Sống trẻ - Sống đẹp

Những công bộc của dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Uông Thị Thảo từng từ chối lời mời làm giảng viên để về quê giúp nông dân làm nông nghiệp sạch, còn Nguyễn Bảo Nam ngày đêm trăn trở nghiên cứu phát triển y học biển, hỗ trợ ngư dân, thủy thủ làm việc xa bờ.

Đó là 2/45 cá nhân tiêu biểu được Trung ương Đoàn tuyên dương trao giải thưởng Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc.

 

Uông Thị Thảo
Uông Thị Thảo.

Quảng bá nông sản quê hương

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất của nhiều đặc sản huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, Uông Thị Thảo, 33 tuổi, tốt nghiệp Khoa Công nghệ sinh học, Viện ĐH Mở Hà Nội. Cô từng được mời làm giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, với trăn trở tại sao hạt gạo hay chiếc chiếu cói quê hương mình chất lượng rất cao nhưng bà con vẫn nghèo, Thảo đã trở về Hải Phòng, nhận nhiệm vụ tại Phòng Kinh tế và hạ tầng UBND huyện Tiên Lãng năm 2009.

Miệt mài nghiên cứu tài liệu, đi thực tế tại nhiều địa phương, Uông Thị Thảo đã thực hiện thành công nhiều đề tài và sáng kiến gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp như: “Nhãn hiệu tập thể làng nghề chiếu cói Lật Dương, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng”. Đề tài này được Sở Khoa học - Công nghệ TP.Hải Phòng tặng giấy khen, Liên đoàn Lao động thành phố tặng bằng Lao động giỏi, là đề tài đăng ký công trình thanh niên cấp thành phố năm 2014.

Đề tài thử nghiệm mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót lên men dày của Thảo cũng được áp dụng ở các xã trên địa bàn huyện. Có thể kể đến dự án hiệu quả khác là xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm compost maket xử lý phế phụ phẩm rơm, rạ, phân chuồng thành mùn hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Ứng dụng chế phẩm probiotic áp dụng cho chăn nuôi lợn tại xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng...

Ngoài ra, Thảo còn tham mưu cho UBND huyện khi xác lập, bảo hộ nhãn hiệu cây thuốc lào Tiên Lãng; lúa nếp cái hoa vàng xã Đại Thắng, chiếu cói Lật Dương xã Quang Phục...

“Trước đây, người ta chỉ biết đến chiếu cói Thái Bình, bây giờ thương hiệu chiếu cói Lật Dương cũng đã nổi tiếng. Tôi mừng vui khi các thương hiệu của H.Tiên Lãng như rượu nếp cái hoa vàng, gạo nếp cái hoa vàng, nấm ăn, nấm dược liệu, trứng vịt đã được nhiều người tìm mua”, Uông Thị Thảo bày tỏ.

Nữ công chức trẻ cũng vui mừng khi hiện nay, ở Tiên Lãng đang có nhiều bạn trẻ ở lại quê hương làm nông nghiệp sạch với các ý tưởng táo bạo và đã thành công như nuôi cá sấu, trồng dâu tây.

Bác sĩ trẻ tâm huyết với y học biển

Còn rất trẻ, bác sĩ Nguyễn Bảo Nam, 32 tuổi đã là Trưởng khoa Cấp cứu biển - hồi sức tích cực, Viện Y học biển (Hải Phòng). Anh cũng chính là người tham mưu xây dựng khoa cấp cứu biển - hồi sức tích cực ngày càng phát triển trên cơ sở là một khoa cấp cứu biển. Từ khi thành lập, đơn vị đã trở thành đầu tàu và là mũi nhọn của Viện, làm chủ được kỹ thuật cao, cứu sống được nhiều người bệnh.

Nam cho hay anh tốt nghiệp Trường ĐH Y Hải Phòng và từ lâu đã có niềm đam mê với y học biển. “Tôi có nhiều điều kiện tiếp xúc với ngư dân trên những tàu cá đánh bắt xa bờ, những thủy thủ trên các tàu viễn dương, họ làm việc rất vất vả, gặp nhiều nguy hiểm nếu phải cấp cứu trên biển. Tôi muốn những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với những người bệnh của mình”, Nam chia sẻ.

Nguyễn Bảo Nam nhiều lần nhận bằng khen của Bộ Y tế vì có nhiều công trình có ý nghĩa như: Đánh giá kết quả bước đầu trong việc điều trị nhồi máu não bằng buồng cao áp; Đánh giá tình trạng sức khỏe của thuyền viên làm việc trên các tàu vận tải viễn dương... Nam cũng là người có sáng kiến cải tiến giường siêu âm thành giường siêu âm cấp cứu có bánh xe, túi đựng phim đầu giường cho bệnh nhân ở khu hồi sức, được ứng dụng rộng rãi tại Viện Y học biển, giúp bệnh nhân được cấp cứu nhanh hơn, các phim chụp được quản lý tốt hơn…

Điều mà bác sĩ Nam trăn trở là tại VN nhiều ngư dân trên các tàu cá xa bờ chưa ý thức được việc quan trọng của các tủ thuốc cấp cứu trên biển, hoặc nhiều trường hợp không biết liên lạc về đất liền ra sao để được hướng dẫn sơ cứu bước đầu.

Nam bộc bạch: “Chúng tôi từng hướng dẫn nhiều thuyền viên trên tàu sử dụng thuốc kháng sinh cho những ca bị viêm ruột thừa trong thời gian chờ về đất liền để phẫu thuật. Tuy nhiên cũng nhiều ca rất đau lòng, thuyền viên tử vong khi chậm liên lạc với các bác sĩ, cũng như không có đủ thuốc trên tàu, chúng tôi mong ước sẽ giảm bớt nhiều nhất những trường hợp như vậy trong tương lai”.

Thúy Hằng/thanhnien

Có thể bạn quan tâm