụn ra theo từng nhát búa chát chúa ba nện vào vẫn dội lại những âm thanh run rẩy trong tim Hoài. Mẹ đứng sững giữa ngõ nhà, tay đấm thùm thụp vào ngực trái.

- Là tại tôi, tại tôi hết. Ông giết tôi đi, giết đi!… rồi tha cho thằng Hoài!


Hoài đã bỏ chạy sau tiếng hét như nổ tung lồng ngực của mẹ. Hoài chạy thục mạng, đằng sau anh là một con quái vật hiện hình trên thân thể ba mình. Hoài chạy mãi. Đến bây giờ, sau hơn hai mươi năm, mỗi khi đi trên đường, anh vẫn cắm cúi chạy mải miết mà không dám quay đầu. Anh sợ cảm giác chới với nếu quay đầu lại. Khuôn mặt mẹ, tiếng hét của mẹ mỗi đêm vẫn dội vào cơn mơ hoang hoải bã bời.


Chỉ khi anh gặp cô, những cơn ác mộng dần rời đi, khi anh chỉ thấy toàn lông mèo trong giấc ngủ. Đôi khi anh thấy vía mình là một con mèo, nhẹ nhàng trườn hết mái tôn này đến mái tôn khác. Con mèo đi tìm một thứ gì không rõ hình hài. Chỉ đến khi nó sẩy chân rơi tõm xuống mái hiên, rơi vào đôi tay êm ái của cô, trong thời khắc nhanh như hơi thở, nó nhận ra cái mình kiếm tìm bấy lâu nay. Và cũng nhận ra mình từng là một con mèo cô đơn nhất trên đời.

***

Hoài ngồi cùng bà bên khung cửa sổ, nơi có cây bàng lá đỏ đang tha thiết nhớ nhân tình bằng cách rải những chiếc lá úa xuống đất. Ở đầu phố cũng có một cây bàng như thế. Mùa đông là mùa những cây bàng bắt đầu viết thư tình. Chúng viết cho nhau những lá thư buồn bã. Nhưng cuối mùa, những mầm non lại lích nhích bung đọt trên thân cây, mọc lên thứ tình yêu mát lành khác. Hoài và cô, người đầu phố người cuối phố, có xa xôi mấy mà sao khó mở lời. Đôi lần Hoài muốn tặng cô một vài thứ nho nhỏ, lãng mạn vừa đủ, bắt chước theo hội bạn đi tán gái nhưng hầu như anh đều phải tiu nghỉu mang về cất hoặc cho em họ xài. Hay cô ấy không phải tuýp người lãng mạn? Hoài sắm hẳn một chiếc smartphone màu hồng nữ tính. Có nó, Hoài sẽ tỏ tình dễ dàng hơn bằng những tin nhắn mùi mẫn hoặc những cuộc gọi vào lúc không ngờ nhất. Chắc chắn cô ấy sẽ đổ! Mình chẳng cần viết thư tình sến súa như hai cây bàng ngớ ngẩn kia. Hoài bật cười đắc ý.

Bà già ý tứ dò hỏi Hoài:

- Bà có việc phải cậy nhờ cậu, không biết… cậu có sẵn lòng?

Hoài áp tay lên bàn tay buốt giá của bà:

- Bà cứ nói đi bà!

- Cậu hãy nuôi con mèo này giúp bà nhé! Cậu thương nó lắm mà, đúng không?

Hoài sửng sốt. Sao bà lại gửi mèo cho Hoài nhỉ? Cô ấy đâu?

- Nhưng nó là của cô ấy mà bà?!

- Từ giờ, nó không nuôi mèo nữa…

Cô sẽ không nuôi mèo nữa. Cô sẽ đi theo ba mẹ của mình. Sau bao nhiêu năm thất lạc, họ đã lần ra manh mối và quỳ xuống van xin bà cho họ chuộc lại lỗi lầm. Bà cũng như người đuối nước vớ được phao. Rồi cô sẽ tìm được nơi nương tựa suốt quãng đời còn lại. Bà sẽ thôi không lo sợ điều gì nữa.

Bà tiễn cô ấy đi vào một sớm mùa đông, vào đúng cái ngày mà Hoài nhận quyết định thăng chức và phải lập kế hoạch làm việc trình sếp tổng. Chiếc điện thoại màu hồng vẫn còn nằm yên trong cốp xe. Bao giờ Hoài mới có thể gặp lại để trao cho cô ấy?

- Nó bị tự kỷ từ nhỏ. Bà mong về với ba mẹ ruột nó sẽ được chữa trị đàng hoàng. Bà không thể làm được gì hơn!

Con mèo có vẻ đã quen với việc được Hoài cho ăn nên rất thoải mái khi qua ở cùng cậu. Nhưng nó vẫn còn nhớ hơi cô chủ nhỏ, thi thoảng lại ngúng nguẩy phóng vèo ra đường rướn cổ ngó nghiêng tìm kiếm. Những đêm Hoài thức khuya làm dự án, con mèo cũng ngoan ngoãn nằm khoanh tròn trong lòng Hoài dỗ giấc ngủ. Hoài miết ngón tay lên chiếc mũi hồng ươn ướt của nó, thì thào:

- Mày biết cô ấy ở đâu không, hả mèo?

Hoài không biết cô ấy ở đâu, điều đó đúng là bi kịch. Bao hôm Hoài tự dằn vặt mình sao không thể mở lời với cô ấy sớm hơn? Nhưng một cô gái tự kỷ có dễ dàng hiểu và chấp nhận tấm lòng Hoài?

Sao cũng được, miễn là mình phải tìm được cô ấy!

Hoài không phải người duy nhất đau đớn khi mọi liên lạc với cô đều bị xóa hết dấu vết. Số điện thoại và địa chỉ ba mẹ cô đưa cho bà già đều là giả.

- Có thể nào họ sợ bà đổi ý và bắt con bé lại nên mới tuyệt tình với bà như vậy?

Bà run rẩy miết bàn tay lên mép giường. Nước mắt bà sau nhiều năm không chảy, không dưng lại tràn xuống đôi má nhăn nheo. Cô gái có phải máu mủ gì của bà đâu. Bà nhặt được cô ấy trong một đêm mùa đông buốt giá. Bà ôm chặt thân thể tím tái vì lạnh của đứa bé bất hạnh, tự nhủ sẽ không bao giờ để nó phải chịu lạnh như thế một lần nào nữa trong đời. Vậy mà, giờ đây bà thất hứa với chính mình, để cô ra đi, bà thật đáng tội!

Hoài chỉ mong một phép màu nào đó mang cô trở về bình an. Chẳng cần cô có chịu nhận lời Hoài hay không, chỉ cần cô bình an là đủ.

***

Phố mùa này rất lạnh. Hơi sương nặng trĩu ướp đầy khuôn mặt và rút sạch mọi cảm giác. Hoài thò tay vào túi áo khoác. Hoài thèm câu chào nhẹ như hơi thở. Thậm chí cả cái câu hỏi ngớ ngẩn mà cô vẫn hay hỏi Hoài:

- Phố có buồn không?

Hoài sững lại trước bậc thềm rêu cũ. Anh lau màng sương trên mí mắt để biết trước mặt mình không hề là ảo ảnh.

Là cô đã trở về.

- Con mèo của em đâu?

Hoài siết tay cô thật chặt như một lời hứa chắc chắn sẽ không để cô rời xa mình thêm lần nào nữa.

Hai kẻ tội phạm đội lốt ba mẹ cô chắc chắn sẽ vô cùng tiếc rẻ khi biết mình không thể lừa được một cô gái tự kỷ. Chúng không hề biết rằng những người tự kỷ luôn luôn tìm mọi cách để có lại món đồ yêu quý nhất của mình. Ngay khi bị đưa lên vùng biên giới, chuẩn bị sang xứ lạ theo kế hoạch thâm hiểm của bọn buôn người, cô đã may mắn được giải cứu. Những bức vẽ của cô được bí mật lòn vào túi áo của nhân viên chốt chặn giúp cô được cứu thoát.

Cô chậm rãi kể anh nghe, bằng tất cả trí não của một người còn nhận thức.

- Họ tốt lắm anh ạ! Họ gọi em là con gái, con gái đấy, hay không anh?

Anh siết chặt tay cô. Ừ, sao không hay cho được. Ít ra cô cũng đã được hạnh phúc khi được cả “ba, mẹ” gọi mình là “con gái”. Dẫu tiếng gọi ấy đã tan vỡ như bọt biển khi sự thật tàn nhẫn hé lộ.

***

Hoài đưa cô về lại nơi hai mươi năm trước anh đã bỏ chạy trối chết. Hình ảnh quái vật hung tợn năm nào không còn nữa, chỉ thấy người đàn ông ấy rúm ró như nhúm xương mòn. Ông chậm rãi lau mộ mẹ Hoài, đôi mắt đã không còn tinh anh như trước.

- Giá như mà tao giết được mẹ con mày!

Hoài ngồi sụp dưới chân ông. Ừ, giá như thế, ông đã đỡ đau! Và Hoài, giá như cũng hận được ông, thì đã đỡ đau.

- Cái hôm đó, tao cứ tưởng mày bị xe tông chết rồi con ạ! Tao đã cố hết sức chạy theo để giữ mày lại. Chỉ tại cái chân khốn nạn này, trời ơi…

Hoài đâu biết, ông chỉ hờn mẹ đã lừa dối ông suốt mười mấy năm, chứ nào có hận một đứa trẻ vô tội. Dẫu ông chỉ là người đổ vỏ cho kẻ ăn ốc nào đó, thì máu mủ ruột rà sá gì so với bấy nhiêu năm ông ôm ấp thương yêu, chăm bẵm Hoài lớn khôn từ lúc đón anh lọt khỏi bụng mẹ. Con đã gọi tiếng ba ơi, thì trọn kiếp, ba vẫn sẽ là ba. Mẹ cũng tưởng Hoài đã chết mất xác đâu đó. Bà càng thêm hận ông, rồi uất ức mãi mà chết.

Hoài dìu ông lên giường. Đôi chân khập khiễng nay đã co rút lại. Hoài ngửa mặt nhìn trời, cố nuốt những giọt nước mắt vào trong. Ông cần một đôi chân lành lặn để nương dựa biết bao, vậy mà anh đã bỏ chạy suốt bao nhiêu năm qua. Ông nào có hận thù gì với anh, ngoài những yêu thương lẫn đau đớn tột cùng.

Hoài sẽ đưa cô về lại quê xưa. Ngày ngày còn được làm đôi chân cho ông, dù chỉ quẩn quanh thôn xóm, rồi ra mộ mẹ, nói với mẹ rằng từ nay mẹ đã có người thủ thỉ sớm hôm. Rồi Hoài, rồi cô sẽ không còn cô đơn như con mèo buồn trên phố nữa. Không còn phải co ro lạnh lẽo và bất chợt rùng mình vì một chút gió đông qua.

Theo TRẦN HUYỀN TRANG (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm