(GLO)- Một mùa tri ân tiền nhân nữa lại về. Những người con đất Tổ đang sinh sống tại Gia Lai lại cùng nhau hướng về quê hương với niềm tự hào, lòng biết ơn công lao dựng nước của các vua Hùng.
Thành công nơi đất khách
Nhiều người con đất Vĩnh Phú xưa (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) vì cuộc sống, công việc mà kẻ “đi ngược”, người “về xuôi”, lập nghiệp xa quê hương. Thế nhưng, cho dù ở đâu họ cũng luôn hướng về quê hương, lấy niềm tự hào sinh ra trên đất Tổ để nỗ lực, phấn đấu trong công việc, khẳng định bản thân nơi đất khách. Đó cũng là cách mà họ đóng góp cho mảnh đất mình đang sống.
Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai dâng hương đền thờ vua Hùng ở Công viên Đồng Xanh. Ảnh: P.L |
Được sinh ra tại huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), Thạc sĩ Chử Anh Đào (SN 1957, nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) dù không nói ra nhưng luôn coi đó là niềm tự hào, là động lực để phấn đấu trong công việc. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên) vào năm 1977, chàng thanh niên Chử Anh Đào tình nguyện lên vùng đất Gia Lai dạy học tại trường Trung học Sư phạm. Đến cuối năm 1980 thì ông chuyển sang công tác tại Trường Sư phạm cấp 2 (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai bây giờ). Rất tâm huyết với nghề giáo nên cho dù quãng thời gian 40 năm làm nghề có nhiều khó khăn nhưng ông vẫn nỗ lực vượt qua. Không chỉ là một giảng viên giỏi có tiếng của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, cái tên Chử Anh Đào còn được nhiều người biết tới khi ông là tác giả của cuốn tạp văn “Mẹ quê”. Ông còn sáng tác truyện ngắn, viết phê bình, sưu tầm khoảng 70 truyện cổ Jrai, Bahnar, Xơ Đăng… “Khi lên Gia Lai, tôi cảm thấy rất thích. Đặc biệt, tôi rất yêu cuộc sống của những con người bản địa nơi đây, vừa mộc mạc, giản dị, lại thẳng thắn, chăm chỉ… Tôi say mê với truyền thống văn hóa của vùng đất này. Trong sâu thẳm tâm hồn mình, tôi vẫn luôn tự hào là người con của đất Tổ. Đó là dòng cảm xúc rất thiêng liêng, mãnh liệt, giúp tôi luôn tâm niệm phải sống sao cho thật xứng đáng với truyền thống của quê nhà”-Thạc sĩ Chử Anh Đào chia sẻ.
Năm 1990, chị Hoàng Thanh Hương (SN 1979), hiện là Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo bố mẹ rời quê nhà ở huyện Tam Thanh (tỉnh Phú Thọ) vào sinh sống tại Gia Lai. Nghệ thuật múa dân gian cổ của người Mường, các bài khấn, làn điệu xoan từ người mẹ hay khúc hát chèo của người cha vốn là diễn viên chèo Đoàn nghệ thuật Vĩnh Phú đã truyền lại cho chị một tình yêu văn chương, nghệ thuật. Và mảnh đất Gia Lai với nền văn hóa truyền thống đậm đà, độc đáo đã giúp chị làm nên tên tuổi của mình. “Tôi thầm cảm ơn mảnh đất Gia Lai này, nơi tôi đã gặp được những người anh, người chị đi trước đã nhận ra tố chất của tôi để giúp tôi trui rèn và từng bước khẳng định mình”-chị Hoàng Thanh Hương tâm sự.
Còn rất nhiều người con Vĩnh Phú đang sinh sống và làm việc trên mảnh đất Gia Lai màu mỡ. Nhiều người trong số họ đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh. Có thể kể đến như ông Nguyễn Khắc Quang-Phó Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai, Thiếu tướng Đặng Anh Dũng-Tư lệnh Binh đoàn 15, đại tá Trần Quang Hùng-nguyên Giám đốc Công ty 74 (Binh đoàn 15)… Những người con đất Tổ, dù ở bất cứ đâu cũng vẫn luôn nỗ lực hết sức, đóng góp sức mình để xây dựng Tổ quốc giàu mạnh.
Nhớ về nguồn cội
Chị Hoàng Thanh Hương bộc bạch, trước đây, cứ mỗi dịp đi công tác ra Bắc, thế nào chị cũng kiếm cớ để ghé về thăm vùng đất Hương Nộn (huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ). Dù phần lớn thời gian học tập và làm việc là ở mảnh đất Gia Lai, song chị Hương vẫn không thể nào quên xuất thân từ vùng đất địa linh nhân kiệt của mình. “Đó là niềm tự hào rất lớn mà bất cứ ai sinh ra ở Phú Thọ đều gìn giữ trong lòng. Bây giờ, cha mẹ tôi đã quay về quê hương, sống trong một ngôi nhà nhỏ ngay dưới chân Đền Hùng. Vì thế, cứ có dịp là tôi lại cùng gia đình về thăm quê, cũng là dịp để giáo dục cho các con của mình về tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc”-chị Hương bày tỏ.
Mỗi dịp Giỗ tổ 10-3, hơn 1.000 hội viên Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai lại có dịp cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động hướng về nguồn cội. Ông Đỗ Xuân Thu-Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai chia sẻ: “Đây là năm thứ 21 chúng tôi tổ chức ngày Giỗ tổ. Cũng như mọi năm, đúng 9 giờ sáng 10-3, chúng tôi chuẩn bị mâm lễ để dâng hương tại đền thờ vua Hùng ở Công viên Đồng xanh nhằm tưởng nhớ đến các vị vua lập quốc. Trong những năm qua, 10 chi hội đồng hương Vĩnh Phú trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, gắn kết tình cảm giữa những người xa quê với nhau”. Ngoài dâng hương, các chi hội đồng hương Vĩnh Phú còn tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, quyên góp quỹ để tặng quà cho các gia đình có công, các cụ già, khuyến khích con cháu học giỏi…
Ngày Giỗ Tổ 10-3 đã trở thành một mốc thời gian vô cùng thiêng liêng trong mỗi người con Vĩnh Phú nói riêng và Việt Nam nói chung. Đó là dịp để mọi người ở khắp mọi miền đất nước cùng nhau thể hiện lòng tri ân, niềm tự hào, cùng nhau một lòng hướng về Quốc Tổ, từ đó thêm đồng lòng, gắn bó, đoàn kết xây dựng và bảo vệ đất nước.
Phương Linh