Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Những lỗ hổng trong quản lý kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chưa bao giờ số vụ án liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng bị phát hiện nhiều như thời gian qua, với mức thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Sáng qua, vụ án Ngân hàng Đại Dương do Lê Văn Thắm cầm đầu đã bị đưa ra xét xử, một lần nữa cho thấy tinh thần quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta  trong cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên, dư luận luôn băn khoăn là vì sao pháp luật của chúng ta không thiếu, nhưng các đối tượng vẫn có thể tự tung tự tác, gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế đất nước.  

ha
Hà Văn Thắm trước vành móng ngựa.

Sau bầu Kiên, Phạm Công Danh, giờ lại đến lượt Hà Văn Thắm và đồng bọn phải hầu tòa vì hành vi cố ý làm trái các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng. Người dân giờ đây gần như đã quá quen với suy nghĩ, đã là án ngân hàng thì con số thiệt hại nào cũng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Từ vụ án Nguyễn Đức Kiên gây thất thoát 1.700 tỷ đồng, đến vụ đại án Ngân hàng Xây dựng là 9.000 tỷ đồng, rồi bây giờ, Ngân hàng Đại Dương con số thiệt hại cũng không hề nhỏ: xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Những con số gây nhức nhối không chỉ đối với  những nhà quản lý tài sản quốc gia mà còn cả với mỗi người dân-những người đang ngày đêm cần mẫn lao động sản xuất, chắt chiu từng đồng tiền nộp thuế để xây dựng đất nước.

Lần giở lại những vụ đại án ngân hàng, có thể thấy rằng mánh khóe, thủ đoạn mà các “đại gia” này sử dụng đều na ná nhau. Đó là lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lợi dụng chủ trương tái cơ cấu ngân hàng, thành lập các công ty sân sau, phù phép rút tiền nhà nước.  Nhờ người đứng tên hộ, sau 2 năm, Phạm Công Danh đã nắm đến 84% cổ phần của Ngân hàng Xây dựng-một việc làm hoàn toàn trái với quy định pháp luật. Hậu quả là đối tượng này đã gây thất thoát của Nhà nước 9.000 tỷ đồng. Cũng như Phạm Công Danh, bằng thủ đoạn nhờ người thân đứng tên thành lập các công ty “sân sau”, Hà Văn Thắm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo thuộc cấp thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, rút tiền của Ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng…

Phạm Công Danh và các đồng phạm đã phải đền tội bằng những bản án đích đáng. Đến lượt Hà Văn Thắm phải đứng trước vành móng ngựa vì lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây hậu quả nghiêm trọng. Rồi đây, Hà Văn Thắm và đồng bọn chắc chắn phải trả giá đắt cho hành vi phạm tội của mình.

Đất không được chuyên cần vun xới, cỏ dại sẽ mọc lan. Sự lỏng lẻo trong các quy định pháp luật sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm và lòng tham trỗi dậy. Bài học lớn nhất ở đây là “bài học về quản trị ngân hàng”. Các vụ án đều giống nhau ở chỗ bắt nguồn từ những nguyên tắc quản trị ngân hàng bị phá vỡ hoặc không có điều kiện bảo đảm thực thi. Chỉ cần một vài quy trình bị bẻ gãy, hàng ngàn tỷ đồng có thể bị chiếm đoạt dễ dàng. Chỉ cần một cá nhân nắm hoàn toàn quyền chi phối và không màng đến rủi ro pháp lý, hàng ngàn tỷ đồng của ngân hàng có thể “bốc hơi”.

Điều đó cho thấy vì sao các ngân hàng “có vấn đề” này đã được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước mà tiền vẫn bị các đối tượng này rút ruột. Vai trò, trách nhiệm của các thành viên Tổ Giám sát ở đâu, thiết nghĩ cũng cần được làm rõ và có người chịu trách nhiệm.

Trong bối cảnh nợ công của quốc gia đã chạm trần, nhiều công trình dự án thiết thực của nền kinh tế quốc gia đang đợi vốn, hàng triệu gia đình nghèo cần vốn hỗ trợ sản xuất, ổn định cuộc sống; Đảng và Chính phủ cũng đang kêu gọi triệt để thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước thì những lỗ hổng trong quản trị ngân hàng phải được khắc phục hiệu quả và kịp thời.

 Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm