Phóng sự - Ký sự

Những nẻo đường Campuchia - Bài 3

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mấy ngày sau, chúng tôi được nghỉ ngơi cho lại sức. Tôi nói chuyện được với gia đình, động viên vợ con.
Những người xây dựng Thông tấn xã SPK từ những ngày đầu. Từ trái sang: Nhà báo Nguyễn Bá Ngạc; Phó Tổng Giám đốc TTXVN Trần Thanh Xuân; Tổng Giám đốc SPK Chey Saphon; nhà báo Đỗ Phượng - Phó Tổng Giám đốc TTXVN kiêm Trưởng đoàn chuyên gia S78; một cán bộ Tổng đoàn chuyên gia B68; Phó trưởng đoàn S78 - nhà báo Trần Hữu Năng (Phnom Penh, năm 1979)

Những người xây dựng Thông tấn xã SPK từ những ngày đầu. Từ trái sang: Nhà báo Nguyễn Bá Ngạc; Phó Tổng Giám đốc TTXVN Trần Thanh Xuân; Tổng Giám đốc SPK Chey Saphon; nhà báo Đỗ Phượng - Phó Tổng Giám đốc TTXVN kiêm Trưởng đoàn chuyên gia S78; một cán bộ Tổng đoàn chuyên gia B68; Phó trưởng đoàn S78 - nhà báo Trần Hữu Năng (Phnom Penh, năm 1979)

Vợ tôi vẫn đi dạy học xa, con nhỏ, giá cả leo thang đến chóng mặt, tình hình biên giới phía Bắc không yên. Tranh thủ mấy ngày được nghỉ, tôi đã viết được truyện ngắn “Anh về thành phố không muộn” dựa theo cuộc đời thực của người lính Campuchia Cay On mà tôi đã gặp ở thủ đô Phnôm Pênh. Tuy nhiên, truyện ngắn này mới ở dạng phác thảo thì tôi đã phải xếp lại vì có lệnh công tác gấp.

Anh Trần Hữu Năng cho gọi tôi và phóng viên ảnh Bùi Tiến Lợi đến, nói có việc phải đi ngay lên Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ở khu vực Kôngpông Chàm. Chúng tôi vội vàng thu xếp hành lý để sáng sớm hôm sau có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất cùng hai đồng chí, anh Văn Lục - phóng viên của Buổi phát thanh Quân đội bên Đài Tiếng nói Việt Nam và anh Phạm Xương, là phóng viên quay phim quân đội.

Lý do của chuyến đi là: Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 báo về đã gặp được vợ và con gái của ngài Chia Xim, khi đó là Phó Chủ tịch Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia. Cấp trên đã quyết định tổ chức cuộc gặp gỡ giữa ngài Chia Xim và gia đình tại Kôngpông Chàm. Chúng tôi làm tư liệu về cuộc gặp mặt đó. Bên cạnh đấy, việc có mặt ở Kôngpông Chàm cũng là điều kiện tốt để phản ánh cuộc sống ở khu vực này.

Các nhà báo trên đường hành quân cùng Quân đoàn 3 từ Công Pông Chàm về giải phóng Xiêm Riệp. Từ trái sang: Nhà báo Văn Lục - phóng viên chương trình phát thanh QĐND; các nhà báo của TTXVN: Trần Mai Hưởng, Lê Trọng Thư, Phạm Nhật Nam, Phạm Thanh Hải. Ảnh: Bùi Tiến Lợi, 1/1979.

Các nhà báo trên đường hành quân cùng Quân đoàn 3 từ Công Pông Chàm về giải phóng Xiêm Riệp. Từ trái sang: Nhà báo Văn Lục - phóng viên chương trình phát thanh QĐND; các nhà báo của TTXVN: Trần Mai Hưởng, Lê Trọng Thư, Phạm Nhật Nam, Phạm Thanh Hải. Ảnh: Bùi Tiến Lợi, 1/1979.

Tôi và Tiến Lợi cùng nhau ra sân bay sáng sớm, gặp các anh Lục và Xương theo lời hẹn của anh Văn Đức Luyện, phóng viên Thông tấn quân sự đang biệt phái ở Bộ chỉ huy chiến dịch. Chúng tôi được bố trí lên chiếc trực thăng HU1A bay sang sân bay Pochentông. Đấy là một chuyến đi nhớ đời. Anh Xương mang máy quay phim cồng kềnh. Anh Lục thì còn một bó tài liệu binh vận bằng tiếng Campuchia để phát cho đồng bào vùng mới giải phóng. Trong bốn anh em, chỉ anh Văn Lục có một khẩu súng K59, còn lại đều đi tay không, ngoài quần áo, đồ dùng nghiệp vụ, chẳng ai có vũ khí gì. Đi với bộ đội, vào một đơn vị lớn, có ai nghĩ đến việc phải có súng.

Chúng tôi sang sân bay Pochentông. Lúc hạ cánh mới biết là phi hành đoàn chỉ có nhiệm vụ bay đến đó rồi trở về Sài Gòn. Việc đi tiếp như thế nào do chúng tôi tự liên hệ. Anh Văn Lục, một phóng viên lớn tuổi hơn và có quen biết nhiều đi liên hệ các đầu mối, nhưng trên sân bay lúc đó, không có chuyến bay nào lên Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 cả. Có trục trặc trong điều hành nên ở sân bay không có ai đón và cũng chẳng có kế hoạch nào liên quan đến nhóm công tác của chúng tôi. Mấy anh em đành phải bàn nhau tự tìm cách xoay xở. Rất may, lúc đó tôi nhìn thấy trên sân bay một người cao lớn, dáng chỉ huy đi lại trông rất oai vệ. Tôi hỏi anh Văn Lục thì anh cho biết người đó là Tướng Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách không quân. Anh Văn Lục biết Tướng Phùng Thế Tài, nên kéo chúng tôi lại trình bày công việc. Lần đầu tiên tôi biết mặt vị tướng nổi danh và độc đáo này. Ông cao lớn, gương mặt trông khá dữ dằn, nhưng ẩn sau đó là một vẻ nhân hậu dễ mến. Ông nghe chúng tôi trình bày xong, suy nghĩ một lát rồi quyết ngay:

- Việc của các cậu là việc cần. Chắc có trục trặc nào đó. Tôi không biết gì về kế hoạch này. Tôi ở Sài Gòn vừa lên hôm nay, trưa quay về. Nhưng tôi có thể cho máy bay của tôi chở các cậu lên Quân đoàn 3 rồi quay về đón tôi sau!

Mấy anh em cảm ơn Tướng Phùng Thế Tài rồi nhanh chóng lên chiếc MI6 đang chờ sẵn. Tướng Phùng Thế Tài gọi anh cơ trưởng xuống, giao cho anh nhiệm vụ chở chúng tôi lên Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ở Kôngpông Chàm. Chúng tôi mừng quá, mấy anh phóng viên xoàng đi máy bay riêng của Phó Tổng tham mưu trưởng còn mong gì hơn nữa. Nhưng ở đời không phải lúc nào cũng học được chữ “ngờ”! Lúc lên trời, nhắm hướng Đông Bắc lao tới, anh cơ trưởng cũng còn khá trẻ, nói:

- Chúng tôi sẽ chở các anh xuống sân bay Kôngpông Chàm rồi phải quay về ngay vì Thủ trưởng đang đợi!

Mấy anh em đồng ý ngay. Máy bay thì phải hạ cánh xuống sân bay chứ còn đi đâu nữa! Chúng tôi tranh thủ quan sát cảnh vùng Đông Bắc Campuchia từ trên cao. Tiến Lợi còn loay hoay chụp ảnh vì mấy khi có dịp như vậy. Khi nhìn thấy sân bay, mấy anh em vui mừng. Hành lý đã sẵn sàng. Chiếc máy bay hạ cánh nhưng không tắt máy. Mấy anh em chào tổ lái rồi ra khỏi máy bay. Chiếc MI6 cất cánh lên và trở về Phnôm Pênh.

Chúng tôi nhìn quanh và đến lúc đó mới giật mình: Một sân bay vắng lặng, không một bóng người. Cờ vàng ba tháp của quân vẫn treo trên chòi không lưu và các nhà xung quanh. Máy bay đã bay rồi, chẳng còn cách nào khác. Anh Lục giở bản đồ và định hướng để mấy anh em cắt đường ra phía quốc lộ 10. Mấy anh em trong tổ bay chưa lên quân đoàn bao giờ và họ cũng nghĩ đơn giản. Kôngpông Chàm đã giải phóng thì sân bay phải thuộc về quân mình, điều ấy là đương nhiên, chẳng có gì phải băn khoăn cả.

Phnom Penh những ngày đầu giải phóng. Từ trái sang: Nhà báo Nguyễn Hồng Sĩ; Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng; Lê Trọng Thư; Lê Doãn Tặng.

Phnom Penh những ngày đầu giải phóng. Từ trái sang: Nhà báo Nguyễn Hồng Sĩ; Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng; Lê Trọng Thư; Lê Doãn Tặng.

Chúng tôi ở trong tình thế nguy hiểm. Tàn quân Pol Pot đang ở trong vùng. Phải nhanh chóng tìm ra đường quốc lộ để đến với các đơn vị trong khu vực này. Đấy là sự lựa chọn duy nhất. Anh Lục đi trước, tay cầm khẩu K59 lên đạn sẵn sàng. Điều tai hại nhất là ba người còn lại đều tay không. Giá như chỉ có một khẩu AK thôi cũng là tốt. Chúng tôi đi cách xa nhau vì đề phòng nếu gặp địch hoặc bị phục kích, khả năng cả bốn người cùng bị trúng đạn một lúc sẽ ít hơn. Mấy anh em nhắm hướng đường 10 mà đi, qua các khu làng, lúc trên đường nhỏ, có lúc ra đường lớn. điều đáng ngại là đi đâu cũng còn dấu vết của chế độ Pol Pot. Có phum ven đường còn dân, họ thập thò trong những bộ quần áo đen, nhìn theo mấy anh lính Việt Nam với một vẻ dò xét, lạ lẫm. Không thể biết đâu là dân, đâu là lính Pol Pot, nên chỉ giơ tay chào và nhắc nhau đi thật nhanh. Có cảm giác đâu đó trong những lùm cây, ngôi nhà có những họng súng đang chĩa vào mình. Được cái mấy anh em đều đã từng ở chiến trường thời chống Mỹ, nên quen thử lửa rồi. Chúng tôi nếm trải cảm giác ngần ngại trên một vùng đất không phải Tổ quốc mình, giữa những hiểm nguy rình rập. Điều này không hề có trong những năm tháng chống Mỹ. Thấy thèm khát làm sao, dù ác liệt đến mấy, được ở giữa những người đồng bào của mình, trên mảnh đất quê hương.

Chúng tôi ra đến đường 10 vào giữa chiều, rất may không có điều gì xảy ra. Cả nhóm rất vui mừng khi gặp các chiến sĩ Sư đoàn 10 đang hành quân. Một đồng chí trong Ban tham mưu sư đoàn nói với chúng tôi:

- Các anh may vô cùng. Chúng tôi vừa mới đánh nhau với quân Pol Pot hôm qua ở khu vực đó. Bộ Tư lệnh Quân đoàn ở khu vực phía trên, bên kia phà Kôngpông Chàm. Chắc mấy ông không quân không biết thông tin rồi!

Chúng tôi theo anh em Sư đoàn 10 qua sông. Rất may, lúc sang bên kia, chúng tôi gặp nhóm phóng viên Thông tấn xã đi theo quân đoàn cũng đang ở đó, gồm các anh Phạm Nhật Nam, Thanh Hải và Lê Trọng Thư, lái xe. Anh em tay bắt mặt mừng. Chúng tôi theo xe của nhóm về Bộ Tư lệnh và làm việc với anh Phạm Sinh, Chính uỷ quân đoàn. Các anh đã biết về việc của chúng tôi. Cuộc gặp của ông Chia Xim và gia đình sẽ diễn ra vào ngày mai. Biết chuyện chúng tôi xuống sân bay Kôngpông Chàm, anh Phạm Sinh phàn nàn, quân đoàn đã xây dựng một sân bay dã chiến cho trực thăng, thế mà bên không quân không thông báo đầy đủ cho các đơn vị, nên để xảy ra tình trạng đó. Rất may là chúng tôi không sao. Nguy hiểm qua đi, chỉ còn lại một câu chuyện để nhớ mãi!

Các cán bộ phụ trách đào tạo của TTXVN - các nhà báo Phan Thành Nghiêm (thứ hai từ phải sang), Trương Đức Anh (thứ ba từ phải sang) cùng các học viên khóa cán bộ đầu tiên TTXVN đào tạo cho SPK (năm 1979 ).

Các cán bộ phụ trách đào tạo của TTXVN - các nhà báo Phan Thành Nghiêm (thứ hai từ phải sang), Trương Đức Anh (thứ ba từ phải sang) cùng các học viên khóa cán bộ đầu tiên TTXVN đào tạo cho SPK (năm 1979 ).

Tối hôm đó, chúng tôi cùng các anh Nhật Nam, Thanh Hải và Lê Thư trò chuyện đến khuya. Nhóm các anh từ khi tham gia chiến dịch đến giờ chưa về Sài Gòn. Chúng tôi chia sẻ tình hình, kể chuyện Sài Gòn và bàn bạc về công việc sắp tới. Các anh Nhật Nam, Thanh Hải, Tiến Lợi cùng nhiều đồng chí ở phía Nam đã qua kháng chiến chống Mỹ, lại liên tục bám trụ địa bàn trong này, nên rất am hiểu mọi việc. Các anh ở trong số những người đã theo sát chiến trường biên giới Tây Nam ngay từ những ngày đầu tiên, chịu đựng nhiều hy sinh, vất vả. Thanh Hải còn to khoẻ chứ Nhật Nam lúc đó người nhỏ bé, lại vất vả vì đi chiến dịch dài ngày, nên càng gày gò hơn. Nhưng trong con người Nam luôn toát lên vẻ điềm tĩnh và niềm tin rất đáng mến. Chúng tôi còn ở trên đất Campuchia với nhau gần hai năm, ấn tượng của tôi về Nhật Nam vẫn như vậy. Thanh Hải to khoẻ với bộ ria mép có sự bộc trực, thẳng thẳn của người miền Tây. Tiến Lợi thì rất hóm hỉnh và hồn nhiên trong mọi việc. Sau này, tôi cũng có một thời gian dài ở với Tiến Lợi khi biệt phái ở Quân đoàn 4 cùng với anh Vũ Tâm, tổ trưởng và Văn Thu, lái xe.

Sáng hôm sau, chúng tôi được đưa đến một khu lán mới cất trong rừng cao su. Bà Chia Xim và cô con gái nhỏ trong bộ đồ đen đã chờ sẵn ở đó. Qua phiên dịch, chúng tôi được bà kể lại chuyện chạy trốn trong rừng cùng con gái khi quân Pol Pot tháo chạy và muốn lùa dân đi theo. Bà biết chồng mình đã chạy sang miền Đông từ nhiều tháng trước và tìm đến với bộ đội Việt Nam để hỏi tin tức. Đến khi ấy bà mới biết chồng bà đó hiện là Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc đoàn kết cứu nước Campuchia, điều mà bà rất bất ngờ. Chừng một giờ sau thì ngài Chia Xim tới. Ông to béo, người hơi thấp nhưng nhanh nhẹn trong bộ quân phục. Chúng tôi được chứng kiến cảnh gia đình ông đoàn tụ rất cảm động. Sau những phút ban đâu, giọng nói còn run run vì niềm vui quá lớn, ông nói lời cảm ơn đối với quân tình nguyện Việt Nam đã giúp tìm thấy gia đình và tổ chức cho ông gặp lại người thân. Đại diện Bộ Tư lệnh quân đoàn nói lời chúc mừng ông và gia đình, chúc mừng đất nước Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng.

Sau khi làm xong nhiệm vụ chụp ảnh, quay hình và ghi âm lời nói cũng như những tình tiết chính, chúng tôi rút ra ngoài khu lán để cho gia đình ông có những phút riêng tư. Đấy là một trong rất nhiều cảnh đoàn tụ diễn ra trên đất nước Campuchia những ngày đó và để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi.

Ngày hôm sau, chúng tôi lại đến Bộ Tư lệnh quân đoàn, cùng với các anh Nhật Nam, Thanh Hải tiếp tục tìm hiểu tình hình. Từ Tây Nguyên, Quân đoàn 3 cùng với các lực lượng của bạn tiến sang khu vực Kôngpông Chàm, trong đó có Chúp, vùng trồng cao su nổi tiếng của Campuchia. Các trận đánh diễn ra rất quyết liệt. Cuối cùng quân Pol Pot rút về khu vực Xiêm Riệp. Lực lượng của ta và bạn đang tiếp tục chiến dịch. Việc giải phóng Xiêm Riệp không còn xa. Điều đáng nói là đi đến đâu, lực lượng cách mạng và quân tình nguyện Việt Nam cũng được đồng bào ủng hộ và giúp đỡ. Tình hình đang phát triển rất thuận lợi.

Các phóng viên đầu tiên của SPK do TTXVN đào tạo. Từ trái sang: Chhem Chanty, Kong Nakry, Long Mary, Chan Kolap

Các phóng viên đầu tiên của SPK do TTXVN đào tạo. Từ trái sang: Chhem Chanty, Kong Nakry, Long Mary, Chan Kolap

Chúng tôi được lệnh trở về Sài Gòn gấp và mang theo các tài liệu đã có. Mấy anh em trong tổ chia tay chính uỷ Phạm Sinh, người quê hương Nam Định rất chân tình và quan tâm đến cánh nhà báo, chia tay các đồng chí ở Bộ Tư lệnh, Cục chính trị. Chúng tôi tạm biệt Nhật Nam, Thanh Hải với nhiều lưu luyến với lời hẹn gặp ở Phnôm Pênh. Các anh vẫn phải tiếp tục công việc của mũi phóng viên theo quân đoàn. Mấy anh em ôm nhau rất chặt. Hiểm nguy vẫn đang rình rập. Sự hy sinh có thể đến bất cứ lúc nào. Sáng hôm ấy, chúng tôi theo trực thăng lên đón Thiếu tướng Kim Tuấn, Tư lệnh quân đoàn, về họp ở Mặt trận. Đấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được gặp ông, một người anh hùng của Tây Nguyên, của chiến trường Campuchia. Ông mặc bộ đồ mầu ghi nhạt rất giản dị, trên vạt áo còn cả vết cháy của tàn thuốc. Chúng tôi qua Phnôm Pênh trên đường về Sài Gòn. Tôi nhớ khi đến Phnôm Pênh, Tư lệnh Kim Tuấn có một yêu cầu rất nhỏ nhẹ với tổ lái:

- Các cậu bay một vòng cho mình ngắm Phnôm Pênh một chút!

Tôi hiểu được tâm trạng của ông. Đấy là trái tim của đất nước này, một đất nước mà ông cùng các đồng đội của mình lại một lần nữa không ngại hy sinh, gian khổ, không tiếc máu xương, ra trận để bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng. Mấy tuần lễ sau, khi đang ở Phnôm Pênh, tôi sững sờ nghe tin Tướng Kim Tuấn đã hy sinh trong khi cùng Bộ tư lệnh hành quân từ Kôngpông Chàm về Xiêm Riệp. Một phát đạn bắn lén của lính Pol Pot ở bên đường đã trúng vị tư lệnh quả cảm đó.

Có thể bạn quan tâm