(GLO)- Có người đang là cán bộ ở địa phương, là đảng viên hoặc đã tốt nghiệp đại học đi làm nhiều năm với thu nhập ổn định, thế nhưng, khi Tổ quốc cần họ lại tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ...
Trong số những cử nhân, đảng viên tình nguyện nhập ngũ ở các đơn vị thuộc Quân đoàn 3, tôi rất ấn tượng khi tiếp xúc với Trần Tấn Long (Tiểu đoàn Thông tin 29, Bộ Tổng Tham mưu). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định và đang là Bí thư Đoàn phường nhưng khi biết địa phương gọi công dân nhập ngũ, Long đã tình nguyện viết đơn lên đường. Long cho biết: “Làm Bí thư Đoàn phường công việc cũng ổn định, lại được ở gần nhà, có thể giúp đỡ bố mẹ làm nông nhưng vì trách nhiệm của công dân tôi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tôi nghĩ rằng mình là cán bộ Đoàn, nếu tình nguyện đi đầu thì các bạn đoàn viên, thanh niên sẽ làm theo. Cùng với đó, tôi tin rằng môi trường quân đội sẽ giúp tôi trưởng thành hơn để khi về địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.
Cán bộ, chiến sĩ đọc báo trong giờ giải lao. Ảnh: V.H |
Chúng tôi đến Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) khi những tân binh đang huấn luyện trên thao trường. Nói về chất lượng của tân binh năm nay, Trung tá Nguyễn Đức Chung-Chính ủy Trung đoàn cho biết: “Chất lượng tân binh năm nay tương đối tốt, trong đó có nhiều đảng viên, cử nhân cũng tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong đó, có người đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và thu nhập cao”. Nói rồi Trung tá Chung dẫn tôi đến Đại đội 7, Tiểu đoàn 2 gặp Lê Thanh Trọng (23 tuổi, quê ở phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Sau khi tốt nghiệp đại học, Trọng được Tập đoàn Viettel-Chi nhánh Quảng Ngãi nhận vào làm việc, thu nhập bình quân mỗi tháng 15 triệu đồng. Thế nhưng, khi biết có đợt gọi tuyển nghĩa vụ quân sự, Trọng đã làm đơn tình nguyện, bỏ dở công việc mà nhiều người ao ước để lên đường làm tròn nghĩa vụ công dân. “Công việc của tôi thu nhập cao, làm việc trong môi trường thuận lợi. Vì vậy, khi biết tôi tình nguyện nhập ngũ, nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng với chuyên môn của mình khi vào môi trường quân đội sẽ cống hiến được nhiều hơn”-Trọng tâm sự.
Tiểu đoàn Hóa học 21 (Bộ Tham mưu, Quân đoàn 3) năm nay đón nhận 60 chiến sĩ mới, trong đó có 4 người có trình độ đại học và cao đẳng. Được các cán bộ ở tiểu đoàn giới thiệu, tôi gặp Phan Ngọc Lượng (quê ở phường Bình An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) là đảng viên trẻ sinh năm 1994. Tốt nghiệp đại học ngành điện tử cách đây 2 năm, Lượng đã có việc làm ổn định, mỗi tháng thu nhập hơn 5 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình. Thế nhưng khi biết địa phương có đợt tuyển nghĩa vụ quân sự, Lượng đã xin nghỉ ở công ty và viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Trao đổi với chúng tôi, Lượng cho biết: “4 năm học đại học bố mẹ cũng mất nhiều tiền, mới chỉ đi làm 2 năm, nhưng khi biết tôi tình nguyện nhập ngũ bố mẹ đều rất vui. Tôi còn rất trẻ, cống hiến cho đất nước là trách nhiệm và cũng là vinh dự”.
Những tân binh mà chúng tôi gặp không chỉ là đảng viên hay những người đã có việc làm ổn định, thu nhập cao mà còn có cả những sinh viên “xếp bút nghiên” gác lại giấc mơ giảng đường để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tân binh Nguyễn Anh Khoa (quê ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) là một ví dụ. Khoa đang học năm 2 hệ liên thông của Đại học Tây Nguyên thế nhưng vẫn tình nguyện nhập ngũ. Khoa tâm sự: “Được đứng trong hàng ngũ quân đội sẽ giúp tôi chững chạc và trưởng thành hơn. Đây cũng là ước mơ từ bé của tôi. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi sẽ trở lại trường để tiếp tục học tập”.
Vĩnh Hoàng
Theo thống kê, Quân đoàn 3 năm nay tiếp nhận hơn 5.000 thanh niên có độ tuổi từ 18 đến 27 ở 6 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đak Lak nhập ngũ. Trong đó, có 75 người là đảng viên; trình độ văn hóa THPT chiếm 56,65%; nhiều người có trình độ đại học, cao đẳng; sức khỏe loại 1 và 2 chiếm hơn 49%; có hơn 30% là thanh niên dân tộc thiểu số. |