Từ năm 2000, một thư viện lạ lùng đã được khởi xướng tại Đan Mạch, đó là human library (thư viện con người). Thư viện gồm những người tình nguyện trở thành cuốn “sách sống” nhiều chủ đề: định kiến, kỳ thị hoặc phân biệt đối xử, niềm tin, khuyết tật, địa vị xã hội, nguồn gốc dân tộc... Người đọc có thể “đọc sách” tại những không gian khác nhau như thư viện, bảo tàng, trường học.
Qua sự tư vấn của “thủ thư” về các “sách” có sẵn trong ngày hôm đó, độc giả có 30 phút để trực tiếp hỏi bất cứ điều gì mình muốn tìm hiểu. Tóm lại, ta được “mượn” một người kể cho nghe câu chuyện cuộc đời của họ với dịch vụ hoàn toàn miễn phí.
Ông Ronni Abergel-người khởi xướng dự án này-cho biết: “Thư viện con người là một không gian an toàn, nơi chúng ta có thể khám phá sự đa dạng, tìm hiểu chúng ta khác biệt với nhau thế nào, tương tác với những người chúng ta thường không bao giờ gặp... và thách thức định kiến vô thức của bạn”.
Với ý nghĩa trên, độc giả được khuyến khích lắng nghe với thái độ không phán xét, từ đó cởi mở hơn, hiểu biết hơn và chấp nhận quyền được khác biệt. Thêm một cái lợi, đó là người tham gia còn được phát triển các kỹ năng đa dạng như giao tiếp, đồng cảm, lắng nghe.
Những “cuốn sách” được kiểm tra kỹ về “nội dung” trước khi ra mắt công chúng. Họ phải chuẩn bị tinh thần để trả lời cho tất cả các loại câu hỏi và bảo đảm cảm thấy thoải mái trước những câu hỏi khó. Vì sự độc đáo này mà đến nay, mô hình “sách sống” xuất hiện tại hơn 80 nước trên thế giới.
Gia Lai cũng đang sở hữu những cuốn “sách sống” rất đặc sắc trên nhiều lĩnh vực như: kinh doanh, nông nghiệp, lưu truyền bản sắc văn hóa, khuyến học, thiện nguyện, thể thao… Họ là những người truyền cảm hứng, sẵn lòng chia sẻ với cộng đồng cái nhìn đa chiều, sâu sắc về cuộc sống xung quanh.
Thành công của chương trình podcast “Chuyện người Gia Lai” trên báo Gia Lai điện tử gần đây đã cho thấy sự quan tâm của đông đảo công chúng dành cho những “cuốn sách” trên. Đó là kỹ sư nông nghiệp Trần Thái Bình, runner Huỳnh Thị Tuyết Hương, nhà thơ Lữ Hồng, thầy giáo Vũ Văn Tùng… Nhưng cơ hội để mỗi người được trò chuyện riêng, trò chuyện sâu với họ theo mong đợi của bản thân như tại “thư viện con người” thì hẳn phải chờ đợi một sự tiên phong nào đó.
Nhìn rộng ra, trong cuộc sống và công việc mỗi ngày, ta đều gặp những cuốn “sách sống”. Có cuốn lướt qua, có cuốn đọc kỹ.
Có thể ví những người thường xuyên có cái nhìn tiêu cực, sống cơ hội, buông xuôi không khác gì một cuốn sách độc hại; còn những người lạc quan, tử tế, chân thành, nhiều năng lượng luôn là sách best-seller (bán chạy nhất). Bởi lẽ, trong cuộc sống vốn nhiều áp lực, ai cũng mong đợi được đọc những “cuốn sách” giúp mình tiếp thêm động lực, tình yêu, hy vọng và niềm tin.
Cũng như sách hay, người có trải nghiệm thú vị sẽ giúp ta làm giàu thêm kiến thức, kinh nghiệm, trao thái độ sống tích cực, nâng đỡ ta về tâm hồn những lúc khó khăn hoặc thậm chí mở ra một con đường giúp thay đổi bản thân.
Mỗi chúng ta là một cuốn sách trên chiếc kệ sách khổng lồ mà cuộc sống sắp đặt. Vậy thì việc hoàn thiện mình để trở thành cuốn sách hay, đáng đọc, truyền cảm hứng phải chăng nên là mục tiêu hướng tới của mỗi người.
Không ai mong chờ người khác hình dung về mình như một cuốn sách phủ bụi nằm lặng lẽ một góc trên kệ; trừ khi họ chọn sự an phận, không phiền đến ai, không mang lại niềm vui cho ai làm cách sống.
Suy cho cùng, giá trị của một người được đo bằng chính giá trị họ mang đến cho cộng đồng, theo những cách khác nhau.