TN - Đất & Người

Những điểm nhấn quy hoạch Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là dấu mốc quan trọng giúp tỉnh phát triển một cách đột phá, bền vững. Đắk Nông sẽ huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch gắn với quản lý tốt quy hoạch, tạo động lực mới cho sự phát triển.

Quan tâm công tác quy hoạch

Ngay từ khi tái lập tỉnh, Đắk Nông đã quan tâm đến công tác quy hoạch. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 tại Quyết định số 161/2006/QĐ-TTg. Như vậy, chỉ sau 2 năm tái lập, Đắk Nông đã lập quy hoạch tổng thể nội tỉnh trong quy hoạch chung khu vực và quốc gia. So với những địa phương khác cùng thời kỳ, Đắk Nông được xem là tỉnh có quy hoạch tổng thể khá sớm.

Đắk Nông được xem là tỉnh có quy hoạch tổng thể khá sớm. Ảnh: Đinh Thanh Hải

Đắk Nông được xem là tỉnh có quy hoạch tổng thể khá sớm. Ảnh: Đinh Thanh Hải

Tuy nhiên, quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ đầu có những hạn chế. Nguyên nhân một phần là do trước đây, tỉnh lập quy hoạch từng ngành riêng lẻ, sau đó hợp lại thành quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội toàn tỉnh. Điều này dẫn tới quy hoạch có tính khả thi không cao, thậm chí còn xảy ra nhiều sự chồng chéo.

Để phát triển kinh tế, xã hội, việc lập quy hoạch được xem là bước tiền đề. Do đó, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định về nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Nông đã vào cuộc với tâm thế quyết tâm, quyết liệt tổ chức lập quy hoạch.

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập trong bối cảnh có những thuận lợi là đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rất rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025. Về tính pháp lý đã có Luật Quy hoạch, nghị định, hướng dẫn, Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt; một số quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt…

Những điểm chính Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia và vùng Tây Nguyên trong giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Đắk Nông trong thời kỳ quy hoạch.

Sản xuất lúa ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô. (Ảnh: Đinh Thanh Hải)

Sản xuất lúa ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô. (Ảnh: Đinh Thanh Hải)

Quy hoạch đưa ra 6 quan điểm phát triển với mục tiêu đến năm 2050, xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xã hội khá giả, mức thu nhập bình quân của người dân cao hơn bình quân chung cả nước. Tỉnh là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; nền nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng. Đắk Nông trở thành “Tỉnh mạnh - dân giàu - thiên nhiên tươi đẹp - xã hội nghĩa tình”.

Quy hoạch xác định rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển nguồn nhân lực. 3 đột phá phát triển gồm: công nghiệp khai thác bô xít - chế biến alumin - luyện nhôm và năng lượng tái tạo; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, theo hướng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát huy lợi thế khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Đắk Nông có cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông hứa hẹn phát triển du lịch, thu hút du khách trong thời gian tới. (Ảnh: Đinh Thanh Hải)

Đắk Nông có cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông hứa hẹn phát triển du lịch, thu hút du khách trong thời gian tới. (Ảnh: Đinh Thanh Hải)

Quy hoạch xác định rõ phương hướng phát triển 3 ngành, lĩnh vực quan trọng: công nghiệp; nông lâm nghiệp; du lịch. Đắk Nông đề cập cụ thể phương hướng phát triển 9 ngành, lĩnh vực khác gồm: thương mại và dịch vụ; thông tin, truyền thông và chuyển đổi số; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; giáo dục và đào tạo; nguồn nhân lực ; y tế; văn hóa, thể thao; giảm nghèo, an sinh xã hội và quốc phòng an ninh…

Đắk Nông thực hiện theo mô hình “một trung tâm - ba cực động lực tăng trưởng - bốn hành lang kinh tế - bốn tiểu vùng phát triển”. TP. Gia Nghĩa là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ của tỉnh; là đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam Tây Nguyên, liên kết với vùng Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh. TP. Gia Nghĩa tiếp nhận sự phát triển lan tỏa của vùng, quốc gia thông qua 3 cực động lực tăng trưởng và 4 hành lang kinh tế, lan tỏa đến 4 tiểu vùng phát triển.

Quy hoạch nêu rõ 7 phương án lớn và 32 phương án thành phần. Trong đó, nổi bật phương án quy hoạch đô thị, khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, phấn đấu đến năm 2030 có 10 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại II (TP. Gia Nghĩa), 1 đô thị loại III (thị xã Đắk Mil), 2 đô thị loại IV (thị xã Đắk R’lấp, thị xã Cư Jút), phấn đấu đạt 4 đô thị loại IV (Đắk Mâm, Đức An, Quảng Khê, Đắk Búk So) và 2 đô thị loại V (Quảng Sơn, Nâm N’Jang).

Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên, huyện Đắk Song nhìn từ trên cao. (Ảnh: Đinh Thanh Hải)

Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên, huyện Đắk Song nhìn từ trên cao. (Ảnh: Đinh Thanh Hải)

Về phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp phấn đấu sau năm 2030, thành lập thêm 4 khu công nghiệp: Đắk Ru, Quảng Sơn, Đắk Song I và Đắk Song II.

Đối với phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 hình thành 25 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung với diện tích trên 10.000ha; định hướng đến năm 2050, hình thành 35 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích trên 14.300ha.

Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, Đắk Nông thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia đối với quy hoạch các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt, cảng cạn, cảng hàng không. Trong đó, phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia gồm: tuyến đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – Gia Nghĩa (Đắk Nông). Xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông – Chơn Thành thuộc tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên theo quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia.

Đồ họa: Việt Dũng

Đồ họa: Việt Dũng

Đối với phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh, Đắk Nông đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, kết nối thuận lợi. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo 9 tuyến đường cấp tỉnh; đầu tư xây dựng mới 3 tuyến đường vành đai, 1 tuyến đường kết nối TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) và huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng)…

6 giải pháp thực hiện quy hoạch

Để thực hiện quy hoạch, Đắk Nông xác định rõ 6 giải pháp: huy động và sử dụng vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; môi trường, khoa học và công nghệ; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Về huy động và sử dụng vốn đầu tư, Đắk Nông tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm. Tỉnh tổ chức thực hiện tốt các khâu từ xây dựng quy hoạch chi tiết, xây dựng kế hoạch hiệu quả, khả thi, sát thực tiễn, để các công trình, dự án trọng điểm sớm phát huy hiệu quả...

Tỉnh huy động tổng lực các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, xem đây là giải pháp đột phá để thực hiện hóa quy hoạch. Đắk Nông ban hành danh mục dự án ưu tiên, chính sách ưu đãi đầu tư, đẩy mạnh huy động vốn từ các tập đoàn kinh tế lớn, vốn đầu tư từ khu vực dân cư, khai thác hiệu quả quỹ đất; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ.

Đối với giải pháp về nguồn nhân lực, tỉnh xác định tập trung phát triển nguồn nhân lực để phục vụ phát triển các ngành trọng điểm của tỉnh. Cùng với tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa về trình độ, kỹ năng, thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức... tỉnh ưu tiên các nguồn lực đào tạo cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số...

Đắk Nông phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên để xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư; hợp tác du lịch; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản… để phát huy lợi thế so sánh của mỗi địa phương trong vùng, tránh tình trạng cạnh tranh giữa các tỉnh trong vùng Tây Nguyên. Tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ để liên kết sản xuất theo hướng Đắk Nông – Bình Phước được vận hành. Đắk Nông xây dựng cơ chế phối hợp với các địa phương khu vực Duyên hải miền Trung xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng biển – núi; thúc đẩy liên kết giao thương trên trục hành lang Đông – Tây, thông qua hai cửa khẩu Bu P’răng và Đắk Puer với Vương quốc Campuchia...

Có thể bạn quan tâm