Điểm đến Gia Lai

Những mùa cà phê "vàng" trên đất Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thập niên 90 của thế kỷ trước, đặc biệt là những năm 1993-1998 có thể nói là “giai đoạn vàng” của người trồng cà phê. Và, đấy cũng là những mùa cà phê đáng nhớ.

Ảnh: Đức Thụy
Không khí ngày mùa đã rộn ràng trên những nương cà phê. Ảnh: Đức Thụy

Dù chỉ loi thoi vài chùm quả chín trên cành thì không khí ngày mùa đã đến với những vùng đất cà phê ngay từ lúc này rồi.

Trên những ngả đường lầm bụi đỏ đổ về các nông trường, mới sáng tinh mơ đã rầm rập những đoàn quân dịch vụ: nào các “công ty 2 sọt” chở thực phẩm tươi sống, nào người bán cà rem, trứng vịt lộn rồi người bán chổi lông vịt, lông gà, mài dao kéo, sửa đồ dùng hỏng, bấm lỗ tai… nghĩa là đủ thứ “tả pí lù” đón đầu những gì mà các “thượng đế” có thể cần. Chợ làng thường ngày lèo tèo người bỗng phồng ra như chợ Tết. Các sạp thực phẩm, tạp hóa tíu tít người mua, kẻ bán. Bên các con đường dẫn đến chợ, những “đặc sản” thường ngày không thấy bỗng mọc ra: heo quay, vịt quay rồi cả chó quay… Chủ quán nào cũng bỗng nhiên lởi xởi, ngọt ngào chèo kéo khách. Cơ hội buôn bán 1 ngày hơn cả tháng này mỗi năm mới có một lần.

Nhưng phải vào những ngày chính vụ thì không khí náo nhiệt ngày mùa mới được bung hết cỡ: Trời chưa tắt nắng, trên những bãi đất trống, tiếng loa của các gánh hát, các rạp chơi lô tô đã oang oang thúc giục, gọi mời. Mọi quán nhậu đều đông kín khách. Có những người từ vườn cà phê về, chẳng cần thay quần áo, cứ thế sà luôn vào quán. Không có tiền ngay, các chủ quán sẵn sàng cho ký nợ hoặc cũng có thể trả luôn bằng... cà phê tươi. Chẳng những ở khu vực trung tâm, trong các khu dân cư, không khí cũng ồn ã, sôi động không kém. Mọi ngõ ngách rộn vang tiếng xe máy, tiếng nhạc. Trong những căn nhà vừa sắm dàn karaoke, người đứng, người ngồi chật ních. Chưa hài lòng với những thứ dịch vụ tại chỗ, nhiều người xuống tận thị xã để “xả hơi”, mua sắm. Dân buôn bán ở Pleiku ngày ấy vẫn kháo nhau: Cứ thấy ai mang dép tông Thái dính bụi đỏ nhưng mua hàng không cần trả giá thì đấy là dân cà phê!    

Brazil liên tiếp mất mùa vì hạn hán và sương muối, diện tích cà phê chưa vượt tầm kiểm soát, cung không đủ cầu… là những lý do khiến cà phê thời gian này được giá. Mỗi ki lô gam cà phê quả tươi có lúc lên tới 5.500 đồng, nghĩa là mỗi tạ cà phê tươi là 1 chỉ vàng. Tôi đã chứng kiến niềm vui đến ngỡ ngàng của một công nhân khi ông đưa 2 tay vốc lên một vốc cà phê, giọng như lạc đi: “Chú xem, chỉ chừng này mà hơn 5 ngàn bạc”. Đất mới màu mỡ, vườn cây đang giai đoạn sung sức. Ở các nông trường thì bắt đầu cơ chế khoán sản phẩm. Lợi ích vật chất nhãn tiền đã kích thích người lao động hết mình cho cây cà phê. Tất cả những yếu tố này đã kết tinh nên một giai đoạn phát triển rực rỡ mà sau này người ta gọi là “thời gian vàng”. Nhiều khu vực trồng cà phê như Nông trường Ia Sao chẳng hạn, năng suất bình quân đã đạt từ 3,5 đến 4 tấn nhân/ha. Trừ sản phẩm nộp khoán, nhiều hộ công nhân thu về mỗi năm 100 triệu đồng, tương đương 20 cây vàng 24K. Chỉ một đội sản xuất, có ngày, công nhân đã “lôi” về cả chục chiếc xe máy Dream Thái. Những ngôi nhà tranh vách ván lụp xụp được thay bằng nhà xây khang trang, những con đường lầy lội được trải nhựa; trụ sở nông trường, trường học hoành tráng được xây dựng chủ yếu là nhờ “giai đoạn vàng” này. Cho đến bây giờ, đến bất cứ địa phương nào, nếu được hỏi đời sống đổi thay từ bao giờ, người dân sẽ khẳng định không chút chần chừ rằng đó là những năm “vàng” của cây cà phê.

Năm 1998, “giai đoạn vàng” kết thúc. Năm 1999, giá cà phê đang từ 6.000 đồng/kg quả tươi đột ngột tụt xuống còn 800 đồng/kg. “Cà phê không bằng cà pháo”-câu nói vui nhưng là hiện thực của thời kỳ này. “Giai đoạn vàng” kết thúc cũng là lúc “đất vàng đất bạc” kiệt dần. Năng suất cà phê mỗi năm mỗi giảm trong khi công lao động, giá vật tư, phân bón ngày một tăng. Đáng mừng là 2 niên vụ gần đây, cà phê bỗng bất ngờ tăng giá. Không khí náo nức niềm vui của những ngày mùa đã bắt đầu trở lại, dẫu sao cũng không thể bằng được “giai đoạn vàng” của ngày xưa. Bây giờ nhớ lại cái thời có vẻ “một đi không trở lại” ấy, nhiều người vẫn tiếc nuối: Giá như ngày đó đừng tiêu xài lãng phí, để tiền đầu tư cho những gì chính đáng thì cuộc sống bây giờ đã khác rồi.

 

NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm