Điểm đến Gia Lai

Những hạt thóc nghĩa tình nơi biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời điểm này, bên dưới những cánh rừng cao su chưa khép tán nơi biên giới của các đơn vị trực thuộc Binh đoàn 15 là một màu vàng rực của lúa đang vào độ thu hoạch. Không chỉ cho mượn đất trồng lúa, các đơn vị còn hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo trồng, chọn những giống lúa phù hợp để cho năng suất cao. 
Niềm vui ngày mùa
Ngay từ sáng sớm, gia đình anh Siu Đức (làng Khóp, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã tất bật ra đồng thu hoạch lúa. Năm nay, gia đình anh được Đội 6 (Công ty 75) cho mượn 3 sào đất để trồng lúa. “Nhờ Công ty cho mượn đất trồng lúa nên gia đình mình chủ động được lương thực, không còn cảnh thiếu đói như những năm trước”-anh chia sẻ.
Không chỉ gia đình anh Siu Đức mà 204 hộ dân ở làng Khóp đều có chung niềm vui khi đến mùa thu hoạch lúa. Năm nay, Đội 6 (Công ty 75) cho các hộ trong làng mượn 60 ha đất tái canh cao su để trồng lúa nhằm chủ động một phần lương thực. Còn tại làng Pơ Nuk (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ), những ngày này, 210 hộ dân cũng đang hối hả ra đồng thu hoạch lúa. Đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt, anh Kpuih Ping (làng Pơ Nuk) vui vẻ cho biết: “Năm nay, làng mình được Công ty 75 cho mượn 70 ha đất để trồng lúa. Công ty còn cử cán bộ đến giúp cày đất, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên lúa phát triển rất tốt, bình quân mỗi sào thu hoạch được 3 tạ. Mỗi người dân trong làng cũng thu hoạch 5-8 tạ lúa. Nhờ đó, làng mình có cuộc sống ấm no hơn”.
 Cán bộ, chiến sĩ Công ty 75 giúp đỡ nhân dân thu hoạch lúa. Ảnh: V.H
Cán bộ, chiến sĩ Công ty 75 giúp đỡ nhân dân thu hoạch lúa. Ảnh: V.H
Rời huyện Đức Cơ, chúng tôi ngược lên xã Ia Chía (huyện Ia Grai). Dẫn chúng tôi đi thăm các cánh đồng lúa trải dài tít tắp, Thượng tá Nguyễn Văn Hùng-Giám đốc Công ty 74-cho biết: “Năm nay, Công ty cho 703 hộ dân tộc thiểu số thuộc 3 xã: Ia Chía (huyện Ia Grai) và xã Ia Dơk, Ia Kla (huyện Đức Cơ) mượn 423 ha đất để trồng lúa. Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng bình quân 1 ha lúa, người dân cũng thu hoạch được gần 1 tấn”. Điều Thượng tá Nguyễn Văn Hùng nói được ông Siu Hia (làng Lang, xã Ia Chía) xác nhận: “Mình được Công ty cho mượn gần 1 ha đất trồng lúa, thu hoạch được hơn 1 tấn. Với số lúa này, gia đình mình không còn lo cảnh thiếu đói nữa rồi. Làng mình ai cũng vui vì có lúa dự trữ trong nhà, phòng lúc giáp hạt”.
Đất ấm tình người


Ông Phạm Văn Cường-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Cơ: “Chủ trương cho người dân mượn đất tái canh cao su để trồng lúa của Binh đoàn 15 đã giúp nhiều hộ gia đình trên vùng biên giới tránh được tình trạng thiếu lương thực. Chúng tôi đánh giá cao chủ trương này bởi ngoài việc giải quyết việc thiếu lương thực thì nó còn thể hiện trách nhiệm và tấm lòng của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn”.


Từ năm 2014, Binh đoàn 15 đã thực hiện chủ trương tái canh đối với những vườn cao su già cỗi hoặc năng suất thấp. Theo đó, hơn 1.600 ha đất tái canh sau khi được san ủi, cày xới, các đơn vị cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum mượn để trồng lúa nhằm giải quyết vấn đề thiếu lương thực. Nói về chủ trương này, Đại tá Hoàng Ngọc Thành-Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn 15-cho biết: “Chúng tôi luôn xác định các đơn vị của Binh đoàn đứng chân trên vùng biên giới phải có trách nhiệm giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng cơ sở vật chất. Chính vì thế, Binh đoàn đã chỉ đạo các đơn vị khi các vườn cao su tái canh chưa khép tán thì cho bà con dân tộc thiểu số mượn đất để trồng lúa và các loại hoa màu khác nhằm giải quyết vấn đề thiếu lương thực”.
Cũng theo Đại tá Hoàng Ngọc Thành, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của các đơn vị đã hướng dẫn bà con cách gieo trồng và lựa chọn những loại giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đưa vào sản xuất nhằm đạt năng suất cao. Thực tế những năm qua cho thấy, chủ trương này đã giúp hàng ngàn hộ gia đình trên khu vực biên giới chủ động về lương thực, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.
Công ty 75 là đơn vị có diện tích sản xuất trên địa bàn 2 huyện biên giới Đức Cơ và Ia Grai. Từ năm 2015 đến năm 2017, đơn vị đã cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số mượn trên 775 ha đất để trồng lúa. Trong 3 năm, các hộ đã thu hoạch được hơn 1.000 tấn lúa, góp phần ổn định an ninh lương thực. Riêng năm 2018, Công ty tiếp tục cho người dân mượn 339 ha đất để trồng lúa, bình quân mỗi hộ dân được mượn từ 1 ha đến 1,2 ha. Thượng tá Trịnh Hà Tâm-Giám đốc Công ty 75-cho biết: “Để cây lúa phát triển tốt và cho năng suất cao, ngay từ khi làm đất, đơn vị đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật xuống các đội sản xuất hướng dẫn cho bà con cách gieo trồng, lựa chọn giống lúa phù hợp. Nhiều hộ gia đình ngoài việc sử dụng các giống lúa rẫy truyền thống đã đưa giống lúa nếp cẩm vào gieo trồng. Đây là giống lúa có giá trị kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng”.
Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm