(GLO)- Trên địa bàn huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) có không ít nghệ nhân dành cả cuộc đời cho việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc mình.
Đã hơn 40 năm gắn bó với nghề tạc tượng gỗ, ông Đônh (làng Kon Brung, xã Ayun) cũng không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu sản phẩm. Chỉ bằng những dụng cụ thô sơ, đôi tay rắn chắc và khéo léo của ông đã tạo nên những bức tượng gỗ không chỉ đẹp mắt mà còn rất có hồn. Ông Đônh bộc bạch: “Năm 20 tuổi tôi được cha cho đi theo phụ giúp làm những công việc liên quan đến tạc tượng. Ngắm nhìn cha sáng tác, tôi say mê từ lúc nào rồi dần dần học theo”. Trên khoảnh sân nhỏ, ông chỉ dẫn thanh niên trong làng tạc tượng, giúp thế hệ trẻ tự hào với nghề truyền thống, có thêm ý thức giữ gìn, bảo tồn.
Ông Đônh (làng Kon Brung, xã Ayun) đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề tạc tượng gỗ. Ảnh: Hà Phương |
Đến nay, làng Kon Brung có 12 người là học trò của ông. Để tạc được bức tượng như ý, các nghệ nhân phải dành nhiều thời gian, tỉ mỉ từng nhát rìu, nhát đục. “Những bức tượng được làm ra phải đẹp, sinh động, tạo cảm giác thân thuộc với đời sống thường nhật. Khi mọi người chiêm ngưỡng sẽ cảm nhận được trên khuôn mặt tượng gỗ những cảm xúc thường ngày, gần gũi và rất tự nhiên”-ông Đônh chia sẻ.
Ông Lê Hồng Trãi-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ayun-cho biết: “Ông Đônh thường tham gia các cuộc thi do tỉnh, huyện tổ chức và đạt nhiều giải thưởng. Ngoài ra, ông còn giỏi về đan lát, làm nhà sàn, nhà rông truyền thống, sử dụng được nhiều nhạc cụ dân tộc. Nhiều năm liền, ông được tỉnh, huyện, xã tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc”.
Nghệ nhân Byơh ở làng Bok Ayơl (xã Hà Ra) là một trong những người tâm huyết lưu giữ nghề làm đàn t'rưng. Từ nhỏ, những âm thanh trong trẻo, thánh thót của đàn trưng đã thấm vào ông. Không chỉ chơi thành thạo, ông Byơh còn chế tác đàn trưng. Ông chia sẻ: “Gia đình tôi đã có 3 thế hệ chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Bahnar. Để làm nên một cây đàn trưng phải trải qua nhiều công đoạn, vật liệu chính là nứa hoặc lồ ô, thân ống có đường kính 3-4 cm, dài 30-70 cm được phơi khô khoảng 3 đến 4 ngày, sau đó gác trên giàn bếp nhằm chống mọt. Khi nứa đã khô, nghệ nhân tiến hành vót từng ống theo thứ tự từ ống to, dài đến ống nhỏ, ngắn. Điều quan trọng nhất là phải vừa vót vừa gõ vào ống để chỉnh âm, phải thật khéo cho đến khi nghe được âm hoàn chỉnh. Để hoàn thành một cây đàn trưng thường mất khảng 2-3 tháng. Tùy theo kích thước, cây đàn lớn nhất tôi bán với giá 2 triệu đồng, nhỏ nhất là 150 ngàn đồng. Nhờ đó, gia đình cũng có thêm thu nhập ổn định”.
Ông Byơh (làng Bok Ayơl, xã Hà Ra) biểu diễn đàn t'rưng do chính mình chế tác. Ảnh: Hà Phương |
Do tác động của cuộc sống hiện đại, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang có nguy cơ bị mai một. Vì vậy, những nghệ nhân như ông Đônh, ông Byơh là những nhân tố tích cực góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để huyện Mang Yang khai thác tốt tiềm năng lợi thế phát triển du lịch. Ông Võ Văn Sơn-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Mang Yang-cho biết: “Trên địa bàn huyện có gần 100 nghệ nhân thuộc các loại hình văn hóa dân gian. Họ đóng góp tích cực vào công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”.
HÀ PHƯƠNG