Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Những người “giữ lửa” cồng chiêng ở Ayun Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong vai trò người “giữ lửa”, thời gian qua, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng buôn Ama Djơng (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) luôn miệt mài luyện tập và tích cực tham gia nhiều sự kiện văn hóa.

Qua đó, CLB đã góp phần tạo sự kết nối giữa nghệ nhân với thế hệ trẻ trong hành trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng.

Nơi hội tụ những người mê cồng chiêng

Anh Rcom Dam Mơ Ai-Phó Chủ nhiệm CLB Cồng chiêng buôn Ama Djơng-cho hay: Câu lạc bộ được thành lập từ sau Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ II-2023. Với tư cách là Bí thư Chi Đoàn, chứng kiến những buôn làng khác trong tỉnh tập trung luyện tập, trình diễn cồng chiêng rất sôi nổi, anh cũng mong muốn buôn Ama Djơng thành lập được một CLB tương tự. Nghĩ là làm, anh dành thời gian đến từng nhà nghệ nhân và người trẻ trong làng để tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người tham gia CLB cồng chiêng của buôn.

Câu lạc bộ Cồng chiêng buôn Ama Djơng tổ chức lễ cúng bộ chiêng mới (ảnh đơn vị cung cấp).

Câu lạc bộ Cồng chiêng buôn Ama Djơng tổ chức lễ cúng bộ chiêng mới (ảnh đơn vị cung cấp).

“Từ nhỏ, mình đã được tập luyện cồng chiêng cùng với bố mẹ và các già làng nên rất thích. Sau này, khi lớn lên, mình vẫn tiếp tục học hỏi và tham gia biểu diễn cồng chiêng ở một số nhà hàng tại TP. Hồ Chí Minh-nơi mình đã từng sống, học tập. Tuy nhiên, mình cảm nhận bản thân sẽ không thể phát triển và góp phần lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc khi chỉ có một mình nên quyết định rời thành phố hoa lệ để trở về quê hương.

Việc vận động các nghệ nhân và người dân tham gia CLB cồng chiêng của buôn chính là bước khởi đầu của hành trình giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc”-anh Mơ Ai trải lòng.

Ý tưởng thành lập CLB cồng chiêng của anh Mơ Ai nhận được sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo UBND phường Đoàn Kết và các già làng cùng đông đảo bà con trong buôn. Ngày đầu thành lập, CLB có 15 thành viên. Nhưng nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay CLB đã thu hút 40 thành viên, tuổi từ 6 đến 75, trong đó hơn 50% thành viên dưới 35 tuổi.

Không chỉ quy tụ những người có tình yêu với cồng chiêng trong buôn, CLB còn rộng cửa chiêu mộ những nhân tài từ các khu vực lân cận có chung niềm đam mê với mong muốn cùng chung sức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Jrai nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Cũng theo anh Mơ Ai, CLB có 1 thành viên đảm nhận vai trò biên đạo múa, 1 thành viên đã được học chỉnh chiêng nhằm hỗ trợ về chuyên môn, giúp CLB hoạt động ngày càng nền nếp, hiệu quả.

Ông Ksor Nhuan (60 tuổi, trú tại tổ 10, phường Đoàn Kết) là một trong những thành viên lớn tuổi tham gia CLB từ những ngày đầu thành lập. Ông bày tỏ: “Tôi yêu bản sắc văn hóa của người Jrai, đặc biệt là tiếng cồng chiêng. Khi Mơ Ai đến nói về việc thành lập CLB cồng chiêng của buôn, tôi mừng lắm. Mới đây, tôi còn mua 1 bộ chiêng mới để nếu CLB có đông thành viên hơn, tôi sẽ lấy ra cho các cháu luyện tập”.

Chung sức bảo tồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Hiện nay, CLB có sự tham gia của những nghệ nhân giàu kinh nghiệm và những cô cậu học trò nhỏ. Tuy có những bài khó, nhịp phức tạp nhưng các em luôn cố gắng tập trung để nghe và sửa theo lời chỉ dạy của những người lớn tuổi.

Em Rcom H’Sa Lem (6 tuổi, tổ 8, phường Đoàn Kết) là thành viên nhỏ tuổi nhất CLB. Vậy nhưng em đã được đảm nhận đứng đầu hàng của CLB để đánh giữ nhịp chiêng. H’Sa Lem tự hào: “Từ khi tham gia CLB, em vui lắm, cứ đợi đến mỗi tối cuối tuần để được đánh chiêng cùng với các chị các anh trong CLB thôi”.

Đội cồng chiêng buôn Ama Djơng có sự tiếp nối giữa người già và lớp trẻ. Ảnh: Đ.V

Đội cồng chiêng buôn Ama Djơng có sự tiếp nối giữa người già và lớp trẻ. Ảnh: Đ.V

Còn em Ksor H’Sa My (lớp 6, Trường THCS Trần Hưng Đạo, phường Sông Bờ) tham gia CLB từ khi mới thành lập. Dưới sự hướng dẫn của cha, H’Sa My luôn siêng năng tập luyện. “Mỗi lần được cùng cha biểu diễn, cháu vui lắm. Đây là khoảnh khắc đáng nhớ của cháu. Cháu sẽ tiếp tục kêu gọi các bạn học về cồng chiêng nhiều hơn”-H’Sa My tâm sự.

Một trong những điều đặc biệt của CLB chính là việc chị em phụ nữ được tham gia vào việc đánh cồng chiêng. “Theo phong tục xưa, cồng chiêng là nhạc cụ vốn chỉ dành cho nam giới, nhưng chúng tôi thấy nữ giới cũng có khả năng giữ nhịp và cảm âm rất tốt. Các chị em lại có đam mê với cồng chiêng nên CLB luôn khuyến khích họ tham gia”-anh Mơ Ai thổ lộ.

Ông Lại Quang Minh-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã Ayun Pa: “Hiện thị xã có 6 CLB cồng chiêng. Trong đó chỉ có CLB Cồng chiêng buôn Ama Djơng được cấp kinh phí hoạt động. Câu lạc bộ cũng là lực lượng nòng cốt đại diện cho thị xã Ayun Pa tham gia trình diễn tại nhiều sự kiện lớn của tỉnh và được đánh giá cao. Các thành viên trong CLB đều rất nhiệt huyết, chỉ cần có sự kiện hay lễ hội là mọi người gác hết công việc để tập trung tập luyện và biểu diễn với tất cả niềm đam mê”.

Mỗi tối thứ bảy hàng tuần, các thành viên trong CLB tập trung sinh hoạt ở nhà sinh hoạt cộng đồng. Dù các thành viên đều bận rộn với công việc nương rẫy hay học hành, song họ vẫn háo hức trông chờ đến ngày cùng nhau luyện tập. Trong các buổi sinh hoạt, các nghệ nhân sẽ truyền dạy cho những thành viên trẻ tuổi cách đánh cồng chiêng từ bài đơn giản đến những bài chiêng khó, sao cho đúng nhịp và có sự kết hợp nhuần nhuyễn với các thành viên khác.

Bên cạnh truyền dạy những bài chiêng truyền thống, CLB còn không ngừng sáng tạo bằng cách tập luyện các bài chiêng mới, phù hợp với thị hiếu của du khách và những sân khấu lớn.

Nhờ vậy, CLB Cồng chiêng buôn Ama Djơng đã được mời biểu diễn tại nhiều sự kiện của thị xã cũng như của tỉnh. Câu lạc bộ đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai năm 2023 và nhiều hình thức khen thưởng khác như: chứng nhận tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ II-2023, chứng nhận đoàn nghệ nhân thị xã Ayun Pa tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III-2024…

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Mơ Ai khẳng định: “Chúng tôi sẽ nỗ lực gây dựng CLB ngày càng lớn mạnh và có chiều sâu hơn để di sản văn hóa cồng chiêng tiếp tục được gìn giữ và phát huy, phù hợp với thời đại mới.

Tới đây, CLB dự định mời các nghệ nhân tham gia lớp truyền dạy làm đàn t’rưng và đinh pút cho các thành viên để phong phú thêm nhạc cụ trong những lần biểu diễn và có thể mở rộng thành sản phẩm của CLB sản xuất bán theo đơn đặt hàng nhằm tăng kinh phí hoạt động”.

Có thể bạn quan tâm