(GLO)- Từ bỏ ước mơ được đặt chân vào giảng đường đại học để học nghề ngay sau khi tốt nghiệp, gia đình khó khăn không thể nuôi học đại học, hoặc sợ đăng ký thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét đại học sẽ khó đậu… là những nguyên nhân khiến hàng ngàn học sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp tại kỳ thi THPT Quốc gia 2016.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai, kỳ thi THPT Quốc gia 2016 toàn tỉnh có khoảng 3.039 trên tổng số 10.564 học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Trong đó nhiều trường có tỷ lệ này khá cao như 2 trường ở huyện Krông Pa là THPT Đinh Tiên Hoàng: 101/128, THPT Nguyễn Du: 117/181 và Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Đak Đoa): 117/158…
Nhiều thí sinh đã lựa chọn sát thực tế khi quyết định chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp. (ảnh minh họa) |
Từ bỏ ước mơ vào đại học
Được đánh giá là một trong những học sinh khá nhất lớp 12C6-Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai), nhưng em Trần Thị Thu Trang lại quyết định chỉ đăng ký thi các môn để xét tốt nghiệp mà không xét đại học. Quyết định từ bỏ ước mơ bước vào giảng đường đại học của Trang khiến không ít bạn bè, thầy cô tiếc nuối. Trang chia sẻ lý do rất thực tế: “Ước mơ của em là trở thành nhà giáo. 12 năm đi học em vẫn theo đuổi ước mơ đó cho đến khi đứng trước sự lựa chọn khó khăn vào năm học cuối cấp này. Thực tế có rất nhiều người học sư phạm ra trường không có việc làm, địa phương em những trường hợp này cũng không hiếm. Em sợ mình sẽ uổng phí thời gian 4 năm đại học lẫn bao nhiêu tiền bạc, công sức của bố mẹ. Em quyết định chỉ dự thi để xét tốt nghiệp, sau đó sẽ theo học nghề”. Trang cho biết thêm, em sẽ học nghề trang điểm vì đây đang là nghề có nhiều đất sống. Thu Trang bộc lộ suy nghĩ một cách chững chạc: “Đời sống ngày càng phát triển nên người ta rất chú trọng bề ngoài, đi đâu cũng cần trang điểm và mặc đẹp. Vì thế em muốn theo học nghề này để sau này có việc làm ngay và thu nhập cho bản thân”.
Dũng cảm từ bỏ ước mơ đặt chân vào giảng đường đại học, em Nguyễn Thị Thùy Trinh (lớp 12A7 Trường THPT Chu Văn An, huyện Krông Pa) cũng chỉ đăng ký các môn thi xét tốt nghiệp dù em được thầy cô nhận xét có nhiều cơ hội đậu Đại học bởi học lực khá nhiều năm liền và khả năng học tốt các môn tự nhiên. Trinh bộc bạch: “Ban đầu em định thi đại học vào ngành Quản trị kinh doanh. Nhưng học ngành này sợ không có đầu ra vì em tìm hiểu thấy nguồn nhân lực đã dư thừa. Vì thế em quyết định sẽ chuyển sang học nghề. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ ở nhà phụ giúp bố mẹ một thời gian. Em rất thích nghề bếp nên có thể sẽ đi học nấu ăn để trở thành một đầu bếp, nghề này chắc dễ có việc làm hơn”.
Nhìn nhận đúng thực tế
Ngoài những học sinh dám mạnh dạn từ bỏ ước mơ vào đại học khi nhìn nhận đúng thực tế, nhiều học sinh “không dám mơ” vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn và học lực trung bình. Hai chị em ruột Ksor HMiêng (lớp 12A7) và em gái Ksor HLiêng (lớp 12A4 Trường THPT Chu Văn An, huyện Krông Pa) sinh ra trong gia đình có tới 10 anh chị em, bố mẹ làm nông nên việc cho con đi học là nỗ lực rất lớn. Vì thế, HMiêng và HLiêng đều chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp và không dám mơ xa trên con đường học hành. HMiêng chia sẻ: “Em gái của em rất thích làm bác sĩ, nhưng biết gia đình khó khăn nên nó đành gác lại ước mơ của mình. Còn em chỉ mơ ước được làm một nghệ sĩ chơi piano và guitar. Tụi em dự định sau khi tốt nghiệp cấp III sẽ về phụ giúp gia đình làm nông một thời gian và sẽ theo học nghề gì đó phù hợp. Hơn nữa, với học lực trung bình, em biết thi đại học cũng khó có cơ hội”.
Rất nhiều học sinh chọn phương án thi chỉ để xét tốt nghiệp có hoàn cảnh như hai cô học trò HMiêng và HLiêng. Với học lực trung bình, nhiều em chọn phương án này để “ăn chắc” tấm bằng tốt nghiệp THPT trước khi tính đến phương án nghề nghiệp và việc làm sau này.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Krông Pa) là ngôi trường có tỷ lệ học sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp cao nhất toàn tỉnh với 101/128 em. Đây cũng là nơi có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số lên tới 99,8%. Thầy Trần Văn Thế-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong số 128 em dự thi THPT Quốc gia năm nay thì có tới 127 em là học sinh dân tộc thiểu số, chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, việc các em chọn phương án thi chỉ xét tốt nghiệp sẽ có nhiều lợi thế về kinh phí và tâm lý. Thi để xét tốt nghiệp sẽ dự thi ở cụm thi địa phương do Sở Giáo dục-Đào tạo chủ trì. Về nguyên tắc thì thi cụm địa phương hay cụm thi quốc gia đều nghiêm túc như nhau, nhưng về mặt tâm lý, dự thi ở địa phương sẽ khiến tâm lý các em tự tin, vững vàng hơn; hơn nữa, sẽ tiết kiệm chi phí đi lại, chỗ ăn ở”. Thầy Thế cho biết thêm, một lý do nữa khiến các em đăng ký thi xét tốt nghiệp đông là do chính sách tuyển sinh của nhiều trường đã có sự thay đổi. Nhiều trường đại học chỉ xét điểm học bạ 3 năm học THPT cộng với tiêu chí đậu tốt nghiệp, các trường cao đẳng cũng bỏ điểm chuẩn trong tuyển sinh… mang đến nhiều cơ hội học tập hơn cho học sinh, miễn là các em đậu tốt nghiệp.
Dù có rất nhiều lý do, nhưng việc nhiều học sinh không chọn phương án thi “hai trong một” là sự thay đổi lớn về nhận thức về nghề nghiệp và việc làm. Cả học sinh lẫn phụ huynh ngày càng nhìn nhận thực tế một cách hiểu biết và tích cực khi không bắt con em mình phải thi đại học, đậu đại học bằng mọi giá. Khi nhu cầu việc làm của một số ngành nghề vẫn còn thiếu, việc các em chọn “làm thợ” mà có việc làm hơn là “làm thầy” mà thất nghiệp là một lựa chọn hay. Và để có nhiều hơn những sự lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp và việc làm, việc định hướng, tư vấn của nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng.
Hoàng Ngọc