Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Những đứa con nuôi của Trung đoàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa đại tá quân đội đã nghỉ hưu với bà Văn Thị Lệ-một trong 42 đứa con nuôi của Trung đoàn 38-Đoàn Gio An (Sư đoàn 2) đã khiến cho tất cả những ai có mặt tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Trung đoàn đều không ngăn được sự xúc động. Bởi ở họ là cả một câu chuyện dài, vô cùng cảm động nhưng ít người biết về tấm lòng của những người lính Đoàn Gio An Anh hùng 42 năm về trước.
 

 Đại tá Nguyễn Đức Thuận cùng mẹ con bà Văn Thị Lệ. Ảnh:Anh Huy
Đại tá Nguyễn Đức Thuận cùng mẹ con bà Văn Thị Lệ. Ảnh: Anh Huy

Bố… bố Thuận”, tiếng gọi to nhưng có phần ngập ngừng của bà Văn Thị Lệ khiến cho ông Thuận (Đại tá Nguyễn Đức Thuận-nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn) và tất cả những ai có mặt tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trung đoàn đều bất ngờ. Và không để ông Thuận phải lục tìm ký ức, người phụ nữ chạy vội lại, mừng mừng, tủi tủi nói trong xúc động: “Con là Lệ! Là đứa lớn nhất trong 42 đứa con nuôi của đơn vị năm 1972, bố nhớ chưa?” Như bừng tỉnh, ông Thuận ôm chầm lấy cô con gái nuôi vừa bước qua tuổi 50.
 
Sự hội ngộ bất ngờ khiến cho cả hai vui mừng khôn xiết, họ cùng nhau nhắc lại những năm tháng được sống cùng nhau trong một ngôi nhà-ngôi nhà Trung đoàn 38. Đại tá Nguyễn Đức Thuận, cho biết: Tháng 6-1972, Trung đoàn 38 tham gia giải phóng căn cứ Cẩm Dơi, Quế Sơn, giải phóng ấp chiến lược Nhà Tòng, mở rộng vùng giải phóng, làm cơ sở đảm bảo cho mặt trận Quân khu 5 (Quảng Nam-Đà Nẵng). Sau khi đơn vị chiếm lĩnh trận địa, làm chủ chiến trường, bà con trong ấp vỡ òa hạnh phúc, dắt nhau trở về làng. Song trong niềm vui ấy vẫn đọng lại những nỗi buồn. Nỗi buồn của 42 em nhỏ mất cha, mất mẹ, bơ vơ không biết đi đâu về đâu. Những đôi mắt ngơ ngác hết nhìn dòng người đang vui mừng phấn khởi, lại đưa mắt sang các chú bộ đội như chờ đợi một phép màu.

Theo ông Thuận, cháu nhỏ nhất lúc đó chưa đầy 4 tuổi, còn cháu lớn cũng chừng 8 tuổi. Nhìn các cháu nhem nhuốc, gầy gò, chúng tôi không cầm được nước mắt. Lúc đó, Trung đoàn chịu trách nhiệm đưa các cháu về hậu cứ Sơn Long-cách ấp chiến lược chừng 5 km và chờ chủ trương. Sau đó, Trung đoàn quyết định giao cho các phòng, ban cưu mang các cháu trong hoàn cảnh bơ vơ không nơi nương tựa. “Riêng Ban Hậu cần nhận nuôi 4 cháu, trong đó có cháu Lệ. Lúc đó, lương thực phục vụ cho bộ đội vốn đã rất khó khăn nhưng chưa khi nào chúng tôi để các cháu phải đói. Song có lẽ lo nhất trong việc chăm sóc các cháu nhỏ chính là lúc các cháu nhớ gia đình, đau ốm… vì chúng tôi trước giờ chỉ quen với việc hành quân đánh giặc, còn việc chăm sóc các cháu nhỏ ai cũng lúng túng”-ông Thuận kể.

Dù thời gian đã trôi qua gần nửa thập kỷ và đứa trẻ bơ vơ ngày nào giờ cũng đã lên ông, lên bà, song ký ức về thời thơ ấu vẫn luôn được giữ gìn và trân quý. Bà Lệ nhớ lại: “Những năm 1971-1972, cha mẹ lần lượt ra đi để lại 4 chị em chúng tôi bơ vơ, không biết dựa dẫm vào ai. Hàng ngày, chúng tôi đi mò cua, bắt ốc và đào củ măng về ăn. Thằng út còn nhỏ quá mà lại thường xuyên bị đói nên không chịu nổi cũng đi theo cha mẹ, còn ba chị em tôi may mắn được các chú bộ đội đưa về nuôi. Không chỉ được ăn no, những lúc không tham gia chiến trận, các chú bộ đội lại tập trung chúng tôi lại dạy học đánh vần, viết chữ, trồng rau, nuôi gà… “Nhờ có các chú bộ đội mà chúng tôi đã được hồi sinh”-bà Lệ bộc bạch.

Gần 3 năm ở trong vòng tay thương yêu của các chú bộ đội nên cháu nào cũng thương yêu các chú mà không nỡ rời xa. Khi đơn vị nhận lệnh hành quân, các cháu nhỏ được bàn giao lại cho địa phương và mỗi cháu còn được đơn vị cho 100 kg gạo và một số nhu yếu phẩm khác… “Ngày chia tay, chúng tôi cứ ôm chặt lấy các bố không chịu buông tay. Có đứa còn đi theo đoàn quân suốt một chặng đường dài rồi mới chịu quay về. Sau khi về địa phương một thời gian, chúng tôi đứa tham gia du kích, đứa vào bộ đội,…”-bà Lệ chia sẻ. Cùng tham gia chuyến hành trình vượt hàng trăm km từ Quảng Nam về thăm lại đơn vị nơi đã cưu mang, bà Lệ còn có cô con gái út Nguyễn Thị Minh Nghĩa. Minh Nghĩa bộc bạch: “Em đã được nghe má kể rất nhiều về các ông, các bác nhưng hôm nay được trở về “ngôi nhà” của má năm xưa, em không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn. Cảm ơn các ông, các bác đã nuôi dạy  má con để bây giờ có tụi con…”.

…42 đứa trẻ được hồi sinh ngày nào giờ cũng đã lên ông, lên bà. Song dù ở đâu, làm gì họ cũng luôn nhớ về những người cha, nhớ về Trung đoàn nơi đã cưu mang mình. Họ còn thành lập một “Hội tình thương” để gặp gỡ, giúp đỡ nhau và tìm cách liên lạc với các bố. Trước khi chia tay bố Thuận, chia tay Trung đoàn, bà Lệ bày tỏ: “Được gặp lại bố Thuận và được trở lại Trung đoàn thăm những người cha đã từng dưỡng nuôi mình, giờ có chết tôi cũng mãn nguyện rồi!”.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm