(GLO)- Sinh ra từ cái nôi của làng, những đứa con với một ý chí không cam chịu đói nghèo, lạc hậu đã bước qua rào cản phong tục tập quán canh tác lạc hậu bao đời, mạnh dạn tiếp cận hướng sản xuất mới và đã thành công. Họ đã góp phần đổi thay chính cuộc đời mình và góp phần làm giàu cho mảnh đất quê hương.
Nữ triệu phú trẻ làng Thơ Nhueng
Chưa đầy 30 tuổi, vợ chồng Rmah H’Đa đã là chủ nhân của một cơ ngơi bạc tỷ: 2.400 trụ tiêu, hơn 2 ha cao su, 2 ha cà phê và 3 ha đất chuyên trồng mì, đậu, đỗ… Mỗi năm trừ chi phí, vợ chồng H’Đa thu về hơn nửa tỷ đồng.
Với Siu Biai, để gắn bó và làm giàu với cây tiêu đó là cả một thử thách không nhỏ để làm giàu. Ảnh Hải Lê |
Sinh ra và lớn lên ở thôn Thơ Nhueng (xã Ia Phang-huyện Chư Pưh), vợ chồng H’Đa thấm thía cái khốn khó bao đời của người làng bởi quanh năm chỉ biết trồng tỉa lúa rẫy, bắp, khoai... mùa đói, mùa no. 12 năm học ở nhà trường đã cho H’Đa cơ hội làm bạn với con chữ, tiếp cận với những kiến thức mới, tư duy mới không bó buộc trong ngõ làng chật hẹp.
Sau khi “bắt chồng”, H’Đa được vận động tham gia vào Hội Phụ nữ. Chị em trong Hội đã tạo điều kiện cho vợ chồng H’Đa được vay vốn phát triển sản xuất của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ nguồn vốn ít ỏi ban đầu, vợ chồng H’Đa bàn nhau mua bò, mua heo về chăn nuôi. Sẵn đất đai bố mẹ cho làm của hồi môn, lại có thêm kiến thức từ những buổi tập huấn, hội thảo về canh tác cây hồ tiêu, cây lúa nước… H’Đa về bàn với chồng, dành dụm đầu tư trồng tiêu, cà phê.
Vợ chồng H’Đa dành 3 ha đất để trồng cây ngắn ngày, lấy đó làm vốn để đầu tư cho tiêu, cà phê, cao su. Đất không phụ lòng người, lại nhờ chăm chỉ và chịu khó học hỏi, sau vài năm, kinh tế gia đình H’Đa khá lên trông thấy. Từ vài trăm gốc tiêu ban đầu rồi cứ thế, tích lũy được bao nhiêu lại đầu tư trồng mới thêm bấy nhiêu. Đến nay, vợ chồng H’Đa đã có một cơ ngơi không nhiều người có được. “Ban đầu thì khó khăn lắm vì trước giờ chỉ biết trồng cây lúa rẫy, cây bắp, mì… thôi. Nhưng khó đâu hỏi đấy, mình mạnh dạn làm thử. Thất bại lại rút kinh nghiệm làm tiếp… Cứ thế, giờ gia đình mình đã xây được nhà cửa khang trang, lo lắng được cho con cái đến nơi đến chốn”- H’Đa tâm sự.
Nhờ làm kinh tế giỏi, lại năng động trong công tác xã hội địa phương, H’Đa được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Thơ Nhueng. Ở cương vị này, sẵn tiềm lực sẵn có, chị còn giúp nhiều chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn sản xuất, hỗ trợ kinh nghiệm phát triển kinh tế. Mới đây nhất, H’Đa đã được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen về điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi. “Đây là trường hợp phụ nữ đầu tiên ở Ia Blang có được vinh dự này”-Chủ tịch UBND xã Ia Phang-Trần Văn Sơn, nhấn mạnh.
Ngôi nhà khá khang trang của Siu Biai ở giữa “làng cùi”. Ảnh Hải Lê |
Kỳ tích “làng cùi”
“Dân làng xa lánh, hắt hủi, dồn những người mắc bệnh cùi (bệnh phong) ra rừng ở, sợ con ma cùi về “bắt” thêm người khác. Người làng sợ hãi, chẳng ai dám bén mảng tới gần. Ấy vậy mà Siu Biai lại làm giàu chính trên mảnh đất bị dân làng ghẻ lạnh ấy”-Chủ tịch xã Ia Blang-Trần Văn Sơn, giới thiệu về “triệu phú làng cùi” với chúng tôi.
… Siu Biai bắt đầu kể lại hành trình vượt khó làm giàu của mình bằng một chất giọng khá đơn giản. Khí chất con người giàu bản lĩnh thể hiện ngay qua giọng điệu, lời kể. Biai nói ngắn gọn và không muốn nhắc tới khó khăn bởi “khó khăn thì ai chẳng có, mình chỉ kiên trì và mạnh dạn hơn người khác ở làng Phung A”.
Năm 2005, Siu Biai được tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Anh gom góp, vay mượn thêm để trồng 1.100 trụ tiêu. “Mình không có nhiều vốn để mua trụ nên đa phần trồng tiêu trên trụ cây sống. Kinh nghiệm thì chịu khó học hỏi từ nhưng người Kinh đi trước, khó quá thì hỏi cán bộ Phòng Nông nghiệp… Vậy nên, vườn tiêu mình ít khi bị chết và năng suất rất ổn định”-Biai, nói.
Khi Biai bắt đầu trồng tiêu, cả làng Phung A chưa ai dám nghĩ tới đưa loại cây này về vườn. Người nói vào nói ra, chỉ có cán bộ xã là lúc nào cũng luôn động viên, ủng hộ Biai trên con đường mới. “Vài năm sau tiêu được thu, kinh tế dần ổn định thì người làng mới tin. Giờ trong làng ai gặp vấn đề khó khăn với cây tiêu, họ đều tìm đến tôi nhờ tư vấn. Tôi rất mừng khi tư duy làm ăn của người làng đã cởi mở và nhiều nhà dần khấm khá”-Biai nói, giọng không giấu niềm vui.
Làng Phung A khi ấy chưa có Trưởng thôn và bà con khi tự thấy ưng cái bụng và nể phục Biai đã đề cử anh giữ nhiệm vụ này với hy vọng sẽ tiếp tục góp sức đưa làng ngày một đi tới. “Làng cùi” xưa nay cũng mất dần sự tách biệt. Điện, đường, trường học được xây dựng khang trang, những vườn tiêu, cà phê, cao su… xanh ngắt, xen giữa là những nếp nhà yên bình. No ấm đã đến với mọi nhà. Riêng với Siu Biai, người dám bước qua những rào cản phong tục và quan niệm, đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sức sống mới cho ngôi làng từng bị cộng đồng xa lánh.
Hải Lê