Xã hội

Những "đoá hồng" tỏa sáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Là một nửa của thế giới, phụ nữ ngày nay khác xưa, không chỉ nép bóng mà đã và đang góp phần mang lại những giá trị sống tốt đẹp hơn khi họ cống hiến hết mình cho sự phát triển trên toàn cầu ở mọi lĩnh vực.

Người phụ nữ tiên phong về y học hàn lâm

 Một trong những phát minh mang lại ánh sáng cho người mù là của bác sĩ Patricia E. Bath. Bà là người Mỹ gốc Phi đầu tiên hoàn thành khóa bác sĩ nội trú về nhãn khoa và là nữ bác sĩ gốc Phi đầu tiên được cấp bằng sáng chế thiết bị y tế tại Mỹ. Thiết bị do bà phát minh là Laserphaco Probe nhằm loại bỏ bệnh đục thủy tinh thể. Phương pháp mới này giúp loại bỏ đục thủy tinh thể nhanh hơn, chính xác hơn và ít xâm lấn hơn các phương pháp trước đây. Bà có được trao bằng phát minh đầu tiên tại Mỹ cho quy trình trên vào năm 1988 và nhận 5 bằng phát minh khác liên quan đến những cải tiến về điều trị đục thủy tinh thể, chưa kể các bằng sáng chế tại Nhật Bản, Canada và châu Âu.


 

Bác sĩ Patricia E. Bath
Bác sĩ Patricia E. Bath


Patricia E. Bath đến thủ đô Washington để hoàn thành khóa đào tạo y khoa tại Đại học Y khoa Howard. Bà  tốt nghiệp loại xuất sắc vào năm 1968, rồi trở lại New York để hoàn thành khóa đào tạo chuyên khoa mắt và ghép giác mạc tại cả Đại học New York và Đại học Columbia.

Patricia E. Bath đã sử dụng kinh nghiệm cá nhân với tư cách là một chuyên gia y tế để xuất bản một bài báo chứng minh tỷ lệ mù lòa cao hơn ở người Mỹ gốc Phi. Nhờ sự quan sát trong nhiều năm, bà đã phát triển một lĩnh vực nghiên cứu mới được gọi là nhãn khoa cộng đồng, hỗ trợ các sáng kiến sức khỏe cộng đồng nhằm giảm mù lòa thông qua chăm sóc phòng ngừa và các biện pháp khác.

Năm 1975, Patricia E. Bath trở thành bác sĩ phẫu thuật cho phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên tại Trung tâm Y tế UCLA và là người phụ nữ đầu tiên vào Viện mắt UCLA Jules Stein. Bà là người sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của Viện Phòng chống mù lòa Mỹ (AIPB), chuyên tổ chức hỗ trợ đào tạo các chuyên gia y tế và điều trị các cá nhân có vấn đề về mắt trên khắp thế giới.

Với tư cách là đại diện của AIPB, bà đã tham gia vào các sứ mệnh nhân đạo ở các nước đang phát triển. AIPB cũng hỗ trợ chăm sóc phòng ngừa, bao gồm cung cấp cho trẻ em trên khắp thế giới thuốc nhỏ mắt bảo vệ, bổ sung vitamin A và tiêm chủng các bệnh có thể gây mù lòa.

Patricia E. Bath được vinh danh là Người tiên phong của Đại học Howard về Y học hàn lâm vào năm 1993. Năm 2018, bà được trao tặng Huy chương John Stearns của Học viện Y khoa New York cho những đóng góp xuất sắc trong thực hành lâm sàng.

Năng động, bản lĩnh

Rời quê hương Iran từ năm 16 tuổi, ít ai nghĩ rằng cô bé Fariba Rahimi lại trở thành người mẫu nổi tiếng thế giới, một doanh nhân thành công và là người truyền cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ tại Trung Đông. Fariba Rahimi đang điều hành hai công ty bất động sản và xây dựng hàng đầu tại Na Uy có lợi nhuận tăng cao hàng năm.

Thành công trong lĩnh vực kinh doanh đã giúp cô trở thành thành viên trong Hội đồng Kinh doanh của Forbes, nơi những doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ những câu chuyện thành công của họ.

 

Fariba Rahimi
Fariba Rahimi


Fariba Rahimi không được sinh ra trong gia đình sung túc. Ngay từ khi còn làm người mẫu ở Na Uy, cô gái trẻ mong muốn vươn xa hơn trong cuộc sống hiện tại. Cô quyết định theo đuổi việc học kinh doanh với ước mơ thành nữ doanh nhân. Số tiền tích lũy sau vài năm làm việc trong lĩnh vực người mẫu giúp cô tự thành lập  công ty bất động sản và công ty xây dựng.

Thất bại ban đầu không làm Fariba nản chí. Từng bước, cô gầy dựng lại công ty, tuyển dụng những nhân viên mới, xây dựng mạng lưới kết nối chặt chẽ với khách hàng và biến 2 công ty của mình nằm trong nhóm công ty đứng tốp đầu tại Na Uy. Sau đó, cô đã thuê một số nhà quản lý giỏi điều hành công ty để bản thân có thể tập trung vào niềm đam mê từ thời nhỏ, là người mẫu.

Chia sẻ về công việc của mình, Fariba cho biết, chìa khóa thành công của doanh nghiệp là học hỏi từ những sai lầm, rút kinh nghiệm để từ đó từng bước phát triển. Điều quan trọng và cốt yếu nhất đối với các doanh nghiệp ngày nay là thích ứng với các phương thức tiếp thị kỹ thuật số. Đây là xu hướng để doanh nghiệp mở rộng quy mô và tồn tại. Nếu bất kỳ doanh nghiệp nào không kết nối được với thị trường rộng lớn hơn trên phương tiện truyền thông xã hội, thì doanh nghiệp đó sẽ thất bại ở mọi cấp độ.

Mang sách đến với em nhỏ

Vào chiều tối, các em nhỏ ở làng Deora lại rủ nhau đến thư viện Maulana Azad của cô Sadiya Riyaz Shaikh cùng đọc sách. Đây cũng là thư viện duy nhất của ngôi làng nhỏ ở bang Bihar, miền Đông Ấn Độ. Trong căn phòng chưa đầy 20m2, các em thỏa sức xem những cuốn sách mình yêu thích. Có những cuốn sách tuy không còn mới nhưng đối với bọn trẻ, đây lại là những món quà vô giá. Chúng được đọc sách, nghe cô Sadiya Riyaz Shaikh dạy tiếng Anh và cùng tham gia chơi trò chơi ngay trong thư viện.


 

Sadiya Riyaz Shaikh
Sadiya Riyaz Shaikh


Do diện tích khiêm tốn nên điểm nhận biết của thư viện là một tấm bảng màu vàng tươi ghi tên Maulana Azad ở ngay góc đường làng. Khi đến Maulana Azad, ít ai biết rằng, chỉ vài tháng trước, nó là một ngôi nhà đổ nát. Maulana Azad là ý tưởng của cô gái trẻ 18 tuổi Sadiya Riyaz Shaikh trong một lần trở về ngôi làng của tổ tiên.


Về làng, Sadiya nhận ra mọi thứ chưa thay đổi nhiều. Do cuộc sống nghèo khó, việc học của trẻ em chưa được chú trọng, nạn tảo hôn vẫn tiếp diễn. Phụ nữ chiếm đến 38% dân số của làng nhưng tỷ lệ phụ nữ biết đọc, biết viết chỉ khoảng 45%. Nhiều học sinh, nhất là học sinh nữ bị buộc thôi học vì gia đình không đủ tiền đóng học phí và mua đồng phục. Các em phải ở nhà để phụ giúp công việc gia đình và làm nông cùng với cha mẹ. Trò chuyện với các em, Sadiya thấy rằng có rất nhiều bạn nhỏ tuy không thể đến trường, nhưng rất thích đọc sách để tìm hiểu thêm thế giới bên ngoài.

Bằng số tiền ít ỏi của mình, Sadiya Riyaz Shaikh tự tu sửa lại ngôi nhà cũ, mua lại một số tủ kệ và trang trí lại. Phần lớn số sách trong thư viện được Sadiya Riyaz Shaikh thu mua lại từ những hiệu sách cũ. Hưởng ứng việc làm của Sadiya, bạn bè cô đã tự nguyện đóng góp sách báo mới để thư viện thêm phong phú. Thư viện còn là nơi để các giáo viên trẻ đến tìm những đầu sách phục vụ cho công việc giảng dạy. Họ tình nguyện hướng dẫn các em học sinh chọn đầu sách hay cũng như phụ đạo các em khi cần thiết. Dù phải trở lại Mumbai để tiếp tục việc học, Sadiya Riyaz Shaikh vẫn quản lý từ xa thư viện nhỏ của mình. Cô gái trẻ đang nỗ lực xây dựng quỹ học bổng để tiếp sức đến trường cho các em nhỏ ở làng Deora.

 

PHƯƠNG NAM tổng hợp
(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm