Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Những người “bắt bệnh” cho vũ khí, trang-thiết bị kỹ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cán bộ, nhân viên Tiểu đoàn 30 (Cục Kỹ thuật, Quân đoàn 3) được ví như những người chuyên “bắt bệnh” cho vũ khí, trang-thiết bị kỹ thuật cho cả Quân đoàn và các đơn vị đóng quân trên địa bàn Tây Nguyên.

Chúng tôi đến thăm Đại đội sửa chữa vũ khí của Tiểu đoàn 30 khi cán bộ, nhân viên đang “khám bệnh” cho khẩu súng cối vừa được đơn vị bạn chuyển đến. Sau khi kiểm tra an toàn, các anh tiến hành tháo các chi tiết, tẩy mỡ, lau chùi để sửa chữa. Đại úy Thừa Trung Hải-Đại đội trưởng Đại đội sửa chữa vũ khí-cho biết: Đảm bảo vũ khí sử dụng tốt, khai thác hết tính năng, tác dụng là trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Có những loại vũ khí qua quá trình sử dụng đã hư hỏng, thiếu trang bị thay thế, Đại đội phải nghiên cứu, tìm giải pháp để khắc phục.

“Mỗi lần sửa chữa xong, tiến hành bắn hiệu chỉnh vũ khí đạt chất lượng, chúng tôi mới bàn giao cho các đơn vị tiếp tục sử dụng. Với cánh thợ sửa chữa chúng tôi, đó là việc làm thiết thực nhất để thực hiện Cuộc vận động 50 về “Quản lý, khai thác vũ khí, trang-thiết bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”-Đại úy Hải chia sẻ.

Cán bộ, nhân viên Tiểu đoàn 30 sửa chữa phương tiện. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cán bộ, nhân viên Tiểu đoàn 30 sửa chữa phương tiện. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trung tá Nguyễn Văn Vịnh-Chính trị viên Tiểu đoàn 30-cho hay: Tiểu đoàn có nhiệm vụ sửa chữa súng, pháo, khí tài, xe ô tô quân sự; kiểm định ô tô cho các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn Tây Nguyên. Ngoài ra, đơn vị còn đảm nhiệm việc bồi dưỡng, huấn luyện thi nâng bậc thợ; huấn luyện nâng cao trình độ sửa chữa cho cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, Đảng ủy, Chỉ huy Tiểu đoàn đã triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, nhân viên kỹ thuật, qua đó làm chủ công nghệ và kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại.

Không chỉ có đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật được đào tạo bài bản, Tiểu đoàn 30 còn được quan tâm đầu tư các loại máy móc, công nghệ hiện đại. Ngoài 3 phân xưởng chính là sửa chữa vũ khí, sửa chữa ô tô và gia công cơ khí, Tiểu đoàn còn có các công trình phụ trợ như: nhà nhuộm đen vũ khí trang bị, hầm hiệu chỉnh súng bộ binh, nhà sửa chữa khí tài quang học, phòng huấn luyện chuyên ngành, trạm kiểm định xe ô tô quân sự, nhà để xe ô tô, trạm nạp điện rất hiện đại. Ngoài việc nâng cao trình độ, khả năng làm chủ, khai thác hiệu quả máy móc, công nghệ của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, đơn vị đề cao công tác đảm bảo an toàn trong sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật. Hàng ngày, cán bộ được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn, các quy định về bảo hộ lao động, vệ sinh lao động của thợ sửa chữa.

Nhờ triển khai tốt các giải pháp, từ năm 2021 đến nay, Tiểu đoàn đã sửa chữa hơn 100 xe ô tô các loại, ngoài ra còn bảo dưỡng, sửa chữa hơn 5 ngàn khẩu súng, kiểm định trên 3 ngàn xe ô tô. Nhiều cán bộ ở Tiểu đoàn cho rằng: Đã là lính thợ thì trong mọi điều kiện, hoàn cảnh không bao giờ được chủ quan, phải luôn chấp hành nghiêm quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, phải thường xuyên rèn luyện cho mình tính tỉ mỉ, kiên trì, cẩn thận, tinh thần yêu nghề, coi trọng vũ khí, trang bị kỹ thuật. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Tiểu đoàn đã phát động nhiều phong trào thi đua cải tiến trang bị kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã có 20 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Cục Kỹ thuật Quân đoàn công nhận. Nhiều sáng kiến khi áp dụng vào thực tế của đơn vị đã góp phần đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí, trang bị đảm bảo an toàn, hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường.

Trung tá Phạm Văn Hùng-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 30-cho biết: “Tiểu đoàn được ví như “bệnh viện vũ khí, trang-thiết bị kỹ thuật tuyến cuối”, là nơi tiếp nhận, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị hỏng hóc mà cơ sở không khắc phục được. Chính vì vậy, đơn vị hết sức coi trọng công tác huấn luyện kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên. Cùng với huấn luyện lý thuyết, thực hành tại các phân xưởng theo nội dung, chương trình được Cục Kỹ thuật phê duyệt, hàng năm, đơn vị tập trung huấn luyện thi nâng bậc kỹ thuật và khai thác máy công nghệ cao, trang-thiết bị mới chuyên ngành quân khí, xe, máy để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Có thể bạn quan tâm